Theo Reuters, rất nhiều người trải nghiệm dịch vụ này, từ thanh niên cho đến người đã về hưu. Họ được mặc áo liệm, chụp ảnh thờ, viết di chúc và cuối cùng là nằm trong quan tài đóng kín khoảng 10 phút.
Cụ thể, sau khi khoác trên mình áo tang, họ được dẫn vào căn phòng lờ mờ ánh nến và tràn ngập hoa cúc. Những người tham gia ngồi vào bàn và bắt đầu viết lời trăng trối dành cho người thân. Tiếp đó, một người đàn ông mặc áo choàng đen với chiếc mũ cao truyền thống của Hàn Quốc sẽ đi đóng nắp các quan tài. Ông chính là biểu tượng của tử thần. Với 10 phút nhốt mình trong bóng tối, người tham gia sẽ có cơ hội suy nghĩ, chiêm nghiệm về cõi đời.
Sau khi quan tài được mở nắp, cảm xúc của người tham gia rất trái ngược, một vài người khóc nức nở vì lo sợ giây phút ranh giới giữa “sự sống” và “cái chết”. Bên cạnh đó, không ít người tham gia lại thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, họ tán gẫu và chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Thậm chí, nhiều người ngủ quên luôn trong quan tài.
“Một khi bạn cảm nhận cái chết cận kề và trải nghiệm nó, lúc đó bạn sẽ thấy trân trọng cuộc sống đang có”, ông Cho Jae-hee, 75 tuổi, người tham gia chương trình “đám tang sống” được Công ty tang lễ Hyowon tổ chức cuối tháng 10, cho biết.
Hay theo một sinh viên đại học 28 tuổi, Choi Jin-kyu chia sẻ: “Thời gian nằm trong quan tài giúp tôi nhận ta rằng, tôi đã thường xuyên xem người khác là đối thủ cạnh tranh. Đến khi nằm trong quan tài, tôi tự hỏi liệu sống như thế có ích gì?”.
Cuối cùng, khi trải nghiệm xong dịch vụ này, anh Choi Jin-kyu quyết định sẽ thành lập công ty riêng khi tốt nghiệp đại học, thay vì tham gia vào thị trường tìm việc làm cạnh tranh khốc liệt.
Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ 33 trong số 40 quốc gia về Chỉ số Cuộc sống Tốt đẹp hơn. Nhiều người trẻ Hàn Quốc hy vọng nhận được nền giáo dục và việc làm tốt, nhưng rồi “vỡ mộng” khi nền kinh tế chững lại và tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Bên cạnh đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2016, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc là 20,2/100.000 người, cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu là 10,53. Hiệp hội Thần kinh Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy một phần tư số người được khảo sát nói rằng họ chịu áp lực lớn từ công việc.
Nhìn nhận được thực trạng này đang ngày càng lây lan rộng khắp, từ cách đây 7 năm, Công ty tang lễ Hyowon đã nảy ra ý tưởng cung cấp dịch vụ “chết thử”, với mục tiêu giúp mọi người hiểu và trân trọng cuộc sống đang có.
Đồng thời hướng mọi người đến những điều vui vẻ, rộng lòng tha thứ và đơn giản hóa những mâu thuẫn thường ngày giữa bạn bè, gia đình, công việc… Bên cạnh đó, trải nghiệm này giúp những người bị bệnh nan y hoặc có ý định tự tử biết trân trọng những giây phút quý báu bên cạnh người thân và có thêm niềm tin vào cuộc sống.
“Chúng ta chẳng có gì là mãi mãi. Đó là lý do tôi nghĩ trải nghiệm này rất quan trọng. Chúng ta có thể mở lời xin lỗi, hòa giải sớm hơn và sống phần đời còn lại thật hạnh phúc”, ông Jeong Yong-mun- đại diện Công ty cho biết.
Người sáng lập trải nghiệm “chết thử” của Công ty Hyowon nói thêm rằng, nhiều lúc anh gặp khách hàng là những người từng có ý định tự tử. “Tôi nhận ra những người có ý định tự kết liễu cuộc đời và đã giúp họ thay đổi quyết định. Tôi muốn mọi người biết rằng bản thân họ rất quan trọng và người ở lại sẽ vô cùng đau khổ nếu họ không còn trên đời nữa.
Trải nghiệm chết thử trong quan tài đem lại ý nghĩa thiết thực giúp người tham gia thay đổi quan điểm, cảm thấy yêu đời và vững tin vào cuộc sống. Hạnh phúc chính là những thứ bản thân đang có hiện tại”, Jeong Yong-mun chia sẻ.