Cần luật hóa liên kết vùng

(PLO) - Mới chỉ dừng lại ở định hướng chung mà chưa thể xoay chuyển hẳn tư duy phát triển của các địa phương trong vùng, liên kết vùng đang cần sự ràng buộc chặt chẽ hơn, nhất là những vấn đề như hạn hán, xâm nhập mặn đang là vấn đề vượt ra ngoài phạm vi mỗi địa phương…

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán CHLB Đức và Ban Điều phối miền Trung tổ chức ngày 3/4.

Liên kết nhưng không thực quyền

Được thành lập vào tháng 7/2011 tại Hội thảo “Liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung”  trên cơ sở sáng kiến và tinh thần tự nguyện của lãnh đạo chủ chốt 7 tỉnh, TP (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa), đến tháng 8/2012, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung đã kết nạp thêm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung Lê Thanh Quang, mặc dù theo tinh thần tự nguyện, chưa có tính ràng buộc pháp lý nhưng những năm qua, liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của từng địa phương trong vùng nói riêng và cho toàn khu vực nói chung… 

Tuy nhiên ông Quang thừa nhận, sự liên kết thực tế giữa các tỉnh theo nghĩa là sản phẩm của một quá trình chủ động vùng chưa được nhiều, mới chỉ dừng lại ở định hướng chung và một số hoạt động cụ thể tại một vài tỉnh thành, chưa thể xoay chuyển hẳn tư duy phát triển của các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các tỉnh, TP trong vùng duyên hải miền trung chưa thể hiện được hiệu ứng rõ nét, hiệu quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung mới chỉ cung cấp một hình mẫu gợi ý về thể chế phát triển vùng ở Việt Nam, chưa định hình chắc chắn, được đảm bảo và hỗ trợ bằng các thể chế và chính sách chính danh quốc gia, không có thực quyền trong việc quyết định hoặc tham gia ý kiến các vấn đề liên quan mang tính liên vùng, các định hướng, kế hoạch phát triển KT-XH, các dự án đầu tư lớn của các địa phương trong vùng…

Luật hóa liên kết vùng?

Theo đề xuất của Trưởng ban Điều phối duyên hải miền Trung, để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động của các địa phương trong vùng, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu và nội dung liên kết đã định hướng trong giai đoạn tới, Ban Điều phối duyên hải miền Trung cần có những thay đổi nhất định về thể chế quản lý, điều phối vùng.

Cụ thể duy trì vị thế là một tổ chức phi hành chính, trung gian giữa cấp TƯ và cấp tỉnh, TP nhận ủy quyền của TƯ, Chính phủ và các địa phương  trong vùng thực hiện một số chức năng nhiệm vụ có liên quan đến liên kết phát triển KT-XH của địa phương trong vùng.

Ông Quang cũng đề xuất được thí điểm triển khai thể chế hóa cơ cấu, tổ chức và quy chế hoạt động của Ban như một thể chế điều phối vùng tự nguyện chính thức có tính chất pháp lý… Ông Quang cũng cấp thiết kiến nghị TƯ xem xét cho phép nghiên cứu sửa đổi, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi ở cấp vùng.

Yêu cầu bức bách

Nhận xét mô hình đề xuất của Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ ra băn khoăn vì thiếu “ông cầm trịch” và rất có thể mô hình này sẽ vỡ bất cứ lúc nào hoặt một lúc nào đó nếu một địa phương rút lui.  Ông Thiên cũng đặt ra tình huống trong trường hợp ý kiến của ban không đươc các tỉnh chấp nhận thì ban có quyền đề xuất Chính phủ để Chính phủ cho ý kiến hay không?

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ cũng thẳng thắn khi cho rằng “bệnh” của chúng ta là phân bố và sử dụng nguồn lực sai lệch trầm trọng, thị trường không có vai trò trong phân bổ nguồn lực trong khi Nhà nước đang làm sai lệch tín hiệu của thị trường. Ông cũng lưu ý liên kết vùng không  phải là “ở đây tất cả đều chung, nếu biết vẫy vùng thì có của riêng”. 

Theo ông Cung, để khắc phục không phải “một sớm một chiều” mà ở tầm vùng, không thể trong nhiệm kỳ tới đây “bỏ tỉnh thay vùng” ngay, mà trước mắt, như Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đề xuất, trong nhiệm kỳ tới đây cần có 1 nghị định về cơ chế phối hợp vùng theo chiều dọc và chiều ngang, như một “sợi dây” ràng buộc pháp lý cả địa phương và cả vùng;  trong đó tăng thẩm quyền lên với một vài chức năng kinh tế để có  thẩm quyền mạnh hơn; lựa chọn một số chức năng của Nhà nước như xây dựng hạ tầng, tài sản sử dụng chung, có thể khai thác tài nguyên chung như du lịch, bảo vệ môi trường…; Ngân sách TƯ chỉ ưu tiên phân bổ cho dự án vùng. Bên cạnh đó, phải tạo động lực buộc các địa phương phối hợp với nhau chứ  không phải động lực” mạnh ai người nấy chạy…

Trưởng ban Kinh tế TƯ, ông Vương Đình Huệ  cũng nhấn mạnh liên kết vùng là xu thế tất yếu sẽ diễn ra, tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều vấn đề cấp bách vùng hiện nay nổi lên ở từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên, quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc, phát triển hạ tầng miền Trung…, cần phải đẩy nhanh hơn quá trình liên kết vùng, trong đó vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Ông Huệ cho biết, từ kết quả của Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp để báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn.

Đọc thêm