Giãn cách xã hội toàn tỉnh cần có phối hợp với địa phương lân cận
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo TP HCM về ổ dịch COVID-19 liên quan đến tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (phường 3, quận Gò Vấp), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều đã có văn bản quy định trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp chống dịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều có các văn bản chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “bốn tại chỗ”. Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng ban Chỉ đạo đã thống nhất giao trách nhiệm của các cấp bên dưới là thực hiện chống dịch, thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly phù hợp để đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Về “chỉ huy tại chỗ”, gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt yêu cầu phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cá nhân hoá trách nhiệm. Người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất, trách nhiệm của các cấp trong thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch ưu tiên hơn một bước”, Phó Thủ tướng nêu rõ, theo quy định, các địa phương quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ nhằm không “ngăn sông, cấm chợ” không cần thiết.
Trường hợp cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc, trách nhiệm trước hết giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mặt hành chính, còn trong chỉ đạo điều hành, chống dịch, trước hết báo cáo với Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Cho đến giờ phút này, chưa bao giờ Bộ Y tế đề xuất giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc. Ngoài ra, nếu thấy tỉnh nào cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh đó không đề nghị thì Bộ Y tế có quyền đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo thực hiện.
Vì vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn ở mức độ, quy mô nào là thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo TP HCM theo quy định, khi cần thiết thì phải báo cáo rõ những điểm cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương lân cận hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa vì TP HCM là đô thị lớn, đầu mối giao thông đi nhiều tỉnh, thành cả nước.
TP HCM tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn đường phố...
Liên quan đến công tác chống dịch tại TP HCM, trong sáng qua (27/5), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong…
Theo báo cáo, trong tối 26/5, TP HCM phát hiện một chuỗi ca nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Lũy kế đến ngày 27/5, TP HCM đã có 3 chuỗi lây nhiễm. Tình hình dịch bệnh tại TP HCM vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng vẫn không loại trừ khả năng tiếp tục xuất hiện F0 ở cộng đồng, bởi chuỗi lây nhiễm tại quận 3 và chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chưa xác định được nguồn lây.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp CDC TP HCM huy động mọi nguồn lực truy vết thần tốc nhất, trách nhiệm cao nhất, không bỏ sót các trường hợp F1, F2, không để mất dấu trong quá trình truy vết đối với chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Siết chặt công tác phòng chống dịch tại công sở, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, chung cư, nhà cao tầng… Ban hành Sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thờ tự, hoàn thành trước ngày 1/6.
Tạm dừng hoạt động nhà hàng, khách sạn, chỉ phục vụ các khách trong khách sạn. Tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè... chỉ phục vụ bán mang về. Trừ nhà hàng trong khuôn viên khách sạn để phục vụ khách lưu trú. Dừng các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động tại chỗ của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ sở thờ tự không quá 10 người.
Ban Quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp, khu công nghệ cao khẩn trương thực hiện, thiết lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại cổng, lối ra vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Hướng dẫn khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phân luồng, cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp có ca nhiễm.
Yêu cầu các doanh nghiệp bố trí riêng khu vực tiếp khách, khách vào khu vực làm việc, ký túc xá, nhà ở của công nhân phải được do nhiệt độ, đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch. Rà soát xếp sắp tổ chức lao động, tổ chức sản xuất tại các doanh nghiệp đảm bảo giãn cách theo quy định, nghiên cứu bố trí ca làm việc linh hoạt cho người lao động nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Khuyến khích người lao động trao đổi, làm việc hoặc giao ca trực tuyến.
Người dân cần bình tĩnh, cảnh giác cao độ và không hoảng hốt
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, có những ca mới phát hiện, chưa truy được nguồn lây, nguồn tiếp xúc, đề nghị trước mắt kêu gọi người dân thành phố bình tĩnh, cảnh giác cao độ, không hoảng hốt để sẵn sàng tham gia với lực lượng phòng chống dịch với ý thức trách nhiệm cao để ngăn chặn và dập dịch trong thành phố. Thực hiện nghiêm quy định giãn cách ở những nơi có dịch và vùng lân cận. Xét nghiệm nhanh, thu hẹp lại khi có đủ căn cứ, cơ sở.
Toàn hệ thống chính trị thành phố đặt trọng tâm nhiệm vụ phòng, chống dịch lên trên hết và trước hết. Các lực lượng chức năng dưới sự điều hành của tổng chỉ huy là đồng chí Chủ tịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, theo tinh thần là dịch đang bùng phát.
Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý, cần xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch. Quá trình chuẩn bị và tổ chức thực thi nhiệm vụ cần chú trọng tối đa thiệt hại, ảnh hưởng của người dân khi không thật sự cần thiết, trừ khi buộc phải hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn, hy sinh cá nhân để bảo vệ cộng đồng thì chúng ta phải chấp nhận.
Các khu cách ly, bệnh viện dã chiến phải sẵn sàng túc trực, đảm bảo các tình huống khi dịch bùng phát rộng và kết nối thông tin với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia để báo cáo, xin ý kiến để có sự chỉ đạo chung.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, cần lưu ý: mặc dù Bộ Y tế đã ký được một số hợp đồng mua vaccine có tính nguyên tắc (còn chờ hợp đồng cụ thể), nhưng do nguồn vaccine khan hiếm nên nhiều nước dù đã ký hợp đồng cụ thể thì tiến độ giao vaccine vẫn bị chậm. Do vậy, mỗi người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.
Ngoài những đối tượng ưu tiên tiêm vaccine trong Nghị quyết 21/NQ-CP, Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu tất cả công nhân làm việc trong nhà máy, KCN phải khai báo y tế, đây là bước chuẩn bị để đưa vào danh sách tiêm vaccine khi có, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng cho những người làm việc trong các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tiếp xúc với nhiều người.