“Du học” để làm hoa đất
Phòng làm việc của chị Phạm Thị Thúy Vân khá nhỏ, những vật dụng làm hoa đất được bài trí rất gọn gàng. Căn phòng trang trí bắt mắt với những chậu hoa tinh xảo, nhiều màu sắc. Trên bàn, những chậu hoa sen kích thước lớn nhỏ đã được đóng gói cẩn thận.
Chị Vân cho biết, hoa sen là loài hoa chị làm đắt hàng nhất, thường để trang trí bàn thờ Phật, vì hoa sen đất có thể để được trong một thời gian dài, lại giống như thật nên dù giá khá cao vẫn được ưa chuộng.
Chị Vân cho biết gia đình có bốn anh chị em. Do kinh tế khá sung túc nên từ nhỏ, chị đã được tiếp xúc với nhiều môn học như thêu thùa, may vá, múa ba lê, học võ… Mới 10 tuổi, chị đã nhận hướng dẫn cách thêu cho nhiều người lớn tuổi.
“Thời đó, tôi học được cách thêu tay trên viền áo từ một người hàng xóm. Nhờ khả năng tiếp thu nhanh, sáng tạo, tôi có thể thêu những đường thêu đẹp, giấu được mọi dấu nối của chỉ ở dưới lai áo, nên được nhiều người yêu thích tìm đến nhờ bày vẽ”, chị tự hào kể.
Nhưng khi trưởng thành, chị Vân lại theo đường kinh doanh. Vừa bước qua tuổi 25, chị đã là chủ một công ty chuyên cung cấp các thiết bị may mặc bề thế. Để có thể quản lý công ty, chị Vân đã đi học nhiều ngành nghề kỹ thuật khác nhau như chế tạo, bảo trì các loại máy móc, trang thiết bị, trong đó có hai năm du học chuyên ngành thiết kế may mặc ở Úc.
Chính những kiến thức này đã giúp chị có thể sáng tạo nên những dụng cụ làm hoa đất nhanh chóng, độc quyền, lại có thể tạo nên những loài hoa màu sắc quyến rũ như hoa thật.
|
Hoa sen là sản phẩm hoa đất được thị trường ưa chuộng |
Cơ duyên đến với hoa đất của chị bắt đầu năm 2002, trong một lần đi mua chén bát ở một cửa hàng trên đường Lý Chính Thắng. “Lúc đó, tôi thấy người chủ có chưng một chậu hoa đất nhỏ ở bên cạnh. Nhận thấy từ cục đất có thể làm nên chậu hoa đẹp, tôi hỏi mua về trang trí trong nhà. Vài tháng sau, một người bạn của tôi kêu buồn, muốn đi học nữ công gia chánh.
Tôi cùng bạn đến Nhà văn hóa Phụ nữ đăng kí học thì nghe loáng thoáng danh sách các nghề có hoa đất. Tôi nhớ đến chậu hoa mình mua bên vệ đường ngày trước nên tìm đến lớp học để xem, sau đó đăng kí học luôn”, chị Vân kể.
Ban đầu chị đến lớp rất hào hứng, sau giờ học còn mua các loại đất về nhà tự mày mò, nhào nặn. Nhưng học được vài buổi, chị thấy khả năng làm hoa của mình không được tiến bộ, học viên lại đông nên người hướng dẫn không thể sửa sai hết được cho tất cả mọi người.
Chị tìm hiểu thêm biết được trên địa bàn TPHCM còn có hai lớp học hoa đất khác. Cũng đến tìm hiểu và chọn lớp học, nhưng theo lời chị những lớp học này vẫn không giúp chị thỏa mãn niềm đam mê học hỏi những tinh hoa làm hoa đất.
Sau nhiều ngày trăn trở, được sự ủng hộ nhiệt tình của chồng, chị Vân quyết định bay đến Thái Lan và Nhật Bản – hai đất nước có truyền thống làm hoa đất lâu đời để học hỏi. Ở mỗi đất nước này lại có những kỹ thuật, kỹ xảo làm hoa khác nhau.
Chị cho biết: “Trên đất Thái, tôi học được những kỹ thuật làm hoa đất từ công nghệ. Hoa đất của Thái Lan dù đẹp nhưng thông qua sắc màu vẫn có thể nhận biết đó là hoa giả, trong khi đó, hoa đất của người Nhật rất đẹp, tinh tế, nhưng người Nhật làm bằng tay nên mất khá nhiều thời gian.
Nhận thấy những ưu điểm và hạn chế kỹ thuật làm hoa của hai nước, cộng với những kiến thức cơ bản học được ở Việt Nam, tôi sáng tạo nên một loại hoa đất mới, hội tụ được nhiều ưu điểm và khắc phục được những hạn chế trong quá trình làm hoa đất”.
Hoa giả đẹp thơm như thật
Sau khi đã tiếp thu tinh hoa làm hoa đất ở Nhật và Thái, chị Vân trở về Việt Nam bắt đầy xây dựng thương hiệu hoa đất của riêng mình. Mày mò thử nghiệm một mình, thời gian đầu chị gặp nhiều khó khăn, nhưng nhanh chóng tìm ra những giải pháp mới.
|
Để có thể rút ngắn thời gian làm hoa đất bằng tay theo kiểu truyền thống, chị thuê riêng một thợ kềm về nhà giúp làm những dụng cụ riêng, phục vụ cho quá trình làm hoa. Thậm chí, chị còn đi học nghề điêu khắc để sáng tạo được cái khuôn có thể tạo nên những họa tiết trên vân hoa, vân lá. Chính vì vậy, những cánh hoa, lá, nhụy hoa được làm ra đồng đều, cân đối, lại nhanh chóng tạo ra thành phẩm chỉ trong một thời gian ngắn.
Chị Vân phấn khởi nói: “Nếu như trước đây, muốn làm gân hoa sen thì người ta sẽ mua gân hoa có sẵn trên thị trường. Nhưng khó khăn ở chỗ, những gân hoa đó chỉ có một độ dài nhất định nên không thể làm được những hoa sen có kích cỡ lớn hoặc nhỏ hơn. Suy nghĩ mãi, tôi tạo ra một dụng cụ làm gân hoa sen riêng, vì vậy, tôi có thể làm hoa sen ở mọi kích cỡ khác nhau”.
Có đủ những dụng cụ làm hoa đất, chị bắt đầu phân vân khi chọn nguyên liệu, nhất là đất. Theo chị, trên thị trường có nhiều loại đất khác nhau như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Việt Nam…
Trong đó mỗi loại đất lại có những tính năng riêng như đất Thái Lan dẻo cứng, phù hợp để làm lá; đất Nhật Bản, Đức, Hàn có độ mềm dẻo, độ rũ nhất định phù hợp để làm hoa. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Vân quyết định chọn loại đất cao cấp được nhập từ Hàn Quốc vì giá thành hợp lý, tính năng tốt, có thể đáp ứng được nhu cầu làm hoa đất.
Có đầy đủ dụng cụ, chọn lựa được nguyên liệu phù hợp, chị tạo nên những cánh hoa, đem đi phơi sao cho cánh hoa có hình dáng đặc trưng, độ cong riêng biệt của nó. Chị chia sẻ, trong quá trình làm hoa, điều quan trọng nhất là màu sắc chủ đạo của hoa.
“Hoa đất của Nhật Bản và Thái Lan đẹp, độ tinh xảo cao, nhưng không chú trọng đến màu sắc của hoa, nên hoa thường tối màu, cũ. Vì vậy, tôi thường làm những kiểu hoa mới nở, có màu sắc tươi sáng, tự nhiên.
Hơn nữa, sau khi làm hoa xong, tôi dùng nước hoa cao cấp của Pháp để giúp cho hoa có những mùi hương đặc trưng. Do đó, hoa đất của tôi luôn sinh động như thật, nếu chỉ nhìn bằng mắt mà không sờ vào, rất khó để nhận ra đó là hoa giả”, chị Vân cho biết.
Năm 2004, thương hiệu Hoa đất Tân Vân Hà ra đời. Những ngày đầu có mặt trên thị trường, một mình chị mày mò làm ra từng sản phẩm đến tận đêm khuya. Những sản phẩm đầu tiên chị sử dụng để tặng cho khách hàng, đối tác của mình.
Thấy loại hoa đất đẹp, ấn tượng, có hương thơm đặc biệt, rất nhiều người truyền tai nhau và đến đặt mua. Có thời điểm, cửa hàng phải cần đến gần 30 nhân công làm việc. Mặc dù vất vả, nhưng nhận được sự tin yêu của khách hàng, chị lại không ngừng nỗ lực, cố gắng.
Chị Vân cười hiền tâm sự: “Tôi biết đến nghề hoa đất là một cái duyên, theo đuổi được đến bây giờ là cả quá trình đam mê, kiên trì không mệt mỏi. Để làm được một nhành hoa phải trải qua rất nhiều công đoạn, lại đòi hỏi phải có bàn tay tỉ mỉ khéo léo, đôi mắt biết quan sát và tâm trạng thoải mái, mới có thể tạo nên được cái “hồn” của hoa. Vì vậy, tôi cũng luôn muốn tìm người có duyên, có đam mê thật sự để truyền nghề”.
|