Phương pháp xử lý ô tô ngập nước, bị thủy kích

(PLO) - Để tránh thiệt hại đáng tiếc cho xe, lái xe khi gặp mưa ngập cần phải nắm rõ những điều cơ bản nhất. Nếu xe bị thủy kích dẫn tới chết máy ở đoạn đường ngập? Những nguyên tắc sau sẽ là điều các lái xe cần lưu ý.
Phương pháp xử lý ô tô ngập nước, bị thủy kích

Đối với xe chạy máy xăng

Việc đầu tiên các lái xe lưu ý là bạn không được khởi động lại, dù chỉ 1 lần. Vì bạn cần hiểu rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng thủy kích trên xe ô tô là do người điều khiển xe cố gắng nổ máy khi xe bị ngập nước. Lúc này, nước sẽ bị tràn vào đường hút gió (khí nạp) của động cơ khiến xe bị chết máy hoặc hư hỏng các bộ phận khác trên xe.

Ngoài ra, việc cố gắng đề lại máy sẽ làm piston bị cong và gãy tay biên, lúc đó xe sẽ rơi vào tình thế “vô phương cứu chữa”.

Để xử lý vấn đề này, các lái xe cần phải kiểm tra mực nước ngập để tránh nước không qua mép cửa. Khi đã vượt qua đoạn đường ngập nước, nên di chuyển chậm và đều ga. Một điều khác mà bạn nên lưu ý nếu muốn xe không bị thủy kích là hạn chế đạp thốc ga. Vì khi tăng ga đột ngột dễ làm nước tràn qua lưới tản nhiệt và đổ vào ống hút. Khi đã vượt qua đoạn đường ngập nước, hãy đi tiếp một đoạn rồi rà nhẹ phanh để nước trên đĩa phanh được loại bớt.

Nếu cảm thấy xe bị thủy kích thì chúng ta cần mở nắp capô và tiến hành tháo 2 cực của bình ắc quy để tránh hiện tượng chập mạch khi nước xâm nhập vào trong xe. Lúc này, việc quan trọng bạn cần làm là hãy tháo tất cả bugi của xe, mặc dù các hãng có kiểu thiết kế động cơ khác nhau nhưng bugi luôn là chi tiết phải được thiết kế để thay thế dễ dàng.

Tiếp theo, bạn lắp lại cọc bình và tiến hành khởi động động cơ, do bugi đã được tháo rời nên tất nhiên động cơ không thể hoạt động nhưng các piston vẫn di chuyển, khi đó, nó sẽ đẩy nước ra khỏi xi lanh qua đường lắp bugi, bạn vặn chìa khóa vài lần để nước thoát hết ra ngoài. Cuối cùng, lắp lại bugi và khởi động động cơ.

Đối với xe chạy máy dầu

Cơ bản của xe chạy máy dầu là không sử dụng bugi để đánh lửa mà piston ép hỗn hợp dầu và không khí để gây cháy trong lòng xi lanh. Cụ thể, khi hoạt động, máy dầu tạo ra ma sát rất lớn, nếu trong nhớt có lẫn nước sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn máy xăng.

Chính vì thế nếu xe máy dầu bị thủy kích, các bước xử lý gần giống như xe máy xăng, tuy nhiên nó cũng có phần "phiền" hơn khi cần có nhiều dầu động cơ để giải quyết tình huống.

Đầu tiên bạn cần phải đẩy xe lên chỗ ráo nước, tiến hành tháo nắp đậy dầu trong khoang máy để tạo lỗ thông hơi, sau đó mở ốc xả dầu dưới gầm xe để nước theo dầu trôi hết ra ngoài.

Tiếp đến, đổ dầu vào lại động cơ và xả lần hai để rửa sạch phần nước còn sót lại trong khoang máy. Thay vì tháo bugi, chúng ta sẽ tháo toàn bộ các kim phun dầu (béc phun) trước khi đề máy, phần nước đọng lại trên đỉnh xi lanh sẽ thoát ra ngoài qua lỗ kim phun.

Cuối cùng, bạn chỉ cần đổ đầy dầu mới, lắp kim phun và khởi động lại động cơ là có thể tiếp tục “vi vu” trên đường.

Lưu ý: Đối với xe chạy máy xăng, nếu bạn khởi động được động cơ thì phải di chuyển đến gara gần nhất để thay toàn bộ dầu máy, vì khi nước lọt vào được xi lanh, chắc chắn trong dầu cũng sẽ lẫn nước. Lúc này, dầu sẽ mất độ bôi trơn và làm tăng ma sát trong động cơ. Bên cạnh đó, sau hành trình, bạn cần mang xe đến hãng để kiểm tra lại toàn bộ phần máy và hệ thống điện để đảm bảo việc ẩm ướt từ ngập nước sẽ không gây ra các hỏng hóc về sau.