"Cánh én vàng" Trần Thị Thuần giúp nhiều mảnh đời éo le vượt qua nghịch cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nghị lực vươn lên, bằng sự học hỏi và đam mê của mình, chị Trần Thị Thuần (ở thôn Bến, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cùng những người đồng cảnh ngộ đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc (HTX Tâm Ngọc) nhằm thu hút tạo việc làm cho những người khuyết tật.
 Chị Trần Thị Thuần (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Cánh Én vàng năm 2020.
Chị Trần Thị Thuần (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Cánh Én vàng năm 2020.

Vượt nghịch cảnh, xây dựng thương hiệu uy tín

Chị Trần Thị Thuần (SN 1983) không may bị khuyết tật khiến đôi chân bị teo quắt, đi lại phải dùng nạng. Tuổi thơ của chị đã hứng chịu bao thiệt thòi và nước mắt vì bị khuyết tật. Ngày qua ngày, chị nỗ lực rèn luyện nghị lực và quyết tâm phải vươn lên khẳng định mình. Trải qua nhiều công việc cũng như biến cố trong cuộc sống, nghị lực của Thuần như được tôi luyện thêm.

Từng làm công nhân ở một số nơi, cảm nhận, thấu hiểu những thiệt thòi của những người khuyết tật khi phải làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Vì vậy, chị luôn muốn tìm cho mình một cơ sở để có thể tập hợp, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Ý nghĩ đó lúc nào cũng nung nấu trong chị, và phải quyết tâm làm sao để thực hiện được việc đó. Một việc mà chị biết rằng sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Năm 2019, sau nhiều nỗ lực và chuẩn bị, HTX Tâm Ngọc được thành lập, từ đây, chị Thuần cùng một số anh chị em người khuyết tật đã có một nơi để tự khẳng định bản thân, tự tin hòa nhập với cộng đồng, không chỉ giúp chính mình mà còn giúp được nhiều người khác.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tâm Ngọc, chị Thuần luôn chú trọng đến công việc và môi trường làm việc của mọi người, làm sao để cùng thể hiện sự yêu thương, gắn kết, cảm nhận được lòng tự hào và giá trị của mình. Hơn hết là tạo ra các kênh tương tác xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển của hợp tác xã sau này.

Chị Trần Thị Thuần chia sẻ: “Trước khi thành lập HTX, tôi đã phải luôn trăn trở làm gì và làm như thế nào để tạo được công ăn việc làm phù hợp nhất với người khuyết tật. Từ khi thành lập, phải tìm những hướng đi để duy trì HTX, giúp anh chị có thu nhập, tôi đã tìm hiểu và đi đến hợp tác cùng với các HTX khác để tạo nên một chuỗi lên kết, cùng nhau phát triển. Làm sao trong môi trường làm việc của HTX luôn vui vẻ, gần gũi như trong một gia đình, mỗi thành viên đều là một nhân tố góp lên môi trường làm việc thân thiện để cùng tạo ra những sản phẩm chất lượng”.

Chị Trần Thị Thuần (ngoài cùng trái) đang giới thiệu sản phẩm chè của HTX Tâm Ngọc tại Hội chợ.

Chị Trần Thị Thuần (ngoài cùng trái) đang giới thiệu sản phẩm chè của HTX Tâm Ngọc tại Hội chợ.

Hiện nay, HTX Tâm Ngọc có các sản phẩm chính của là trà túi lọc thảo dược như Cà gai leo, đinh lăng… được làm từ những nguyên liệu tự trồng ngay tại HTX theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn. Để sản phẩm có thương hiệu và phát triển rộng rãi, HTX Tâm Ngọc đã bắt tay vào liên kết với các HTX trên địa bàn đó là HTX Xuân Hoa ở xã Đông Xuân và HTX Hoa Lợi ở xã Xuân Giang. Để tạo ra các dòng trà thảo dược, các HTX đã cùng gieo trồng và chăm sóc cây thảo dược phục vụ cho việc tạo ra các dòng trà thảo dược đa dạng.

Đến nay, HTX đã có 03 sản phẩm trà túi lọc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2020, chị Thuần đã đem sản phẩm trà thảo dược của HTX đi dự thi Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức và đã vinh dự được là một trong 10 sản phẩm tiêu biểu được vinh danh. Đó là điều mà chị Thuận không ngờ tới, sau biết bao nỗ lực, phấn đấu, giơ đây mọi thành quả đến như một giấc mơ.

Liên kết để người khuyết tật cùng phát triển

Phần lớn trong 30 thành viên của hợp tác xã này là những NKT và bà con nông dân nghèo nhưng có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Họ chăm chỉ cần mẫn nên những mảnh đất khô cằn trước đây nay đã có màu xanh của hy vọng. Hiện thu nhập của các thành viên từ 2,5 – 6 triệu đồng/tháng.

Để tiến độ giao hàng nhanh đảm bảo giá thành hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, HTX Tâm Ngọc cũng đã liên kết với HTX Sức sống xanh có trụ sở ở xã Tân Dân cũng là do những người khuyết tật tự làm chủ đề cùng hợp tác thúc đẩy phát triển kinh doanh. HTX Tâm Ngọc đã đi vào hoạt động và tương đối ổn định, đã giúp cho nhiều NKT có thu nhập ổn định, đời sống nâng lên khi có được công việc tốt hơn.

Chia sẻ về những lợi ích khi được tham gia làm việc tại HTX, anh Nguyễn Công Minh cho biết: “Từ khi về HTX làm việc, tôi thấy mình có điều kiện để phát huy những kiến thức đã học được về tin học cũng như làm việc nhóm, hợp tác để tạo ra sản phẩm. Là người khuyết tật nhưng khi cùng làm việc với nhau, mọi người luôn trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chỉ bảo nhau để tiến bộ, coi HTX là gia đình để cùng xây dựng HTX phát triển và cho thu nhập cũng ổn định, lâu dài”, anh Minh tâm sự.

Với phương châm hoạt động luôn đề cao vị trí vai trò của con người, đào tạo người lao động thành thạo về nghề, HTX Tâm Ngọc đã xây dựng một tập thể có tính trách nhiệm cao, nghiêm túc cẩn thận, tạo nên những sản phẩm hoàn thiện cho chất lượng tốt, xây dựng lên một Tâm Ngọc nhân văn, đoàn kết, năng động sáng tạo và chuyên nghiệp hơn, được các cấp ban ngành tại địa phương ủng, giúp đỡ và đánh giá cao.

Hiện nay, sản phẩm chủ đạo của HTX Tâm Ngọc là những sản phẩm trà thảo dược nguyên liệu tự gieo trồng và được chăm sóc bởi những thành viên tận tụy, cần cù, chịu khó cùng với những nỗ lực cố gắng và với những việc đã làm, các thành viên hợp tác xã vượt qua những khó khăn thử thách với phương châm hợp tác để cùng thành công, và định hướng liên tục cải tiến.

Tiếp tục dẫn dắt HTX Tâm Ngọc về nhân lực, vật lực, xây dựng uy tín thương hiệu và niềm tin, chị Thuần luôn cố gắng nỗ lực không ngừng để dù là người yếu thế trong xã hội nhưng tâm vẫn sáng như ngọc và ngày càng khẳng định vị thế HTX trong xã hội.

Với mong muốn HTX luôn phát triển để NKT có cuộc sống ngày một ổn định hơn. Chị Thuần luôn nghĩ đến tính bền vững cho HTX Tâm Ngọc, việc này không chỉ phục vụ đời sống mỗi NKT mà còn xây dựng Tâm Ngọc trở thành một thương hiệu uy tín.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu NKT nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với NKT từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NKT là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm.

Còn tại thành phố Hà Nội, mặc dù số NKT có nhu cầu học nghề khá cao, tuy nhiên, số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm thấp. Nguyên nhân do nhiều NKT và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; thời gian dạy nghề cho NKT quá ngắn, nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều NKTkhông mặn mà với việc học nghề.

Để bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho NKT, trong đó để NKT có việc làm bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của NKT...

Đọc thêm