Tiến đã gắn bó với bà con nông dân Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc từ Điện Biên, Lào Cai tới Đồng bằng sông Cửu Long... để tìm lại, bảo tồn, phát triển và từng bước thực hiện giấc mơ đưa những sản phẩm độc đáo của nông nghiệp bản địa ra với thế giới.
Từ hiểu biết mơ hồ tới mạch nguồn tình yêu từ dòng máu cội nguồn
Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại bang California (Mỹ), nơi có rất đông người Việt sinh sống. Do hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ Tiến không được dạy tiếng Việt. Trong ký ức của Tiến: “Ấn tượng về Việt Nam của mình lúc còn nhỏ là hình chữ S khi bố vẽ trên giấy, mẹ nói về cách ăn cơm bằng đũa... Tuy nhiên, mọi thứ rất mơ hồ, không rõ ràng”.
Sau tốt nghiệp đại học, Tiến tìm được một công việc liên quan đến lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng tại thành phố New Orleans ở tiểu bang Louisiana để lập nghiệp.
Trong nhiều năm, dù chưa một lần về Việt Nam nhưng Tiến đã giúp sinh kế cho những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Anh sáng lập hợp tác xã nông nghiệp mang tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành... cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị ở California.
Thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Tiến là vào năm 2008, khi anh cùng gia đình trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Trong chuyến đi đó, lần đầu tiên trong cuộc đời mình Tiến thấy bố - người đàn ông mạnh mẽ nhất trong cuộc đời anh bật khóc. Bố mẹ Tiến đã vô cùng xúc động khi có được cơ hội quay trở về nguồn cội. Điều đó đã khiến cho Tiến có một cảm giác vừa rất lạ, một cảm giác dù xa vời nhưng lại rất thân thuộc giữa anh và mảnh đất hình chữ S.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến (bên phải) đi làm vườn cùng bà con dân tộc. |
“Nơi đầu tiên mình đặt chân ở Việt Nam là TP Hồ Chí Minh, sau đó được lên thăm quê hương cũ của bố là Đà Lạt. Giây phút nhìn thấy bố rơi nước mắt là khoảnh khắc mình sẽ nhớ mãi trong cuộc đời mình. Mình nghe bố nói đây là một nơi mà không cần lắng nghe vẫn có thể hiểu hết mọi thứ xung quanh mình.
Lúc mà mình không nói được tiếng Việt thì khái niệm quê hương không rõ, khái niệm quê hương rõ ràng hơn khi mình thấy được bố mẹ xúc động như thế nào. Lúc này mình cảm giác Việt Nam không phải chỉ là một nơi mình đến thăm nữa mà còn là một nơi mình cần có nghĩ vụ, có ràng buộc hơn”, Tiến kể về những xúc cảm đầu tiên của anh dành cho Việt Nam.
Vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, năm 2012, anh được mời về Việt Nam để tư vấn định hướng phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng dân tộc thiểu số. Trong khoảng thời gian đầu mới về Việt Nam, Tiến cảm thấy yêu tất cả thảy mọi thứ ở đây từ chuyện kẹt xe tới từng quán vỉa hè.
Dần dần Tiến tìm được sự bình yên và niềm yêu thích của mình ở những cánh đồng, cánh rừng xanh trải dài bất tận của những vùng quê Việt Nam. Cũng từ đó, Tiến về nước nhiều hơn và đến năm 2014, anh quyết định hồi hương để khởi nghiệp.
Cùng đưa nông sản Việt lên tầm cao mới
Đến 2015, anh tham gia một dự án cộng đồng ở Bắc Trung bộ về vấn đề quản trị đất đai và tài nguyên môi trường. Dự án đánh giá việc giao đất giao rừng, sau đó tư vấn cho Quốc hội về luật bảo vệ phát triển rừng. Dự án này đã mang lại cho Tiến nhiều thứ quý giá. Nhờ việc tiếp cận với bà con dân tộc trong một thời gian dài, Tiến có cơ hội tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng, tập quán sinh hoạt có ảnh hưởng đến quản lý đất đai và rừng ở các vùng núi Việt Nam.
Tiến nhận thấy rằng có nhiều dự án ở nước ta chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, chưa thực sự đi vào đời sống để phát huy hiệu quả của dự án. Tiến tâm sự: “Ngay từ lúc đó, tôi đã nghĩ mình phải thử sức ở lĩnh vực kinh tế, thiết lập doanh nghiệp tư nhân, thế mới đem lại ích lợi thực sự cho đồng bào bản địa bởi cách vận hành và tiếp cận vấn đề sẽ khác với cách làm dự án”.
Một sản phẩm mới mang thương hiệu Việt. |
Vốn làm trong lĩnh vực nông nghiệp nên Tiến nhận thấy nguồn gen bản địa của nông sản Việt Nam bị mai một. “Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người chỉ nghĩ đến việc xuất nguyên liệu thô, tự hào về số lượng nhưng không mang lại giá trị thương hiệu quốc gia. Đó là một thiệt thòi vì ở đây sở hữu rất nhiều đặc sản giá trị, tôi thấy việc bảo tồn được nguồn gen nguyên bản sẽ là khởi đầu để xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc biệt mang thương hiệu Việt Nam”, Tiến nói về ý tưởng phát triển chuỗi nông sản đặc biệt của nhiều đồng bào dân tộc Việt.
Tiến nêu một ví dụ điển hình về sự mai một của các đặc sản của nông nghiệp Việt như khi tiếp cận đời sống đồng bào dân tộc thiểu số như Nùng, H’Mông, Tiến thấy món mèn mén của họ chế biến từ ngô trắng, và qua khảo sát, tất cả họ đều công nhận mèn mén từ ngô trắng của họ ngon hơn ngô lai hiện nay. Nhưng bây giờ không dễ tìm được ngô trắng nấu, Tiến nhận rõ sự tiếc nuối của họ, nhưng để khắc phục thì không dễ, vì ngô thụ phấn tự do, giống lai vào chiếm hết giống bản địa.
Từ đó, Tiến đã tìm mọi cách để có thể tìm lại những giống nông sản đang bị mai một. Ban đầu, anh bắt đầu tìm đến các viện nghiên cứu cây trồng, những dự án nghiên cứu cây trồng nhưng đều không cho được kết quả khả quan.
Tiến trở thành người bạn, người thân của nhiều đồng bào vùng cao Việt Nam. |
Sau đó, Tiến tự bỏ kinh phí, dành thời gian đi tìm trong dân, anh vào từng nhà sàn, từng bản làng, không quản ngại leo rừng, lội suối để có thể tìm được một túi hạt giống. Tiến đã gõ cửa từng nhà nông ở vùng Tủa Chùa, Điện Biên, tìm trong kho của họ, xin họ từng bắp ngô, mang về cấy lại để nghiên cứu giống và phổ biến lại cho đồng bào. Hiện tại, những cố gắng của Tiến đã được đền đáp khi anh đã khôi phục được 4 giống ngô có thể sản xuất theo mô hình lớn.
Sau đó, Tiến thấy các vùng miền núi của Việt Nam còn có nhiều loại thảo mộc quý với hương thơm rất riêng, đặc trưng như thảo quả, quế, hồi, mắc mật, mắc khén... Rồi anh nghĩ cách tăng giá trị cho các loại thảo mộc bản địa. Ban đầu làm gia vị tiêu, nhưng giá trị gia tăng chỉ 5%, và Daniel đi tới một quyết định táo bạo là chưng cất rượu tây như: gin, whisky từ ngô và thảo mộc của núi rừng Tây Bắc.
Vậy là anh hợp tác với hàng chục gia đình ở Lào Cai để trồng và thu hái, chế biến thảo mộc. Cái khó không chỉ là khôi phục giống, mà làm sao xây dựng mối quan hệ kinh doanh tốt hơn, hướng dẫn bà con tăng dần chất lượng ngô và thảo mộc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bảo quản, cách vận hành hợp tác xã, cách viết hóa đơn, tính thuế... chính từ đó mà anh có được lòng tin của bà con. Anh đã được bà con ủng hộ và cùng nhau hợp tác phát triển những đặc sản nông nghiệp trong vùng.
Tiến đã tự thiết kế dây chuyền chưng cất, tự tay pha chế các loại thảo mộc, suốt 8 tháng với 44 phiên bản, hàng trăm lần thẩm định hương vị, cuối cùng Daniel cho ra một loại rượu gin hoàn toàn từ nguyên liệu vùng Tây Bắc theo cách chưng cất thủ công trên bếp lửa của bà con dân tộc. Nhãn hiệu gin riêng của Daniel đã giành giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế uy tín tại Anh và Hong Kong (Trung Quốc).