Nỗi niềm ai thấu của những nàng dâu trưởng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làm dâu vốn chẳng phải là việc dễ dàng, làm dâu trưởng lại còn khó khăn hơn gấp bội. Nếu bạn đang định tiến tới hôn nhân với một chàng trai là con trưởng trong gia đình thì những điều sau đây cũng đáng để tham khảo.
Nỗi niềm ai thấu của những nàng dâu trưởng?

Cáng đáng công việc nhà chồng

Bà Nguyễn Thị Lý (64 tuổi, Thanh Hóa) về làm dâu trưởng trong một gia đình có 10 anh chị em, trong đó chỉ có một em gái còn lại là anh em trai. Khi bà về làm dâu thì cậu em út lúc đó mới 5 tuổi nên bà vừa làm vợ, vừa kiêm cả vú nuôi của em chồng. Sau đó, cứ em chồng nào dựng vợ gả chồng, một mình bà lại bươn chải lo toan.

Chồng bà Lý là con trai trưởng trong gia đình và trưởng họ nên bà không chỉ lo việc cũng giỗ, lễ Tết của riêng nhà chồng mà còn phụ trách giỗ của cả họ. Giỗ bao nhiêu mâm, bà Lý đều phải đứng ra gánh vác, chỉ đạo các em dâu, cháu dâu cùng vào bếp phụ giúp. Khi có các đám cưới hàng trăm mâm, bà Lý cũng thể hiện vai trò “nội tướng” dòng họ, phân công công việc, cắt cử người nào việc đấy.

‘‘Mỗi năm nhà có hơn chục đám giỗ, đám nào tôi cũng phải có mặt đầy đủ. Có lần chẳng may bị cảm vào hôm trước, hôm sau không ra lo đám giỗ được thì từ mẹ chồng đến anh em họ hang, em chồng… đều trách móc tôi giả ốm mà trốn việc. Từ đó có ốm cũng phải cố mà lết ra đám giỗ để làm tròn trọng trách dâu trưởng’’, bà Lý kể.

Tương tự, hơn 15 năm về nhà chồng, chị Hương (Hưng Yên) chưa tháng nào được nhẹ nhõm, ung dung an nhàn vì làm dâu trưởng. Chị Hương cho biết gia đình nhà chồng vốn là trưởng tộc, vì thế từ ngày về làm dâu chị đã phải chung vai với bố mẹ chồng gồng gánh việc giỗ chạp. "Đám giỗ nhỏ trong nhà thì cũng phải lo toan thực phẩm cho mười mấy mâm cơm. Còn giỗ cả dòng họ thì rất mệt", chị Hương nói.

Chính vì thế, với chị Hương, có được trọn vẹn một ngày vô lo vô nghĩ để lang thang dông dài hoặc nhởn nhơ ở cửa hàng thời trang như nhiều chị em khác là điều rất khó khăn. Cả năm không tháng nào là chị không phải lo cỗ bàn linh đình, thậm chí có tháng tới 3-4 đám giỗ chồng chéo nhau khiến chị chỉ cần nghĩ đến đã thấy mệt mỏi, chán nản.

Chị tâm sự: “Việc lo toan thì phải lo rồi. Có khi giỗ lớn phải viện cớ xin nghỉ làm ở cơ quan. Gia đình chồng tôi vốn quen với lối sống truyền thống, mình là dâu trưởng nên trách nhiệm càng nặng nề. Nhà có công việc kiểu gì cũng không được vắng mặt. Mặt khác vì chúng tôi là con trưởng trong nhà nên mọi khoản đóng góp cỗ bàn bao giờ cũng phải gánh phần nhiều nhất.

Vợ chồng kinh tế cũng không dư dả gì nên cứ nghĩ đến giỗ chạp là xanh xám mặt mày. Cả tháng được vài đồng lương, lo chuyện học hành cho con, còn lại là dồn vào mấy đám giỗ. Quanh năm cứ phải chắt bóp, không bao giờ dám mạnh tay chi tiêu. Đến cái tivi trong nhà dùng hơn 10 năm trời, hỏng lên hỏng xuống cũng không dám thay.

Quanh năm phải giảm ăn, bớt mặc để lo chuyện giỗ họ, giỗ nhà, trách nhiệm dâu trưởng của chị càng nặng khi bố mẹ chồng ngày một lớn tuổi. Vợ chồng vốn đã khó khăn vì chăm nuôi bố mẹ già giờ lại phải gồng gánh luôn trách nhiệm "trả nợ lễ" cho hai ông bà khi có đám cưới, đám hiếu. Cũng mệt mỏi lắm…", chị buồn rầu cho biết.

“Trưởng ban hòa giải”

Nhà chồng bà Lý có 10 anh em, ở xung quanh trong làng nên thường xuyên va chạm. Việc giỗ chạp cần huy động “đóng góp” cũng không thể “cào bằng” mà bà phải lựa gia cảnh. Rồi bữa vợ chồng các em có chuyện xích mích, vợ chồng bà đều phải lui tới nhỏ to, xoa dịu, phân tích thiệt hơn.

‘‘Có những khi mới 4 giờ sáng mà em dâu đã đến đập cổng ầm ầm nhờ anh chị xuống phân xử vì hai vợ chồng cãi nhau, rồi em chồng thượng cẳng chân, hạ cảnh tay đánh vợ. Hai vợ chồng tôi sấp ngửa chỉ kịp vệ sinh qua loa rồi theo em dâu ra nhà để hòa giải’’, bà Lý ngao ngán kể.

Không chỉ lo hòa giải chuyện vợ chồng các, nhiều khi ông bà còn phải hòa giải giữa các cháu. Đứa cháu con em chồng vốn không hợp bố mẹ nên thường xuyên xảy ra cãi vã nhau. Thậm chí, cháu còn bỏ nhà đi. Ông bà với vai vế trưởng họ lại phải đi tìm cháu về, phân tích giảng giải cho cháu hiểu. Cho cháu ở nhà vài ngày để nguôi ngoai rồi mới về nhà.

‘‘Nhiều lúc tôi cũng thấy rất mệt mỏi với vai vế dâu trưởng, cảm thấy có quá nhiều trọng trách đè lên vai. Nhưng thấy chồng nhiều đêm mất ngủ vì lo cho các em mà thấy thương, tôi lại cố gắng cùng ông ấy gồng gánh gia đình. Tôi cũng có con gái, tôi thường khuyên cháu không nên lấy con trai trưởng, nhất là trưởng họ nếu không sau này sẽ vất vả như mẹ vậy. Cháu thấy mẹ vất vả thì cũng rất thương’’, bà Lý kể.

Không phức tạp và mệt nhoài như chị Thu nhưng chị Lan (Hà Đông - Hà Nội) sau 3 năm kết hôn cũng đã thấm thía thế nào là dâu trưởng. Chị cho biết, mọi việc lớn nhỏ trong nhà làm không chu đáo thể nào chị và chồng cũng bị cả nhà "lôi ra hội nghị" để trách móc, yêu cầu rút kinh nghiệm. "Nhà chồng tôi mang tiếng là sống ở thời hiện đại nhưng tư tưởng thì hủ cựu không ai bằng. Nói chuyện với bề trên phải khúm núm thưa gửi, đứng ngay ngắn mới được đáp dạ - vâng. Không có chuyện vừa đi vừa nói hoặc gọi với ai đó như thói quen thường thấy ở các gia đình hiện nay", chị Lan cho biết.

Thời gian đầu về làm dâu, chị Lan sốc lắm: "Tôi tròn mắt, há miệng khi hè năm đó, cô em chồng lên gõ cửa phòng thông báo xuống họp gia đình. Buổi họp hôm đó, tôi được chỉnh đốn tư tưởng, yêu cầu thay đổi cung cách hành xử. Bố mẹ chồng tôi yêu cầu tôi loại bỏ những chiếc váy ngắn quá đầu gối. Tôi cũng được giao trọng trách gánh vác toàn bộ công việc của nhà chồng kể từ giờ phút ấy. Nghe xong tôi thấy toát mồ hôi hột...", chị Lan tâm sự.

Nhà bà Tâm thì có đến sáu cô em chồng. Khi bà về làm dâu, các em đều chưa lấy chồng. Vì thế, một mình bà “tả xung hữu đột” trước đủ trò trêu chọc, dò xét của các cô em. Xung khắc không ít.

“Người xưa vẫn có câu “giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng” mà tôi phải đối mặt với tận 6 bà cô nên cũng lắm gian nan. Lúc mới cưới chồng xong cũng thấy ngợp lắm. Mình ăn mặc như thế nào, cư xử ra sao, thậm chí nói với chồng câu gì cũng được 12 đôi mắt nhìn, nghe, thậm chí có lúc còn ý kiến này nọ. Tôi luôn coi các cô chú như em ruột mình, trước sau gì họ cũng sẽ hiểu nên không để bụng, vẫn luôn chăm lo cho các em đầy đủ. Vì thế, sau này bọn chúng đều coi tôi như chị gái”, bà Tâm kể.

Đến lúc đi lấy chồng, các cô em đều rơm rớm nước mắt, nắm chặt tay chị dâu không rời. Nhiều người không biết còn tưởng bà và các em chồng là chị em gái vì thân thiết và chăm lo cho cho nhau.

Sống biết trên dưới, nhường nhịn và thương yêu mọi người nên bà Tâm được anh em họ hàng nhà chồng hết mực quý mến, kính trọng. Họ hàng có việc đều tìm đến bà nhờ chỉ bảo, giúp đỡ. “Tôi giống như trưởng ban hòa giải của cả họ. Việc nào mình không làm được thì lại đứng ra nhờ người nọ, người kia.

Làm dâu trưởng họ thì phải gánh vác nhiều trách nhiệm mang tính truyền thống của gia đình. Vất vả nhiều nhưng nếu được chồng con, anh chị em ghi nhận thì đấy chính là niềm tự hào của các nàng dâu trưởng”, bà Tâm cho biết

Đọc thêm