Theo dự thảo Nghị quyết, TTTCQT được quản lý trong khuôn khổ bộ máy hành chính nhà nước nhưng được trao cơ chế “một cửa, tại chỗ” với tính linh hoạt cao.
Cụ thể, sẽ thành lập Cơ quan quản lý TTTC trực thuộc UBND TP (TP Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng) để điều hành trực tiếp mọi hoạt động tại TTTC và một Trung tâm trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp thương mại, tài chính phát sinh. Các cơ quan này do UBND TP tổ chức, chịu sự hướng dẫn chuyên môn từ các Bộ, ngành Trung ương. Ban Chỉ đạo quốc gia về TTTCQT do Thủ tướng Chính phủ thành lập chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về TTTCQT; thúc đẩy việc phát triển TTTCQT.
Cơ quan giám sát TTTC liên ngành (gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Xây dựng và Môi trường, Bộ Tư pháp...) để giám sát các định chế tài chính trong TTTC.
Mô hình này có ưu điểm là phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam, có thể triển khai nhanh vì dựa trên khuôn khổ pháp lý sẵn có (UBND TP có thể thành lập các ban quản lý chuyên trách theo ủy quyền của Chính phủ). Mô hình này cũng bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước đối với TTTCQT, tránh rủi ro thất thoát hoặc lạm dụng cơ chế. Tuy nhiên, nhược điểm là mức độ hấp dẫn và cạnh tranh quốc tế chưa cao (cơ cấu nhà nước có thể kém linh hoạt hơn mô hình độc lập; thủ tục hành chính và tâm lý e ngại cơ quan công quyền có thể làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài; khả năng thu hút nhân tài quản lý quốc tế vào làm việc trong bộ máy hành chính địa phương cũng cần giải quyết các “nút thắt” về chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc).
Trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, một số TTTCQT trên thế giới áp dụng mô hình quản trị bởi một tổ chức công - tư hỗn hợp, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp/quỹ phát triển, đại diện cho cộng đồng các ngân hàng và định chế tài chính tham gia TTTC. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là tính chuyên nghiệp, linh hoạt và bám sát nhu cầu thị trường; hoạt động độc lập, có quyền tự chủ cao; tạo niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, nhược điểm chính là chưa phù hợp với khung pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện hành. Việc trao một phần thẩm quyền quản lý nhà nước cho một thực thể công - tư hỗn hợp đòi hỏi cơ sở pháp lý rất mới, trong khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định hiện tại chưa cho phép mô hình quản trị đặc thù như vậy. Ngoài ra, mô hình này có thể gây phức tạp trong quan hệ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và tổ chức vận hành TTTCQT, dễ tạo vướng mắc nếu không xác định rõ ranh giới thẩm quyền.
Trong chuyến công tác tại 3 nước châu Âu gồm: Anh, Đức, Luxembourg vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn công tác đã thăm, tìm hiểu mô hình tổ chức, hoạt động của một số TTTC London vào chiều 17/3 (giờ địa phương), trong đó, có mô hình quản lý.
Tại Đức, Phó Thủ tướng Thường trực cùng đại diện Bộ, ngành, địa phương Việt Nam và các lãnh đạo Liên minh các TTTCQT (WAIFC), doanh nghiệp Đức đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, hiệu quả về nhiều vấn đề liên quan tới việc xây dựng TTTC như lựa chọn mô hình TTTC, phương thức phát triển fintech và tài sản số, kinh nghiệm phát triển thị trường vốn và dịch vụ tài chính phái sinh, sự cần thiết của một hệ thống giám sát, kế toán minh bạch trong xây dựng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, những rủi ro trong xây dựng TTTCQT...
Tại Anh, Phó Thị trưởng TTTC London Vincent Keaveny nêu 5 nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng TTTC thành công và bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng TTTC. Các luật sư Anh cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ xây dựng chính sách trong dự thảo Nghị quyết và nhấn mạnh sự quan trọng của hệ thống pháp luật và cơ chế giải quyết tranh chấp đồng bộ, minh bạch. Các thẩm phán và chuyên gia luật thương mại quốc tế đề xuất hợp tác với Việt Nam để đào tạo thẩm phán, kết nối thẩm phán quốc tế làm việc tại TTTC và xây dựng các chương trình hợp tác trao đổi nhân sự, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế…