Áp dụng các biện pháp chống dịch: Cần tuyệt đối tránh “cực đoan quá mức cần thiết”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định không cấm việc bán thuốc hạ sốt cho người dân và cũng có hướng dẫn cụ thể cho các quầy thuốc, cơ sở bán lẻ để thực hiện đúng quy định. Việc điều chỉnh tuy kịp thời này lại khiến dư luận nhớ lại những lần nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện các biện pháp chống dịch có phần “cực đoan”…
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Cấm bán thuốc hạ sốt – thông tin gây hiểu nhầm

Chiều 26/6 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa có văn bản về việc tăng cường tư vấn phòng chống dịchCovid-19.Theo đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tránh lây lan trong cộng đồng, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Khánh Hòa, CDC Khánh Hòa đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan chỉ đạo các hiệu thuốc, quầy bán thuốc trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường tư vấn phòng chống dịch Covid-19 và không bánthuốc hạ sốt cho người dân đến khi có thông báo mới.

Phó Giám đốc CDC Khánh Hòa Tôn Thất Toàn cho biết: “Việc không bán thuốc hạ sốt cho người dân là nhằm để không bỏ sót những trường hợp có biểu hiện bệnhCovid-19 trong cộng đồng. Khi có người dân có nhu cầu mua thuốc hạ sốt, nhân viên bán thuốc cần hướng dẫn đến cơ sở y tế để được tư vấn, tầm soát nhằm phòng, chống dịch Covid-19”.

Đây được coi là biện pháp chống dịch tại Khánh Hòa khi trong đợt dịch lần này, tỉnh đã ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là bệnh nhân 13960 và bệnh nhân 14249.

Tuy nhiên, văn bản này của CDC Khánh Hòa lập tức nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng, việc CDC Khánh Hòa ra văn bản cấm bán thuốc hạ sốt là chưa phù hợp bởi trong thực tế, bởi việc người dân cảm sốt thông thường vẫn hay xảy ra. Nguyên nhân có thể do thời tiết thay đổi, do áp lực công việc chứ không phải do dịch Covid-19.

Thay vì đến các bệnh viện tập trung đông người như hiện nay, người dân chỉ cần có toa thuốc do bác sĩ kê đơn là có thể mua thuốc tại các quầy. Hơn nữa, không riêng thuốc hạ sốt mà nhiều thuốc tây được bán ở các quầy đều nằm trong danh mục phê duyệt cho phép bán của Bộ Y tế. Thay vì cấm đoán, CDC Khánh Hòa có thể yêu cầu chủ các quầy thuốc hướng dẫn người mua đến các cơ sở y tế khai báo, lấy mẫu xét nghiệm nếu nghi ngờ nhiễm bệnh.

Trước phản ứng từ phía người dân, ngay ngày hôm sau, Giám đốc CDC Khánh Hòa Huỳnh Văn Dõng đã ký văn bản điều chỉnh. Theo đó, thay vì cấm đoán, CDC Khánh Hòa đồng ý để các nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tiếp tục bán thuốc hạ sốt cho người dân và nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn 5K.

CDC Khánh Hòa đề nghị các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn lưu ý khi có khách hàng đến mua thuốc hạ sốt (paracetamol, ibuprofen, aspirin…), dạng thuốc uống, đặt hậu môn và các thuốc điều trị cảm cúm dạng đơn chất, miếng dán hạ sốt thì cần hướng dẫn họ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc Covid-19.

Ngoài ra, CDC Khánh Hòa cũng yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc hướng dẫn người đi mua thuốc điều trị chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc ho sốt, đau họng thì phải khai báo y tế đầy đủ. Trường hợp cơ sở bán lẻ thuốc không thực hiện như hướng dẫn, để lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng sẽ bị xử lý theo quy định.

Lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cũng cho biết, nội dung trong văn bản của CDC Khánh Hòa ngày 26/6 là chưa đầy đủ, gây hiểu nhầm cho người dân và Sở đã yêu cầu điều chỉnh, cập nhật lại. “Sở Y tế khẳng định không ai cấm các hiệu thuốc bán thuốc hạ sốt cho người dân. Việc ra thông báo là để làm tốt hơn công tác truy vết, phát hiện những người có triệu chứng của Covid-19, tránh lây lan trong cộng đồng. Chúng tôi đã chỉ đạo CDC ra thông báo bổ sung, nói lại cho rõ việc này”, lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa nói.

Cần cái tâm và tầm của người lãnh đạo

Thực tế chống đại dịch Covid-19 hơn 1 năm qua ở nước ta cho thấy, đã từng có những biện pháp phòng chống dịch hơi cực đoan của một số địa phương nhưng may mắn, chúng ta đều kịp thời điều chỉnh để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép – vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Cụ thể, khi tình hình Covid-19 phức tạp hơn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 để áp dụng giãn cách xã hội ở mức cao hơn so với Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020. Tuy nhiên, yêu cầu về “cách ly toàn xã hội” theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh các ly với tỉnh” của Chỉ thị số 16 đã dẫn đến cách hiểu “phong tỏa” toàn bộ, thậm chí có nơi chính quyền cấp xãđã cho rào đường, chắn lối đi để thực hiện “cách ly toàn xã hội”.

Trước tình hình đó, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16 đã giải thích yêu cầu về “cách ly toàn xã hội” chỉ là bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chếtối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Ngoài ra, Công văn còn yêu cầu phải bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16.

Tiếp đến, để thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, phân chia các biện pháp chống dịch thành 3 cấp độ tùy theomức độ nguy cơ của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, thẩm quyền quyết định áp dụng, điều chỉnh các biện pháp được giao cho chính quyền cấp tỉnh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp chính quyền địa phương áp dụng “cực đoan quá mức cần thiết”, thậm chí ngăn chặn cả việc lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất qua địa bàn giãn cách như ở Chí Linh, Hải Dương hồi tháng 1 đến tháng 2/2021 hay hồi tháng 5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã phải có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị hỗ trợ, cho phép lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển nông sản (trong đó có vải thiều), hàng hóa thiết yếu, nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất của tỉnh Bắc Giang được lưu thông vào, qua các tỉnh, thành phố.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã liên tục yêu cầu khoanh vùng gọn, hẹp nhất có thể, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Từ thực trạng trên, một chuyên gia pháp lý kiến nghịcần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2020 và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, khi tổ chức thi hành các biện pháp chống dịch Covid hay những dịch bệnh tương tự trong tương lai cần tuyệt đối tránh “cực đoan quá mức cần thiết” nhằm có thể thực hiện mục tiêu kép, tức là vẫn đối phó hiệu quả với dịch bệnh hay tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn đảm bảo (trong chừng mực nhất định) việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Việc này đòi hỏi tâm và tầm của người lãnh đạo, tổ chức thi hành trên cơ sở áp dụng nguyên tắc cân bằng – hợp lý, tức cần phải đánh giá tính phù hợp, tính cần thiết và tính cân bằng lợi ích.

Đọc thêm