Tích cực tại địa phương
Trong vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ghềnh Ráng, bà Nguyễn Thị Sáu là thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 phường này. Ban gồm có 3 tổ, bà Sáu ở tổ 2.
Một trong những việc thường xuyên, quan trọng của tổ 2 là đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là việc tuân thủ quy định của người dân tại các chợ; tuần tra chặt chẽ để kiểm soát, kịp thời ngăn chặn việc lợi dụng đường mòn, lối mở nhằm tránh chốt kiểm dịch tại những khu vực ven núi, ven biển giáp ranh với tỉnh Phú Yên...
Hằng tuần, từ 2 đến 3 lần, mỗi lần 3 ca (5 giờ, 17 giờ và 21 giờ), bà Sáu cùng 10 thành viên khác thuộc tổ 2 lại chia nhau bám địa bàn lên đường kiểm tra.
Ngoài ra, cứ đến chủ nhật, từ sáng sớm, bà Sáu đã có mặt tại chợ Ghềnh Ráng cùng các thành viên “Tổ phụ nữ đo thân nhiệt, kiểm soát dịch tại chợ” tiếp tục các hoạt động phòng, chống dịch.
“Thời tiết nắng nóng khiến nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi nhưng hễ nhìn hình ảnh mọi người đang hăng say với công việc, năng lượng lại tràn về. Tiếp xúc với nhiều người, tôi cũng khá lo lắng, lo nhất là làm sao an toàn cho người ở nhà. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ, tôi luôn tuân thủ quy tắc phòng dịch, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, sát khuẩn tay nên cũng yên tâm hơn”, bà Sáu chia sẻ.
Bên cạnh các hoạt động tham gia hay phối hợp, bà Sáu đi đầu trong các hoạt động phòng, chống dịch mang tính đặc trưng công tác Hội và phong trào phụ nữ. Đó là tình cảm hậu phương ấm nồng khi Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ghềnh Ráng đăng ký lo hậu cần, chăm chút bữa ăn phụ hằng ngày cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn (chi phí từ nguồn vận động); tích cực cùng chị em hội viên làm tặng hơn 300 tấm ngăn giọt bắn cho tiểu thương chợ Ghềnh Ráng.
Trong công tác hỗ trợ, động viên người dân khó khăn trong đại dịch đợt này, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ghềnh Ráng đã vận động, tặng gần 100 suất quà (trung bình mỗi suất gần 400 nghìn đồng)… Bản thân bà Sáu rất trăn trở và thường xuyên gần gũi, chia sẻ, tìm cách hỗ trợ những chị em bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch vì mất sinh kế...
“Tính chất công việc của tôi dẫu sao vẫn rất nhẹ nhàng so với bao vất vả, hiểm nguy mà ngành y - lực lượng tuyến đầu trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 đang gánh vác, nhất là tại các vùng dịch căng thẳng”, người cán bộ phụ nữ thâm niên, tận tụy chợt ngân ngấn nước mắt.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ghềnh Ráng nói đến điều này là bởi bà còn mang tâm trạng xúc động, tự hào xen lẫn chút âu lo khi nghĩ về người con trai đang dấn thân vào “điểm nóng” dịch Covid-19 tại TP HCM.
Con trai tình nguyện vào “điểm nóng”
Bác sĩ Lê Hồng Cường theo dõi tình hình bệnh nhân Covid-19 qua bộ đàm và màn hình tại bệnh viện ở TP HCM. |
Mới đây, bác sĩ trẻ Lê Hồng Cường (26 tuổi, công tác tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, con trai bà Sáu) đã lên đường tham gia chống dịch Covid-19 tại TP HCM.
Sau khi đến TP HCM và trải qua vài ngày tập huấn thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến Quận 10, bác sĩ Cường hiện đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Quận 10 (bệnh viện cấp 2 và 3 theo mô hình tháp 5 tầng điều trị Covid-19).
Ông Lê Hồng Quý (cha bác sĩ Cường) chia sẻ, trước khi Bộ Y tế kêu gọi, huy động lực lượng y tế mọi thành phần tham gia chống dịch tại TP HCM, mỗi khi cha con nói chuyện “thời sự” về diễn biến dịch phức tạp, căng thẳng tại đây, anh Cường rất xót xa trước tình hình.
Vậy nên, khi Bộ Y tế ra thư ngỏ và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa kêu gọi hưởng ứng, vợ chồng ông đoán thể nào Cường cũng đề đạt nguyện vọng với cha mẹ xin tham gia chống dịch. Một buổi tối, thấy cách anh Cường nói chuyện “thăm dò”, ông bà biết cậu con trai 26 tuổi đã quyết định một “việc lớn”.
“Khi Cường xin lỗi vì sợ cha mẹ lo, phản đối nên đăng ký rồi mới xin phép, tôi nói: “Cha mẹ không chỉ đồng ý mà còn ủng hộ, tự hào về tinh thần tuổi trẻ dấn thân phục vụ ở con”. Là đứa trẻ luôn lo nghĩ trước tiên cho cha mẹ nên khi nghe tôi nói vậy, con trai như trút nỗi băn khoăn, càng phấn chấn, toàn tâm toàn ý lên đường”, ông Quý kể.
Gia đình bà Sáu chụp ảnh kỷ niệm trong ngày anh Cường tốt nghiệp đại học. |
Bà Sáu tâm sự, bản năng cha mẹ thấy con chuyển đến làm nhiệm vụ ở nơi nhiều nguy cơ nguy hiểm, lại chưa biết ngày về thì tâm lý lo âu là tất yếu. Tuy nhiên, gia đình rất vui vì Cường vượt qua nỗi lo sợ thường tình trước hiểm nguy mà nêu cao tinh thần trách nhiệm của nghề, chủ động góp sức trẻ khi đất nước khó khăn.
“Gia đình yên tâm phần nào vì Cường thường gọi về và cho biết, con cũng như các thành viên tham gia chống dịch được tạo điều kiện chu đáo về ăn, ở. Hiện tại, Cường tham gia làm việc chưa đến mức quá tải, cứ làm 6 tiếng, rồi nghỉ 24 tiếng mới tiếp tục làm lại. Hết ca làm việc thì tuyệt đối tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, chỉ ở nơi lưu trú nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi, Cường cũng tranh thủ, nỗ lực học hỏi về điều trị loại dịch bệnh còn mới này, nâng cao chuyên môn để qua đó có thể tham gia chống dịch hiệu quả nhất”, bà Sáu cho biết.
Lo lắng có, nguy hiểm có, vất vả có nhưng hơn hết, thực tiễn tham gia chống dịch tại “chiến trường lớn” TP HCM đã đem lại cho anh Cường nhiều trải nghiệm, nhiều bài học để thêm trân quý tuổi thanh xuân. Điều quý giá nhất là anh luôn nhận được sự động viên, ủng hộ, chia sẻ của gia đình, người thân và toàn xã hội.
“Là bác sĩ trẻ mới vào nghề gần 2 năm, thực tiễn tham gia chống dịch tại TP HCM vừa là cơ hội học hỏi nghề, vừa bồi dưỡng thêm về tinh thần trách nhiệm cho cuộc đời làm nghề còn rất dài về sau của tôi. Yêu cầu tự đặt ra và mong ước lớn nhất của tôi lúc này là trau dồi, làm việc hiệu quả tối đa có thể để góp sức dập dịch, trả lại sự năng động, sức sống mạnh mẽ cho TP HCM”, bác sĩ Cường cho biết.
Từ “điểm nóng”, bác sĩ Cường nhắn nhủ với người dân quê nhà Bình Định: “Trong khi tình hình dịch trong tỉnh được kiểm soát tốt, mong mọi người dân hết sức ý thức, tuân thủ quy định phòng, chống dịch để ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
"Gia đình bà Nguyễn Thị Sáu là gia đình rất tiêu biểu ở phường Ghềnh Ráng cũng như TP Quy Nhơn. Gia đình bà toàn diện về nhiều mặt: gia đình cán bộ gương mẫu, gia đình hiếu học, gia đình hạnh phúc - văn hóa xuất sắc… Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, bác sĩ trẻ Lê Hồng Cường đã tình nguyện đi vào tuyến đầu chống dịch tại TP HCM”, địa phương rất biểu dương"- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 3 cho biết.