Không ai nhớ rõ nghề này đã tồn tại từ bao giờ. Đời này qua đời khác, bà con nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh “cỗ xe độc mã”, một con ngựa kéo theo chiếc xe chạy đi chở hàng trên khắp các cung đường mòn quanh núi. Xe ngựa ở Thất Sơn rất thô sơ, không có mui hay thùng cây như một số nơi khác mà chỉ có mui trần gọn nhẹ.
Nhiều năm gắn bó với nghề dùng sức ngựa mưu sinh, anh Chau Ron (ngụ huyện Tịnh Biên) ngày ngày đánh xe rong ruổi dọc các con đường để nhận và giao hàng cho khách. Cứ một chuyến như vậy, anh kiếm được tầm 100 – 150 ngàn đồng. Tùy vào ngày chở ít hay nhiều, anh có thể bỏ túi từ 300 - 500 ngàn/ngày.
Công việc này cực ở chỗ, phải khuân vác hàng lên xuống cho khách, dù nắng hay mưa vẫn đi. Song đổi lại, đây là nghề dễ sống, thu nhập ổn định, đủ để bà con chăm lo gia đình, sửa sang nhà cửa. “Tôi mua con ngựa này giá 18 triệu, tương đương chiếc xe máy, nhưng mà tôi thấy mua con ngựa sẽ lời hơn. Nuôi không tốn xăng, mà còn làm ra tiền mỗi ngày để mình trang trải cuộc sống, lo con đi học”, anh cười.
Một số dân nài ngựa (điều khiển ngựa - PV) cho biết, khi mua ngựa về người ta sẽ cho tập đeo gông, huấn luyện kéo xe, chở đồ. Sau đó, chỉ cần gắn dây cương vào, lên xe ngồi giật dây, điều khiển, ngựa sẽ đi theo ý mình.
Thông thường, ngựa hai tuổi đã có thể tập kéo, nhưng tốt nhất vẫn là năm năm tuổi. Đặc tính của ngựa vốn mau lẹ, dẻo dai, tầm vóc tuy không lớn nhưng lại có sức bền, sức chịu đựng tốt nên có thể chở khối lượng hàng hóa nặng lên đến một tấn hay chở được khoảng sáu người.
Chính vì ngựa thường phải bon chen vào những nơi đất đá lởm chởm, chênh vênh, nên người chủ thường làm cho ngựa bộ móng sắt để khỏi đau chân. Ngoài ra, những chú ngựa còn được trang bị thêm miếng che hai bên mắt để chúng không bị phân tâm bởi cảnh vật xung quanh mà chỉ tập trung tiến thẳng về phía trước.
Với những người sống bằng nghề cầm cương ngựa, loài vật này không chỉ là công cụ giúp họ kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống bản thân và gia đình mà còn là người bạn thân thiết. Vì vậy, người nuôi thường chăm sóc chúng rất kĩ lưỡng như gắn lục lạc, tỉa lông bờm để ngựa trở nên đẹp và thu hút hơn.
Nếu lúc trước toàn vùng Bảy Núi có khoảng 100 – 200 chiếc xe ngựa thì giờ đây chỉ còn khoảng vài chục chiếc, tập trung chủ yếu ở các xã Văn Giáo, An Cư, Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên)… Tuy ít, những chiếc xe ngựa vẫn đảm đương công việc vô cùng hiệu quả.
Những con đường nhỏ gồ ghề, dốc khó đi, nơi mà những phương tiện giao thông khác không vào được, người ta vẫn nghe tiếng vó ngựa lọc cọc. Có lẽ vì vậy, mà dù xe cộ có mọc lên như nấm ở vùng núi non này, những chú ngựa vẫn không lo thất nghiệp.