Tri ân tuyến đầu chống dịch: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong số những người cần tri ân giữa mùa dịch này, không thể không nhắc đến đội ngũ tình nguyện viên trẻ tuổi khắp mọi miền Tổ quốc.
Phút thư giãn đáng yêu của những tình nguyện viên trẻ tuổi, góp phần giúp tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh (ảnh: Tuổi trẻ).
Phút thư giãn đáng yêu của những tình nguyện viên trẻ tuổi, góp phần giúp tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh (ảnh: Tuổi trẻ).

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, những người trẻ không ngại dấn thân vào vùng có dịch nguy hiểm để hỗ trợ người dân. Từ giúp người dân đi chợ, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, túc trực các chốt kiểm dịch... có hàng chục, hàng trăm những công việc không tên đang được các tình nguyện viên đảm nhận, góp phần bảo vệ từng người dân, từng khu phố.

“Góp một tay giúp cơ quan chức năng chống dịch là chuyện mà thanh niên nên làm. Tụi mình mong rằng người dân sẽ hiểu cho nhiệm vụ của các chiến sĩ công an, đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên. Nếu chúng ta đồng lòng tuân thủ theo quy tắc 5K của Nhà nước thì Việt Nam sẽ nhanh chóng hết dịch”, lời chia sẻ của nữ tình nguyện viên Ngọc Danh (SN 1998, nhân viên chăm sóc khách hàng tại Q.12, TP HCM) hiện tại đang cùng nhóm bạn hỗ trợ điều phối lấy mẫu xét nghiệm tại phường An Phú Đông (Q.12, TP HCM).

Góp sức trẻ, đẩy lùi dịch bệnh

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại TP HCM, từ y, bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ công an, quân đội và hàng chục ngàn tình nguyện viên, tất cả đã cùng đoàn kết, chung tay, đồng lòng để cùng nhau vượt qua cuộc chiến chống dịch. Vì đó là mệnh lệnh của trái tim nên không cần ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi cách, tất cả đều mong muốn góp một chút để thành phố mau khỏe hơn, trở lại nhịp sống vốn có.

Với đặc điểm phức tạp của dịch bệnh, để có thể nhanh chóng triển khai một lực lượng lớn tình nguyện viên hỗ trợ các tuyến đầu chống dịch, Thành đoàn TP HCM đã rất nhanh chóng thành lập các nhóm điều hành tình nguyện viên, lựa chọn phương thức tập hợp thanh niên qua nhóm Go Volunteer trên mạng xã hội Facebook, từ đó tập hợp, tuyển chọn tình nguyện viên tham gia vào các đội hình phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong số này, có nhiều người là sinh viên đang học tập tại các trường trên địa bàn thành phố, sinh viên vừa tốt nghiệp các trường y, dược, các văn nghệ sĩ trẻ, có cả những cô, chú lớn tuổi… Tất cả họ không quản gian khó, đang ngày đêm bám sát tuyến đầu, hỗ trợ việc điều phối, hướng dẫn người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các tình nguyện viên phát cơm cho người dân tại một con hẻm trên đường Nguyễn Tiểu La, P.8, Q.10, TP HCM (Ảnh: Thanh niên)

Các tình nguyện viên phát cơm cho người dân tại một con hẻm trên đường Nguyễn Tiểu La, P.8, Q.10, TP HCM (Ảnh: Thanh niên)

Là một trong những đoàn viên tham gia tình nguyện chống dịch từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, bạn Đoàn Thanh Tú, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ hàng ngày của em và các đoàn viên khác là cùng các cán bộ y tế đi đến các địa bàn được phân công để phun khử khuẩn và thực hiện xét nghiệm nhanh cho người dân, chủ yếu là những khu vực có nhiều tiểu thương, người buôn bán, người có nguy cơ mắc Covid-19 đang sinh sống.

Theo Thanh Tú, do huyện Hóc Môn là địa bàn cửa ngõ của TP HCM nên việc ngăn chặn dịch bùng phát rất quan trọng nên không đoàn viên tình nguyện nào dám lơ là khi thực hiện nhiệm vụ. Có khi vì quá tập trung xử lý các tình huống phát sinh mà các bạn đoàn viên không đủ thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, cộng thêm phải làm việc từ sáng đến chiều trong bộ đồ bảo hộ y tế cùng nỗi lo bị lây nhiễm thường trực nên áp lực về tinh thần lẫn sức khoẻ với các đoàn viên tình nguyện là không nhỏ.

Tuy nhiên, khi chứng kiến những khó khăn cả về thu nhập lẫn sinh hoạt của người dân khi phải tạm ngưng công việc để thực hiện giãn cách xã hội, Thanh Tú cùng các bạn lập tức gạt bỏ lo lắng, mệt mỏi để tiếp tục hăng hái làm nhiệm vụ, bởi các bạn hiểu chỉ khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn thì người dân mới có thể quay lại cuộc sống bình thường. Điều may mắn là trong suốt thời gian qua, tất cả người dân đều hợp tác rất tốt với lực lượng thanh niên tình nguyện, thực hiện đúng các nguyên tắc 5K và nghiêm túc đi cách ly nếu phát hiện dương tính.

Có hàng ngàn tình nguyện viên trẻ túc trực ở hàng nghìn “điểm nóng” trên khắp địa bàn TP HCM, Bình Dương... trong những ngày này. Có những bạn trẻ tham gia hỗ trợ chính quyền địa phương đảm bảo người dân không ra vào tại các khu vực phong tỏa, hỗ trợ vận chuyển vật dụng vòng ngoài. Có những bạn trực đo nhiệt độ cho người dân ra vào chợ.

Lá thư viết tay kèm theo móc khóa dễ thương trở thành niềm động viên lớn lao đối với những tình nguyện viên tại P.8, Q.10, TP HCM (Ảnh: Tuổi trẻ).Lá thư viết tay kèm theo móc khóa dễ thương trở thành niềm động viên lớn lao đối với những tình nguyện viên tại P.8, Q.10, TP HCM (Ảnh: Tuổi trẻ).

Có nhóm tình nguyện viên ở đội hình trực chốt giao thông, có nhóm hỗ trợ điều phối người dân tham gia tiêm vắc xin phòng chống Covid-19. Có nhóm tình nguyện viên giúp người dân trong khu phong tỏa đi chợ, phân loại, vận chuyển hàng hóa... và có rất nhiều “nhiệm vụ đặc biệt” được các bạn trẻ đảm nhận để giúp lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng chống dịch.

Lực lượng tình nguyện viên đang có mặt khắp các điểm nóng ở TP HCM lúc này cũng không chỉ là tình nguyện viên khu vực Sài Gòn tham gia bảo vệ mảnh đất mình đang sinh sống. Rất nhiều trong số đó là các tình nguyện viên đến từ nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê của Thành đoàn TP HCM, tính đến ngày 23/7, Thành đoàn đã kết nối và điều phối 25.712/38.000 tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch tại 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 6 ký túc xá được sử dụng chuẩn bị cho các khu cách ly tập trung.

Ở tuyến cơ sở, Thành đoàn Thủ Đức và các quận đoàn, huyện đoàn cũng đã phối hợp cơ sở đoàn khu vực trường học, công nhân lao động, lực lượng vũ trang tiếp tục triển khai nhanh chóng và hiệu quả 319 đội hình phản ứng nhanh ở tất cả phường, xã, thị trấn trên địa bàn với 32.831 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.

Những liều vắc-xin tinh thần

Có lẽ thấu hiểu được những vất vả, hy sinh đó mà không ít người dân bằng một lời cảm ơn đơn thuần, một ly trà sữa hay một món quà nhỏ... cũng trở thành liều thuốc tinh thần cho những tình nguyện viên trẻ trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa kết thúc nhiệm vụ trực chốt chặn tại hẻm 249 Nguyễn Tiểu La, P.8, Q.10, TP HCM, khi con hẻm này vừa được gỡ phong tỏa vào ngày 30/7, nhiều bạn trẻ làm tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại đây không chỉ vui bởi công sức ngày đêm chăm lo người dân đã được đền đáp mà họ còn cảm thấy bất ngờ khi được nhận lại tình cảm của mọi người. Món quà dành cho họ chỉ là một chiếc bánh giản đơn, một lá thư ngắn gọn nhưng cũng đủ khiến người trẻ ấm lòng.

Vừa qua, Nguyễn Khắc Huy, 25 tuổi, Phó bí thư Đoàn P.8, Q.10, TP HCM đăng tải lên trên trang mạng xã hội hình ảnh món quà nhỏ mà Huy và các đồng đội nhận được từ người dân với dòng chia sẻ: “Những điều “được” khi đi làm tình nguyện viên, đó là nhận được sự yêu thương, quan tâm hỗ trợ của mọi người”.

Theo chia sẻ của Huy, từ ngày hẻm 249 bị phong tỏa, Huy cùng những người bạn trong đội tình nguyện đã chia nhau ngày đêm trực chốt, luôn cố gắng hỗ trợ mọi người đầy đủ bữa ăn… Hôm trước khi chính thức hết phong tỏa, Huy và đồng đội có đi phát cơm cho bà con một lần cuối và có kèm theo tờ giấy ghi nội dung “đội tình nguyện Phường 8 cảm ơn mọi người đã chấp hành tốt, các quy định trong thời gian vừa qua".

Sau khi chuẩn bị về, thì có người gửi bịch đồ có mấy chiếc móc khóa, bánh kèm theo một tờ giấy viết thư tay cảm ơn rất dễ thương cho đội ngũ tình nguyện của Huy. Tuy không biết mặt người đó là ai nhưng điều đó đã làm cho những tình nguyện viên như Huy cảm thấy hạnh phúc.

Khắc Huy chia sẻ cảm thấy ấm lòng khi đọc những dòng thư: “Nó như là một nguồn động viên rất lớn đến với người trẻ tham gia chống dịch Covid-19 như chúng tôi. Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thắng dịch bệnh trên tình yêu thương con người, đồng đội với nhau”.

Hình ảnh những bạn trẻ kịp thời xuất hiện mang đến những tấm lòng đáng trân trọng, đồng hành sát cánh cùng người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người ở những ngành nghề, vị trí công tác, từ các miền quê khác nhau nhưng đều có chung nghĩa cử đẹp là tham gia tình nguyện vì cộng đồng, góp phần chiến thắng đại dịch.

Đọc thêm