Giữ gìn tinh hoa đàn tính
Mặc dù cái ngưỡng tuổi ngoại lục tuần nhưng ông Đào dáng vẻ vẫn còn tráng kiện, khỏe mạnh và tinh thần còn rất minh mẫn. Bắt đầu cuộc trò chuyện, ông Đào đã bộc lộ tính cách hài hước, dí dỏm và gần gũi khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái. Đôi bàn tay của ông trông rất chai sạn, thô kệch nhưng lại vô cùng khéo léo khi gọt những đường cong làm thân đàn, thoăn thoắt đẽo gọt những thớ gỗ chắc lịm cho chúng thành hình, thành khuôn.
Từ thuở nhỏ, ông Đào đã mê cây đàn tính, mê mẩn loại đàn 2 dây khi được cha ông truyền dạy. Ông cho rằng, chính tổ tiên nhà ông cũng từng giữ nghiệp xướng ca và làm đàn trong suốt triều nhà Mạc. Cho đến bây giờ, ông là người cuối cùng trong dòng họ vẫn còn lưu giữ nghiệp tổ truyền này. Ông vừa chế tác ra đàn tính từ quả bầu để bán, vừa là dùng để đem ra gảy vui lúc rỗi rãi.
Ông say mê đến mức khi còn trong quân ngũ năm 1976 đã tự tạo một cây đàn nhỏ rồi hàng đêm ra bìa rừng yên tĩnh để gảy tí tách, nghêu ngao hát đủ mọi làn điệu dân ca then cổ mà ông biết để giải khuây. Cũng chính nhờ ông mà loại nhạc cụ mang tên đàn tính của người Tày được sống lại, phổ biến khắp nơi khi đi đâu ông cũng mang ra đàn hát.
Nghiệp chế tác đàn tính của ông Đào bắt đầu từ năm 2004 sau khi chính thức nghỉ hưu, có nhiều thời gian nhàn rỗi nên ông đã mua quả bầu tròn khô về nhà đục đẽo làm đàn. Tay nghề ông ngày một nâng cao, âm thanh tiếng đàn tính cũng hay dần theo từng ngày tháng. Ban đầu ông cũng chỉ nghĩ làm vài cây để đánh chơi, trải buồn. Nhưng số lượng đàn tính ngày càng nhiều, ông đàn không hết, tặng cho bạn bè cũng không ai lấy vì không biết đàn. Nhiều lần ông mang đàn ra một số cửa hàng nhạc cụ giới thiệu, thế nhưng không có cửa hàng nào nhận mua vì nhu cầu mua rất ít.
May mắn thay, giữa lúc đang chán nản, tuyệt vọng ông lại có cơ duyên được gặp Nghệ sỹ ưu tú Quỳnh Nha nổi tiếng trong tỉnh và được người nghệ sỹ này đặt vấn đề cùng hợp tác để phát triển cây đàn tính. Và từ đó, “xưởng đàn” của ông Đào mỗi tháng cho ra hàng chục cây đàn tính với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Tiếng lành về người thợ làm đàn tính còn sót lại ngay trong lòng thành phố Cao Bằng vang xa.
Từ cái duyên hội ngộ với nghệ sỹ Quỳnh Nha, ông Đàm Văn Đào được nhiều người biết, tìm đến học và mua đàn cũng nhiều hơn. Những cây đàn tính do chính tay ông làm đã được những cửa hàng kinh doanh nhạc cụ dân tộc, những người say mê đàn tính ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Cà Mau, Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên… trực tiếp gọi điện đến đặt mua.
Ông cho biết, hiện giờ làm đàn tính thì có không ít người làm nhưng để làm ra cây đàn tính có âm thanh chuẩn lại rất hiếm người làm được và ông là một trong số đó. Bởi thế mà ông cặm cụi làm cả ngày, cả tháng mà không kịp do số lượng đặt mua khá nhiều.
Nghề làm đàn tính cũng lắm công phu
Ông Đào chia sẻ: “Làm đàn hay chơi đàn tính thì không phải ai cũng làm được bởi nó rất kén người. Người nóng tính sẽ chẳng bao giờ làm hay chơi được đàn tính. Cũng chính vì thế mà hiện giờ rất ít người chơi được đàn tính, ngay cả con cháu tôi dù đã được tôi truyền dạy nhưng chẳng có ai học được, nên chúng nó cũng không hứng thú với nghề làm đàn cổ nữa. Để làm ra một một cây đàn tính có âm thanh chuẩn, mẫu mã đẹp nó phải trải qua hàng chục khâu đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì. Chỉ riêng việc chọn bầu và sơ chế cũng “ngốn” không dưới khoảng thời gian 20 ngày rồi”.
Việc lựa chọn quả bầu cũng phải cẩn thận, kỹ càng, không lấy những quả bị ong châm, kiến chích mà phải phải lựa kỹ những quả tròn đều khi còn ở trên giàn. Bầu để già cho đến khi gõ vào nghe được những tiếng kêu đanh thì cắt, mang về ngâm nước cho phần ruột chín nhừ. Trong lúc ngâm nước chờ cho ruột bầu chín phải thải loại những quả bầu có vỏ quá mỏng hoặc quá dày. Sau nhiều ngày ngâm nước, bầu được đem phơi trong bóng râm và khô thoáng. Khi quả bầu phơi khoảng hơn chục ngày rồi lại ngâm nước vôi tiếp để vỏ bầu săn lại, để âm thanh phát ra vừa đanh lại vừa êm tai.
Theo ông Đào, việc chỉnh âm đàn chuẩn không phải dễ dàng. Đối với đàn tính âm chuẩn hay không phải dựa trên kinh nghiệm và cái tai biết thẩm thấu của người thợ đàn. Chính vì vậy, để làm được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì người thợ phải biết hát các điệu then, thông thạo các nốt âm trên cây đàn tính. Một cây đàn tính chỉ được gọi là hoàn thành khi những khâu cuối cùng là chỉnh âm hai đến ba ngày, bởi phải so dây, đục lỗ lại những quãng nào không chuẩn. Nghề làm đàn đòi hỏi sự tỉ mỉ từng chi tiết, kiên trì với thời gian, vì vậy hiếm có ai có thể theo nghề đến cùng và đạt đến đỉnh cao như ông Đào.
Nhắc đến việc truyền nghề, giọng ông Đào bỗng chùng xuống. Những đứa con của ông đều không đam mê với cây đàn tính. Muốn làm được những cây đàn tốt phải thực sự dành hết tình cảm, tấm lòng trân trọng và yêu quý. Hai năm trở lại đây, do sức khỏe yếu, số lượng đàn tính ông làm ra ít dần. “Tôi có tuổi rồi, nếu có người nào đó nặng lòng tâm huyết với cây đàn này, tôi sẵn sàng truyền nghề. Hát then không thể thiếu đàn tính, tôi muốn những công sức mình bỏ ra không bị mất đi”, ông Đào trầm ngâm.
Ông Đào cũng là một trong số những thành viên tích cực của Hội Bảo tồn Văn hóa Dân tộc Cao Bằng. Hàng chục năm nay ông vẫn luôn hăng hái với việc bảo tồn và phổ biến tinh hoa văn hóa như cây đàn tính. Đồng thời ông cũng luôn đau đáu khi các điệu hát then giờ bị pha trộn nhạc đỏ, không còn thấy bóng hình điệu then cổ.