Tư duy xanh ở Bản Dọi

(PLVN) - Vượt qua những cung đường, con dốc dịu dàng uốn khúc, chúng tôi về Bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La). Đón chúng tôi là những người dân hồn hậu và rừng hoa mận trắng đẹp như mơ ẩn hiện trong biển sương. Nơi đây, người dân đã thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm nông nghiệp để phát triển du lịch bền vững, góp phần bảo vệ vẻ đẹp của vùng cao Tây Bắc.
Khu tái định cư của đồng bào người Thái đen.
Khu tái định cư của đồng bào người Thái đen.

Bản Dọi thuộc xã Tân Lập, nằm ở phía Tây Bắc của huyện Mộc Châu, cách thị trấn Nông trường Mộc Châu 27km, là nơi định cư của đồng bào người Thái. Từ khi công trình thủy điện Sơn La được xây dựng, bên cạnh đồng bào người Thái trắng sinh sống đã lâu đời, còn có khu tái định cư của người Thái đen (trước đây là Bản Dọi 2) đến từ xã Ít Ong, huyện Mường La. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất mờ sương này, nhưng trong tôi vẫn dâng lên một nỗi niềm khó tả.

Bản Dọi giờ đây không còn trầm ngâm suy tư giữa núi đồi như nhiều năm trước mà đang dần “thay da, đổi thịt”, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Con người vẫn vậy, vẫn niềm nở, chân tình và ấm áp, cảnh sắc thiên nhiên, cảnh quan môi trường lại có nhiều sự phát triển, đổi thay.

Làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Nhìn từ trên cao, bản làng người Thái như một thung lũng, nhấp nhô những nếp nhà sàn truyền thống mộc mạc. Bao năm nay, họ sống hòa hợp với thiên nhiên, gắn bó với núi đồi, nguồn thu nhập chính dựa vào chăn nuôi và trồng chè, kết hợp với trồng những cây hoa màu ngắn ngày như lúa, ngô... Hỏi đường đến nhà ông Hà Văn Quyết - cựu Trưởng Bản Dọi 1, chúng tôi được người dân địa phương chỉ dẫn tận tình. Ông Quyết đã có 20 năm làm Trưởng bản và cũng là chủ mô hình homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân) đầu tiên trong bản, với hơn 10 năm hoạt động.

Ông Quyết cho hay, trung bình mỗi năm, mô hình homestay của gia đình đón khoảng 500 lượt khách. Để có thể thu hút được khách du lịch, ngoài việc gìn giữ, quảng bá vẻ đẹp, bản sắc văn hóa của người Thái, ông cũng rất chú trọng việc giữ gìn và làm đẹp cảnh quan môi trường. Đến nay, bản đã có sáu hộ làm du lịch cộng đồng, với khu lưu trú là các căn nhà sàn truyền thống rộng rãi, sạch đẹp, đủ cho hàng trăm du khách ghé thăm. “Nhờ hoạt động du lịch, không gian, những nếp nhà và cả rừng mận cũng có thêm sức sống”, ông Quyết nhấn mạnh.

Điều tôi cảm thấy ấn tượng nhất khi trở lại mảnh đất này chính là con đường dẫn vào bản. Tôi vẫn nhớ như in, dạo ấy trời mưa to, khó khăn lắm chúng tôi mới vào được tới bản vì đường lầy, trơn trượt, có đoạn cả đoàn phải xuống “hợp lực” đẩy ô tô qua vũng bùn lớn. Để cổ vũ tinh thần anh em chúng tôi, anh Thiện, trưởng đoàn tếu táo: “Thế này đã là gì! Xưa các cụ nhà ta còn bạt núi xẻ đồi, dùng sức người kéo những khẩu pháo cao xạ cồng kềnh gấp mấy kia kìa!”.

Chị Liên nhanh nhảu hát luôn: “Hò dô ta... nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo!”. Vậy là cả đoàn được trận khoái chí, cùng hát, cùng cười, quên đi mệt mỏi, quên luôn cả cái giá lạnh đầu đông đang chờ trực thốc vào cùng gió dữ, mưa phùn. Cảm giác như, tiếng cười của tuổi trẻ chúng tôi, của những sinh viên tình nguyện vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc.

Đó là chuyện trước đây. 8 năm đã trôi qua, giờ đây, nhờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, cùng với sự đóng góp và ủng hộ nhiệt tình của người dân, tuyến giao thông nông thôn nội bản đã được bê tông hóa gần 70%, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, quang cảnh chung quanh lại vừa thuận tiện cho việc di chuyển của bà con và du khách đến trải nghiệm.

Nhìn con đường bằng phẳng, trải dài ra mãi tận nương ngô, hai bên đường được điểm tô bởi những đóa hồng rừng thân mảnh mà hương ngát, những cành ngũ sắc rực rỡ bên cạnh khóm mười giờ đang chi chít nụ và hoa, tôi cảm nhận được sự trong lành, bình yên, một sự phát triển du lịch cộng đồng đầy tiềm năng ở Bản Dọi.

Chị Hoàng Thị Hoa cùng nhóm bạn chuyên phượt các cung đường Tây Bắc, thường đến Mộc Châu “săn mây”, chia sẻ: “Bản Dọi êm đềm, giữ được nét hoang sơ của cảnh sắc, con người thì mộc mạc. Đó là điều níu chân du khách. Thêm nữa ở xã Tân Lập còn rất nhiều điều bí ẩn đang chờ khám phá”.

Chị Lò Thị Thu Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Bản Dọi cho biết: “Hằng tháng, Hội Phụ nữ thường kết hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường như: Quét dọn đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng hoa cây cảnh, vệ sinh bể chứa nước... Công việc tuy nhiều nhưng ai nấy đều vui vẻ, hào hứng bởi đã góp phần nào vào công cuộc xây dựng quê hương, xây dựng bản du lịch cộng đồng”.

Rạng rỡ niềm vui làm du lịch.
Rạng rỡ niềm vui làm du lịch.

Tài sản là… tình cảm

Chiều đến, bên những nếp nhà tái định cư của người Thái đen, khói bếp đã tỏa lên nghi ngút, quyện vào những vạt nắng còn vương sót lại trong ánh chiều. Gặt hái xong, chị em dân bản rảnh rang hơn mọi bận. Họ thổi cơm, lo cho đàn bò, đàn lợn ăn xong rồi lại ngồi quây quần bên nhau, cùng thêu khăn piêu và nói chuyện mùa màng, làng bản. 

Anh Vì Văn Tỉnh niềm nở mời chúng tôi vào chơi nhà, pha một ấm trà nóng mở đầu câu chuyện. Vừa rót, anh vừa bảo: “Chè này nhà mình trồng được, cũng mới thu hoạch thôi! Thơm lắm!”. Quả thực, trà vừa rót ra đã đánh thức mùi hương đậm đà, “say” đến khó tả. Thứ trà Shan Tuyết cổ thụ được trồng nhiều ở vùng cao, quanh năm sống dẻo dai, hiên ngang với núi rừng, cho ra màu nước vàng trong ánh xanh sóng sánh đây mà! Anh kể cho chúng tôi nghe về cách trồng chè ra sao, chăm chè như thế nào, rồi cách thu hoạch kiểu hai lá một tôm, cách phơi, sấy cho chè ngon nhất.

Anh còn kể, trước đây bà con trong bản chủ yếu trồng những cây hoa màu ngắn ngày. Trồng nhiều mà năng suất không cao, vẫn đói lắm. Do ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đến môi trường đất, nước, thiệt hại về kinh tế và sức khỏe con người, chính quyền đã vận động người dân trồng chè trở lại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang cây dài ngày, khuyến cáo người dân không được bán và sử dụng thuốc diệt cỏ. Nhờ liên kết với doanh nghiệp Đài Loan mà giờ đây, cuộc sống của bà con đã cải thiện hơn nhiều, nguồn thu nhập chính dựa vào đồi chè.

Cũng phải nói thêm rằng, chính cây chè, cây mận, chuyện làm du lịch và tình cảm của bà con đã thu hút nhiều người đến với Bản Dọi hơn, là sợi dây kết nối làng bản với du khách trong và ngoài nước. Anh Vì Văn Tỉnh chia sẻ: “Không có du lịch thì ít người đến nơi này, chúng tôi cũng không có điều kiện để đổi thay mình”.

Tâm sự với anh Tỉnh, với nhiều người dân khác, tôi hiểu thêm rằng chính tư duy xanh và tư duy sinh thái của người dân đã tạo ra lợi nhuận và lợi nhuận ấy lại được tái đầu tư cho nhà cửa, cảnh quan môi trường, giúp môi trường xanh hơn. Hơn thế, qua cách sống, trò chuyện, tiếp khách, sự nồng hậu của người dân đã tạo cho khách sự ấm áp, gần gũi và muốn đến. “Cái bụng người dân thật thà, chất phác. Chính cái bụng tốt, với tình cảm tốt là tài sản của chúng tôi”.

Nói về vấn đề môi trường, anh Hà Văn Nhây - cán bộ địa chính đất đai – môi trường xã Tân Lập cho biết: “Trước đây, người dân địa phương chưa ý thức được việc xử lý vỏ thuốc BVTV, vẫn còn vứt vỏ gói thuốc bừa bãi. Năm 2018, chúng tôi đã cho xây dựng bể chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng, hướng dẫn bà con cách thu gom và cho vận chuyển đến nơi xử lý nhằm bảo vệ môi trường, khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm nguồn đất. Không chỉ vậy, để hướng đến phát triển du lịch bền vững, Ban Chỉ đạo còn khuyến khích người dân xây dựng chuồng trại xa nhà ở, không chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường một cách tốt nhất”.

Bản Dọi cần thúc đẩy phát triển du lịch.
Bản Dọi cần thúc đẩy phát triển du lịch.

Còn đó những trăn trở

Ðể duy trì và phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Dọi, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc, người dân cũng cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan thiên nhiên. Đó là điều mà người dân và chính quyền trăn trở, bởi ở nhiều nơi, khi phát triển du lịch cũng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái.

Thật may, nhờ có Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Du lịch Cộng đồng (GROW) được Chính phủ Úc tài trợ và do tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam thực hiện, bà con Bản Dọi đã được đi tập huấn nhiều nơi, được hướng dẫn bài bản về cách bảo vệ môi trường sinh thái như học lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, cách phân loại rác đúng quy định, tư duy xanh để phát triển du lịch... Dự án đã làm thay đổi căn bản nếp nghĩ của người dân, để người dân lao động, sản xuất dựa vào môi sinh và bồi đắp thêm kiến thức làm du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định như chưa nhân rộng được mô hình du lịch đến với đồng bào người Thái đen. Chị Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, vì sống trong khu tái định cư, quỹ đất có hạn nên đồng bào người Thái đen vẫn phải chăn nuôi gia súc gần khu nhà ở, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng cuộc sống. Chính quyền vẫn luôn quan tâm sát sao, định hướng phát triển du lịch nơi đây bằng nhiều cách, đẩy mạnh đa dạng hóa, đưa các sản phẩm từ chè và trái cây Mộc Châu đến với khách du lịch như: mứt mơ, mứt mận... Không chỉ vậy, các sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công truyền thống cũng cần được phát triển hơn nữa để đưa vào mô hình du lịch. Chỉ khi thu được lợi ích kinh tế từ việc làm du lịch, bà con sẽ có điều kiện để bảo đảm môi trường sống được tốt nhất. 

Trở về từ Bản Dọi, tôi vẫn chưa hết bâng khuâng. Bởi lẽ, bản đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp sau hai lần ghé thăm. Hy vọng dù phát triển du lịch đến đâu, Bản Dọi vẫn giữ được những bản sắc vốn có của mình, vẫn hòa mình cùng thiên nhiên, với những nếp nhà sàn truyền thống mộc mạc dựa lưng vào núi đồi, khuất lẫn trong biển sương, giản dị như cách mà rừng núi đã chở che làng bản bao đời qua. 

Đọc thêm