Xuất hiện cây “tỷ đô” ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên

(PLO) -Được mệnh danh là cây tỷ đô, cây Mắc ca đang trở thành vị cứu tinh cho nông dân Tây Nguyên, Tây Bắc thoát nghèo.
Triển vọng cây tỷ đô ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên
Triển vọng cây tỷ đô ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên
Cây  tỷ đô
Cây macca có xuất xứ từ Úc với tên gọi đầy đủ là Macadamia, khi du nhập vào VN được gọi tắt là Macca. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt macca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”.
Kể từ năm 2002, cây macadamia được đưa về VN để khảo nghiệm, đến nay, đã có thể khẳng định là Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và hoàn toàn có khả năng để phát triển cây macca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn. 
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người đưa cây macca đầu tiên về Việt Nam cho biết sau gần 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm trên hàng loạt các vùng địa lý và khí hậu của Việt Nam đã xác định được hai vùng đó là Tây bắc và Tây Nguyên. Đây là hai vùng khí hậu hiếm có rất thuận lợi cho cây macca sinh trưởng và cho năng suất cao không phải nơi nào trên thế giới cũng có được.
Điều này giải thích lý do vì sao nhu cầu macca trên thế giới rất cao nhưng khả năng đáp ứng hiện lại rất thấp. 
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhấn mạnh: “Đây là một lĩnh vực đầu tư đột phá cần phải nhanh chóng triển khai. Tận dụng thế mạnh này có thể mở ra cơ hội vô cùng lớn cho nông nghiệp Việt Nam”.
VN đã quy hoạch phát triển 200.000 ha mắc ca tại Tây Nguyên và 50.000 ha tại Tây Bắc. Mục tiêu phấn đấu đạt 200.000 tấn hạt (năm 2025), tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người đầu tiên đưa giống macca về Việt Nam
 Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người đầu tiên đưa giống macca về Việt Nam
Các sản phẩm macca đã được đón nhận như những thực phẩm cao cấp, rất giàu dinh dưỡng, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, công nghiệp...
TS Nguyễn Trí Ngọc, Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết so với các sản phẩm nông nghiệp khác, mắc ca có giá trị vượt trội bởi  các sản phẩm chế biến từ macca rất đa dạng, giàu dưỡng chất đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 -3 lần cây cà phê, hạnh nhân... Một cây mắc ca có vòng đời khoảng 60 năm, thậm chí đến 100 năm.
Cụ thể, tính trung bình 1ha macca mang tới thu nhập 2.000- 3.000USD cho nông dân (15usd/kg). Trong sản xuất thức ăn, giá trị có thể gấp 3 lần và trong sản xuất mỹ phẩm, giá trị sẽ tăng lên 20 lần, tương đương với 280 USD/kg. 
Cung không đủ cầu
Các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu nhận định, nhu cầu về macca trên thế giới đang tăng rất nhanh. Cầu về nhân macca trên thị trường thế giới sẽ lớn hơn cà phê rất nhiều do cách dùng cà phê khá nghèo nàn làm đồ uống và pha rượu hay bánh kẹo trong khi macca được chế biến rất phong phú.
Tại các nước phát triển trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ macca ngày một tăng cao và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, sản lượng macca trên toàn thế giới mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm. Theo dự báo, nhu cầu về hạt macca đến 2020 ở vào khoảng 230 nghìn tấn
Lượng sử dụng macca bình quân theo đầu người còn rất nhỏ, mới chỉ được tính bằng gram/người/năm. Các nước có lượng tiêu thụ/người lớn như Úc (0,268 kg/người.năm), Costa Rica (0,168 kg/người.năm), Malawi (0,72 kg/người.năm), được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới với sự mở rộng ra thị trường Ấn Độ, Trung Quốc…
PGS Phạm Đức Tuấn, Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp Thành Tây cho rằng đây là hướng đi đúng, macca là cây trồng triển vọng tỷ đô. 
“Tây Nguyên hiên có 1 triệu ha, Tây Bắc 5.000 ha đất đỏ bazan rất thích hợp với trồng cây macca. Trong 4 -5 năm đầu có thể trồng xen canh với các loại cây khác, kể cả cà phê vì cà phê dưới tán cho thu hoạch trước”, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng nói.
Quả cây macca cho giá trị kinh tế rất cao trên cùng đất đỏ bazan ở Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam
 Quả cây macca cho giá trị kinh tế rất cao trên cùng đất đỏ bazan ở Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam
Trong quá trình trồng thử nghiệm, năng suất macca ở Việt Nam đạt 2kg/cây đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Úc. 
Ở Việt Nam, sản lượng macca vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của thị trường do diện tích khiêm tốn, chủ yếu ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Hiện tại, Cty CP Thương mại -đầu tư phát triển công nghệ Quốc tế - IDT) đã cho ra mắt những sản phẩm macca qua chế biến như: hạt macca rang muối, rang mù tạp, rang mật ong, rang tự nhiên. Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu rất khó vì khan hiếm. Do đó công ty phải nhập nguyên liệu từ các nước Trung Quốc, Nam Phi có giá thành rất đắt đỏ.  
Tương tự, nhà máy chế biến macca Donafood cũng đang gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu đầu vào trong khi công suất thiết kế là 5000 tấn/năm.
Loại cây tuyệt vời
Ông Nguyễn Hữu Tú, nông dân trồng macca ở tỉnh Thanh Hóa phải thốt lên rằng đây là một loại cây tuyệt vời, cứu sống gia đình trong lúc khó khăn. Ông Tú chia sẻ, năm 2006 có nhận thầu khoán đất rừng 20 ha sau đó được bác Tạn giới thiệu đã trồng thử nghiệm giống macca. “Năm đó hoàn cảnh gia đình khó khăn phải chạy vạy mãi mới đủ 20 triệu đồng, tôi ra thẳng Ba Vì mua 500 cây giống với giá 40.000 đồng/cây”, ông Thành nói.
Sau 3 năm,  cây macca đã cho những quả bói đầu tiên. Năm 2011 đạt sản lượng 5 tạ quả bán được hơn 40 triệu đồng. Năm 2012 bán được 1,7 tấn, bán được 100 triệu đồng. Đến năm 2014, ông Tú dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 2,5 tấn bán với giá 80 nghìn đồng/kg.
Tương tự ông Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tuy Đức, Đắc Nông, nơi đang có diện tích trồng macca vào loại lớn nhất cho biết huyện đã quy hoạch được khoảng 10.000 ha đất đỏ ba zan để trồng macca. Ông đánh giá, việc trồng loại cây tỷ đô này đã giúp người nông dân nơi đây có nguồn thu nhập lớn, tạo hàng trăm nghìn việc làm.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, nếu chúng ta phát huy tốt các nguồn lực thì có thể đưa ngành macca Việt Nam thành một ngành kinh tế có thu nhập cao (hàng tỷ USD/năm), có tính ổn định lâu dài và tạo cơ hội rất tốt để thay đổi diện mạo nông nghiệp và nông thôn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP trong đó các dự án trồng cây macca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.
Mặc dù có những thuận lợi trong việc trồng cây macca song khâu chế biến cũng cần được đẩy mạnh. Các chuyên gia đều cho rằng cần phải xã hội hóa loại cây này, mời doanh nghiệp vào hỗ trợ vốn, cây giống, kĩ thuật… Cụ thể, ngân hàng Liên Viện đã đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng cho nông dân Tây Nguyên trồng macca. Công ty CP đầu tư và thương mại quốc tế IDT đã đầu tư trồng dược 70ha, gây giống được 5 vạn cây/năm ở Điện Biên. 

Đọc thêm