Những tấm lòng thơm thảo
Có lẽ chưa ở đâu như Việt Nam, nơi mọi người lo lắng cho nhau, sợ nhau “đói” đến như vậy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” câu tục ngữ và là câu cửa miệng của người Việt giờ đây được hiện thực hóa sinh động giữa những ngày khó khăn dịch dã. Từ đồng lương hưu trí, đến những con heo đất của các em nhỏ, từ phần thực phẩm đến những bộ quần áo nặng tình người.
Họ mở lòng nhiều hơn và biết sống vì cộng đồng hơn, từ các cơ quan đoàn thể đến từng cá nhân, từ người có thu nhập thấp đến chủ những doanh nghiệp, từ học sinh đến sinh viên, từ công nhân viên chức đến người lao động phổ thông, đi đâu, ở đâu cũng nghe lời kêu gọi thực hiện thông điệp 5K và sự ủng hộ để cùng nhau chống dịch.
Trao tặng gạo, nhu yếu phẩm cho người dân vùng dịch. |
Những “bữa cơm 0 đồng”, “ai thiếu đến lấy một phần” hay những suất cơm chay miễn phí, phần cơm canh đầy đủ... được xếp gọn gàng ở một góc đường rồi trao đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn. Có hàng chục, hàng trăm điểm phát cơm miễn phí, hàng trăm, hàng nghìn suất cơm 0 đồng được trao đi mỗi ngày.
Sẽ không khó để thấy được hình ảnh một hàng dài, không chen lấn, không xô đẩy, giữ một khoảng cách theo quy định chờ nhận phần thực phẩm mang về. Những bữa cơm đó góp phần giúp những người bán vé số, những người lao động nghèo hay những mảnh đời cơ nhỡ vượt qua khủng hoảng của mùa dịch này. Nhất định, không một ai bị bỏ lại sau dịch.
Tặng rau xanh, củ quả đến tận tay người dân vùng dịch. |
Tự hào lắm khi Việt Nam có một chiếc ATM gạo miễn phí cho người nghèo vô cùng khéo léo, những chiếc máy hoạt động liên tục 24/24 với loạt con số ấn tượng đáng ngưỡng mộ về hàng nghìn tấn gạo được phân phát cho bà con. Chỉ cần một lần ấn nút thì 1,5kg gạo được chảy ra, hỗ trợ giải quyết cho gánh nặng mưu sinh trên vai mỗi ngày của rất nhiều người.
Đồng hành cùng những cây ATM gạo là tấm lòng thơm thảo của những mạnh thường quân, họ mang gạo đến liên tục, người ít người nhiều góp thành “núi” để rồi gạo chưa bao giờ thiếu ở những cây ATM kì lạ này. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn, ta lại thấy tình người ấm nồng hơn bao giờ hết. ATM gạo, hơn cả lương thực, là tình yêu thương và sự tử tế.
Gỡ khó đầu ra nông sản Việt
Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào lúc rất nhiều loại nông sản đang đến vụ thu hoạch, gây thêm khó khăn cho ngành nông nghiệp. Những áp lực, những nhọc nhằn lại hằn sâu trên mặt, trĩu trên vai của những người nông dân khi trái cây là loại sản phẩm thời vụ, phải được tiêu thụ ngay chứ không thể đợi chờ dịch Covid-19 qua đi rồi mới đem bán.
Chính lúc này đây, sự chung sức sẻ chia, mỗi người một tay của từng cá nhân, tập thể nhằm giảm bớt một phần thiệt hại cho người nông dân, đã thể hiện một tinh thần dân tộc mà khó nơi nào có được.
Không khó để bắt gặp hình ảnh quân dân, làng xóm hỗ trợ nhau thu hoạch, gặt hái và cả hình ảnh hỗ trợ nhau vận chuyển tiêu thụ nông sản. Với sự đồng sức đồng lòng của nhiều con người mà những loại nông sản mang tính thời vụ cao đã được thu hoạch tươm tất và kịp thời.
Rồi quá trình tiêu thụ cũng dễ dàng hơn khi nó được giải quyết bằng hai chữ “tình người”. Ở đâu lạ lùng như Việt Nam khi một buổi livestream hơn 200 tấn nông sản được giải quyết? Đấy là sức mạnh của tình người, lòng người đùm bọc giúp đỡ nhau trong cơn đại dịch.
Đại dịch không những là một phép thử đối với mỗi quốc gia trên thế giới về kinh tế, chính trị, xã hội, mà nó còn là một thước đo về tình đoàn kết, lòng nhân ái và cách ứng xử của con người với nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh luôn là điều sợ hãi của con người, Covid-19 đến bất ngờ để rồi chúng ta thấm hơn, hiểu và nhìn nhận lại nhiều vấn đề sống tích cực hơn, tử tế hơn.