Vụ kiện mảnh đất nhiều lần được cấp rồi hủy sổ đỏ tại Tiền Giang: Phát hiện tình tiết mới, đương sự đề nghị tái thẩm bản án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bà Trần Thị Mộng Hoa (SN 1968, ngụ ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) vừa có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị tái thẩm vụ án mà bà là người liên quan. Bà Hoa cho rằng bản án hành chính năm 2004 của TAND tỉnh Tiền Giang có tình tiết chưa được xem xét.
Bà Hoa bên khu đất. (Ảnh: Bùi Yên)
Bà Hoa bên khu đất. (Ảnh: Bùi Yên)

Mảnh đất nhiều lần được cấp rồi hủy sổ đỏ

Theo hồ sơ, bà Hoa và chồng là ông Trần Thanh Sự (đã chết năm 1999) có 8.388m2 đất, trong đó cha chồng cho 5.700m2 theo tờ “chúc ngôn” (di chúc - NV) vào 1992. Năm 1993, vợ chồng bà mua thêm khoảng 3 công (thực tế khoảng 2.600m2) từ ông Nguyễn Văn Hoa (SN 1952, ngụ cùng ấp) với giá 18 chỉ vàng 24K; có hai người làm chứng. Năm 1993, ông Sự có đơn với khu đất trên. Cùng năm UBND huyện có Quyết định 273/QĐ.UB cho gia đình bà Hoa tạm sử dụng. Năm 1997, UBND huyện cấp sổ đỏ với 8.388m2 đất trên cho gia đình bà Hoa.

Bà Hoa cho rằng, năm 1998, UBND huyện tách 3.000m2 trong 8.388m2 của gia đình bà để cấp cho ông Nguyễn Hữu Thông (SN 1980, gọi ông Sự là chú ruột). Từ đây, gia đình ông Thông lấy đất canh tác.

Vợ chồng bà Hoa khiếu nại. Ngày 23/12/1999, huyện ra Quyết định 87/1999/QĐ.UB hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Thông vì quá trình cấp sổ đỏ còn thiếu chữ ký bà Hoa. Đồng thời, huyện ra Quyết định 86/1999/QĐ.UB thu hồi luôn sổ đỏ đã cấp năm 1997 cho nhà bà Hoa. Đến năm 2000, 8.388m2 đất trên được cấp lại cho bà Hoa.

Cho rằng Quyết định 87 của huyện không đúng, ông Thông khiếu nại, rồi khởi kiện đòi bà Hoa giao 3.000m2.

Ngược với trình bày của bà Hoa, ông Thông cho rằng 8.388m2 đất trên là của ông nội để lại, trong đó 3.000m2 được chia cho một người con bị tâm thần vào khoảng 1993 - 1994. Do bà Hoa không quản lý được nên giao lại cho cha ông quản lý, còn ông Sự canh tác. Năm 1998, ông Sự không canh tác nữa nên giao cha con ông Thông canh tác.

Ông Thông yêu cầu hủy Quyết định 87 và hủy sổ đỏ đã cấp cho bà Hoa năm 2000 với lý do cấp khi đang có tranh chấp.

Năm 2001, TAND huyện chấp nhận yêu cầu của ông Thông. Tháng 8/2001, TAND tỉnh xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm với lý do tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hành chính; nhưng TAND huyện lại xử theo trình tự tố tụng dân sự.

Vụ án sau đó được chuyển thành vụ án hành chính, UBND huyện là bị đơn, bà Hoa là người có liên quan. Tại bản án sơ thẩm năm 2003, UBND huyện tái khẳng định năm 1999 huyện ra Quyết định 87 thu hồi sổ đỏ đã cấp cho ông Thông vì khi cấp chưa đủ thủ tục, còn thiếu chữ ký của bà Hoa.

Cấp sơ thẩm nhận định việc cấp sổ đỏ cho ông Thông thiếu chữ ký của bà Hoa là không đúng quy định, nên việc thu hồi là đúng. Cấp sơ thẩm bác đơn của ông Thông.

Năm 2004, khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh lập luận 8.388m2 đất là cha ông Sự để lại. Trong đó 5.700m2 là cha ông Sự cho theo tờ chúc ngôn năm 1992. Sau đó, cha ông Sự mua thêm 2.600m2 và để ông Sự canh tác với điều kiện phải nuôi người chị tâm thần.

Năm 1998, cha ông Sự làm tờ chúc ngôn khác tách 3.000m2 đã cho ông Sự để cho cha ông Thông canh tác và có trách nhiệm trông nom người chị bị tâm thần.

Theo tòa, tờ chúc ngôn năm 1992 chưa phát sinh hiệu lực và trước khi chết năm 2000, cha ông Sự đã giao lại 3.000m2 cho người khác. Năm 1997, khi huyện cấp sổ đỏ cho ông Sự, cha ông Sự đã phản đối, yêu cầu tạm ngưng cấp và năm 1998 đã chia lại; nên việc cấp sổ đỏ cho ông Sự là không hợp pháp.

Về thực tế, 3.000m2 đất trên ông Thông đã canh tác từ 1998 đến nay, thực hiện nghĩa vụ thuế. Năm 2000, huyện cấp sổ đỏ cho bà Hoa khi đất đang tranh chấp là không đúng đối tượng, trái với ý chí của cha ông Sự.

TAND tỉnh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thông, hủy sổ đỏ cấp năm 1997 cho ông Sự, sổ đỏ cấp năm 1998 cho ông Thông, sổ đỏ cấp năm 2000 cho bà Hoa; hủy Quyết định 87 thu hồi sổ đỏ đã cấp cho ông Thông. Giao UBND huyện xem xét, lập thủ tục cấp sổ đỏ cho ông Thông và bà Hoa theo quy định.

Luật sư đánh giá có căn cứ tái thẩm

Ngày 1/7/2004, UBND huyện ra quyết định thu hồi và hủy sổ đỏ đã cấp cho bà Hoa vào năm 2000.

Bà Hoa nói không đồng ý với bản án phúc thẩm nên không giao sổ đỏ, làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. “Tuy nhiên, sau đó không thấy ai nói gì đến việc thu hồi sổ đỏ nữa”, bà Hoa nói.

Bà Hoa cho rằng mới đây tìm hiểu và phát hiện khi xử phúc thẩm chưa làm rõ một số vấn đề. Như diện tích đất tranh chấp, vợ chồng bà mua của ông Hoa và cha chồng bà cũng nói mua của ông Hoa; nhưng tòa không đưa ông Hoa vào làm chứng hoặc người liên quan để xác định là bán cho ai. Vì vậy bà có đơn đề nghị tái thẩm.

Về phía UBND huyện Chợ Gạo, cho biết sẽ kiểm tra lại hồ sơ về quá trình thực hiện bản án của TAND tỉnh để cung cấp cho PV.

Nhận định về sự việc, LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nói: “Theo khoản 1 Điều 352 BLTTDS 2015, nếu phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không biết được trong quá trình giải quyết vụ án, là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm”. Luật không quy định thời hạn về tái thẩm nên nếu bà Hoa mới phát hiện tình tiết quan trọng thì có quyền gửi đơn đề nghị tái thẩm và cơ quan có thẩm quyền cũng có căn cứ để tái thẩm. Người có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm với bản án là Chánh án TAND tối cao, Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao”.

Theo LS Thanh, việc tái thẩm với vụ án trên là có căn cứ vì cả 2 bản án đều chưa xác định vị trí 3.000m2 đất thuộc phần đất mà cha chồng cho 5.700m2 đất nông nghiệp theo tờ chúc ngôn vào năm 1992 hay thuộc phần đất 2.600m2 mua năm 1993 từ ông Hoa. Nếu đất tranh chấp thuộc đất mua của ông Hoa thì cần xác định đất này do bà Hoa mua (có giấy viết tay) hay cha chồng bà Hoa mua; và phải đưa ông Hoa vào tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có liên quan.

Đọc thêm