Sau khi chia tách TX Thái Hòa thì huyện Nghĩa Đàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã xuống cấp, một số tiêu chí đạt chuẩn thấp như giao thông; cơ sở vật chất văn hoá, môi trường...
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại chậm phát triển. Phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn... Nhưng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, phong trào xây dựng NTM trên mảnh đất badan nắng gió trở thành một động lực để nhân dân chung sức phấn đấu.
Sau 10 năm triển khai xây dựng, đến nay toàn huyện đã có 13/23 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; 01 xã đạt 19 tiêu chí là xã Nghĩa Thành (sau sáp nhập 03 xã Nghĩa Tân, Nghĩa Liên và xã Nghĩa Thắng); 8 xã đạt 10-17 tiêu chí. UBND huyện đang chỉ đạo xã Nghĩa Bình tập trung nguồn lực, điều kiện để xây dựng xã đạt chuẩn nâng cao đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn vào năm 2022.
Cánh đồng lúa bát ngát tại huyện Nghĩa Đàn đẹp như một bức tranh. |
Việc thực hiện Kế hoạch số 42/KH-UBND huyện ngày 18/3/2020 về việc chung tay ủng hộ xây dựng NTM đã được phát huy và lan tỏa rộng rãi. Đến nay có 21 cơ quan, đơn vị tham gia đóng góp với hơn 370 triệu đồng ủng hộ cho 8 xóm thuộc xã Nghĩa An.
Trong năm 2020, tổng số lượng xi măng đã cấp cho các xã là 7.736 tấn, các xã triển khai làm mới 37,336km đường bê tông. Tổng kinh phí được cấp năm 2020 là 6.139,8 triệu đồng, hiện nay các xã, đơn vị đã triển khai đã xong và giải ngân đúng quy định.
Những năm gần đây, phong trào thi đua xây dựng NTM tại huyện Nghĩa Đàn được nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng và tích cực tham gia hưởng ứng, vai trò chủ thể của nhân dân trong cộng đồng được nâng lên, các cấp các ngành đã quan tâm chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông thôn, xóm đang được hưởng ứng tích cực.
Khu vực Trung tâm hành chính huyện. |
Công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình xây dựng NTM được tổ chức thực hiện thường xuyên và nội dung ngày càng phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận người dân.
Hiện nay, xã Nghĩa Lợi đã ban hành Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 25/3/2020 về “Xây dựng xóm Lung Thượng trở thành xóm NTM và khu dân cư kiểu mẫu” và có những việc làm thiết thực. Hay như xã Nghĩa Bình hiện nay đang xây dựng đề án để triển khai thực hiện cho xóm Bình Hạnh trong. Toàn huyện đã triển khai xây dựng tổng 26 vườn/22 xã có Vườn chuẩn NTM.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, huyện Nghĩa đàn tiếp tục xác định vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình; Tập trung huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để xây dựng NTM làm cho Nghĩa Đàn có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại, an ninh chính trị, trật tự an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng cao.
Bà Hoàng Thị Thu Trang (bìa phải) Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn thăm một mô hình trang trại. |
Trong năm 2021, huyện Nghĩa Đàn phấn đấu xây dựng 2 xã đạt chuẩn NTM (Nghĩa Thịnh, Nghĩa Lợi); 2. Xây dựng 5 thôn (bản) đạt chuẩn NTM và xây dựng 22 vườn chuẩn trên địa bàn/22 xã. Để hoàn thành những mục tiêu đó, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn đã đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo huyện, Trưởng các phòng, Thủ trưởng các ban, ngành cấp huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cho các xã hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí NTM thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách.
Các xã đã đạt chuẩn NTM tổ chức đánh giá lại toàn bộ tiêu chí theo chuẩn mới, củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt theo bộ tiêu chí nâng cao về NTM. Các xã chưa đạt chuẩn NTM tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện từng tiêu chí, quan tâm chỉ đạo xây dựng thôn xóm đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM cho những năm tiếp theo;
Nhân dân xã Nghĩa Mai nô nức góp sức người, sức của làm đường bê tông nông thôn. |
Về nông nghiệp,tiếp tục đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn; tu bổ, phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Tăng cường phát triển mạng lưới điện nông thôn, quan tâm giải quyết các vướng mắc, bất cập trong việc sử dụng điện sinh hoạt của nhân dân, nâng cấp cơ sở vật chất của mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống trường học, các thiết chế văn hóa, hệ thống chợ nông thôn...
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; Tập trung xây dựng các trường học đạt chuẩn Quốc gia; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật.
Ông Võ Tiến Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, huyện đã có nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân và những bước đi đột phá, Nghĩa Đàn sẽ sớm trở thành những miền quê đáng sống và xứng đáng là Trung tâm phát triển kinh tế của miền tây xứ Nghệ.