Cha mẹ đừng giới hạn con bằng hiểu biết của mình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự hạn chế trong hiểu biết của cha mẹ về xã hội và những thay đổi môi trường sống trong tương lai có thể là rào cản lớn đối với sự phát triển của con cái.
Cha mẹ đừng giới hạn con bằng hiểu biết của mình

“Người ta không biết điều mình không biết"

Giáo sư Trương Nguyện Thành, có biệt danh là "giáo sư quần đùi", là vị Giáo sư nổi tiếng với những bài học sâu sắc về phát triển bản thân, kỹ năng sống cho giới trẻ. Mới đây, trên trang cá nhân ông chia sẻ một câu chuyện sâu sắc về giới hạn của cha mẹ khi định hướng cho con cái. Đó là câu chuyện về cậu sinh viên tên Huy, sáng ngủ gật ở giảng đường, chiều đi dạy thêm, đêm đến đi "lượm ve chai".

Vào năm 2017, khi đó, GS Trương Nguyện Thành đang là Hiệu Phó điều hành của Đại học Hoa Sen, sau khi đọc bài báo về cậu học sinh này, ông đã nhờ người liên hệ với mẹ con Huy và đến thăm nhà để xác nhận thông tin. Sau đó ông mời hai mẹ con đến văn phòng, quyết định đặc cách cấp cho Huy một xuất học bổng toàn phần từ Chương trình Tinh Hoa. Sau khi ra trường THPT, Huy vào ĐH Hoa Sen học ngành ngôn ngữ Anh.

Bốn năm sau, tháng 4/2021, ông có dịp gặp cậu học trò của mình giờ đã là sinh viên năm 4 sắp ra trường. Huy cho biết, hiện cậu và mẹ đã chuyển qua một nơi khác để sống, tiền thuê phòng có đắt hơn nhưng cuộc sống tốt hơn. Cậu đã đi dạy tiếng Anh thêm ở trung tâm cũng như dạy kèm gia sư. Huy chỉ còn học nốt một học kỳ nữa là ra trường nhưng học kỳ trước cậu bị rớt mấy môn học chuyên ngành, trong đó có môn Tiếng Anh, vốn là thế mạnh của cậu. Nguyên nhân bởi cậu không có thời gian để học bài, theo không kịp với lớp, nên cậu bỏ luôn.

Hóa ra, trong tuần thì sáng cậu thường có giờ học trên lớp, đến chiều thì đi dạy gia sư, nếu có thời gian thì học bài một chút. Sau đó cậu đi lượm ve chai với mẹ đến 3 giờ sáng rồi về học bài rồi chuẩn bị đi học.

Vị giáo sư hết sức ngạc nhiên và hỏi cậu một loạt câu hỏi, phân tích thiệt hơn giữa việc đầu tư cho học hành, đi dạy thêm thay vì đi lượm ve chai mỗi đêm. Huy cho biết, mỗi đêm cậu lượm ve chai kiếm cao nhất là 200.000 đồng, còn dạy thêm vì chưa có bằng đại học nên trung bình khoảng 100.000 đồng/giờ. Nếu có bằng đại học thì thu nhập cao hơn, có bằng Thạc sĩ thì đến khoảng 200.000 đồng/giờ và câu dự định sẽ học lên thạc sĩ. Cậu có thể làm được phép tính so sánh số tiền kiếm được giữa dạy thêm và đi lượm ve chai, nhưng vì mẹ cậu muốn cậu đi lượm ve chai cho “ổn định” và cậu không muốn cãi lời mẹ.

Sau đó, vị giáo sư đã đến nhà gặp mẹ của Huy, giải thích cho mẹ cậu về việc để Huy đi lượm ve chai hàng đêm sẽ đánh mất biết bao nhiêu cơ hội để phát triển tương lai, chỉ cần Huy dạy thêm hai giờ cũng bù lại thu nhập từ việc lượm ve chai hàng đêm, nhưng mẹ cậu chỉ nói sẽ cân nhắc cho Huy đi lượm ve chai về sớm hơn để có thời gian ngủ...

Vị giáo sư không trách mẹ Huy vì mấy chục năm nay, cuộc sống của bà về đêm chỉ đi lượm ve chai, chưa hề biết môi trường công việc nào khác hơn cũng như cơ hội và yêu cầu của nó. Do đó, đối với mẹ Huy thì việc lượm ve chai là ổn định thu nhập nên làm gì thì làm cũng phải đi lượm ve chai.

Vì đoán trước nên ông đã chuẩn bị một cách thuyết phục khác hơn. Ông dẫn một sinh viên là bạn học của Huy, học cùng chuyên ngành, cùng năm, có cùng học bổng đến giới thiệu cho mẹ cậu. Cô là người dân tộc Tày, sống ở miền sâu miền xa, hoàn cảnh gia đình không mấy tốt hơn gia đình Huy.

Cô vào Sài gòn học phải tự lo bươn chải cho cuộc sống như đi dạy thêm và cũng sắp ra trường Đại học, về mọi mặt thì cô ấy khá giống Huy. Chỉ có một cái khác đó là cô ta chuẩn bị mở công ty vì thời gian rảnh cô ta học hỏi khởi nghiệp, trong một hai năm nữa cô ta sẽ vượt xa Huy nếu cứ hàng đêm Huy chỉ lo đi lượm ve chai.

Sau lời phân tích của vị giáo sư, mẹ của Huy đã nhận ra việc bắt con đi lượm ve chai mỗi đêm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cậu ra sao và đã có thay đổi.

Qua câu chuyện trên, làm cha mẹ bạn phải hiểu được hạn chế trong sự hiểu biết của mình về xã hội trong tương lai, những thay đổi trong môi trường sống trong tương lai khi định hướng cho con ? Thật sự chỉ có nhà thông thái mới biết giới hạn của mình còn đa số chúng ta, bạn cũng như tôi đều không biết điều mình không biết.

 

Đừng giới hạn đứa trẻ trong hiểu biết của bản thân 

Rất nhiều ông bố bà mẹ ngay từ khi con còn nhỏ chưa nhận thức được về thế giới bên ngoài, hay là nhận thức về chính bản thân các con nên đã tự vẽ ra một hướng đi vô cùng rành mạch rõ ràng, rồi để chúng đi theo con đường ấy hoàn toàn theo ý của mình.

Thực chất điều đó thể hiện sự cẩn thận, một sự chuẩn bị kĩ lưỡng và có kế hoạch của bố mẹ. Chắc hẳn họ cũng đã nghiên cứu rất kĩ trước khi chọn cho con mình những hướng đi nhất định.

Thế nhưng người ta thường nói “người tính thì không bằng trời tính”, chưa chắc con bạn đã phát triển đúng theo những gì bạn muốn, chúng có những điểm mạnh về những lĩnh vực khác, ngoài khả năng tưởng tượng của bạn và có thể kế hoạch bạn định sẵn sẽ trở thành một con đường sai lầm. Một khi kế hoạch hỏng thì đương nhiên cuộc đời của con bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hãy hiểu con mình trước khi lập kế hoạch cuộc đời cho chúng, bạn nên biết rằng kế hoạch ấy của bạn cũng chỉ là một gợi ý đối với chúng, bởi chẳng cha mẹ nào có thể sống thay cuộc đời của con mình.

“Đừng giới hạn đứa trẻ trong hiểu biết của bản thân bạn bởi chúng được sinh ra vào thời gian khác bạn.” - Rabindranath Tagore.

Cha mẹ và con cách nhau một thế hệ, vì thế những gì cha mẹ nghĩ chắc chắn sẽ khác với những gì chúng nghĩ. Nếu như bố mẹ không biết cách dung hòa và không thực sự hiểu chúng thì sẽ gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Nếu cha mẹ bắt ép con cái quá mức sẽ khiến khoảng cách giữa bố mẹ và con cái trở nên xa hơn. Lũ trẻ thường bồng bột, suy nghĩ của chúng không đủ chín chắn, có thể chúng sẽ hiểu sai ý tốt của cha mẹ, thậm chí làm những điều dại dột.

Bởi vậy, cha mẹ hãy trở thành bạn của con mình, tâm sự với chúng nhiều hơn để biết rằng chúng thực sự đam mê thứ gì, điểm mạnh của chúng nằm ở đâu để hỗ trợ chúng phát triển theo cách chúng muốn.

Có thể chúng sẽ vấp ngã, sẽ sai lầm, sẽ thất bại trên con đường chúng đã chọn. Nhưng trên hết, sau những thất bại chúng sẽ trở nên trưởng thành, chúng sẽ chẳng thể đổ lỗi cho ai vì ngay từ đầu chúng là người đã chọn đi con đường đó, chúng sẽ biết cách tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

Trước khi làm bố làm mẹ, chúng ta cũng từng làm con cái, vậy hãy đặt mình vào vị trí của những đứa con để thấu hiểu chúng hơn, có những thứ ngày xưa mình đã từng làm và bị bố mẹ ngăn cản, tất cả cũng đều xuất phát từ sự lo lắng, yêu thương. Thay vì cấm cản, hãy cho chúng lời khuyên như những người bạn, như thế có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn và có hiệu quả hơn.

Việc trở thành cha mẹ quả thực không hề đơn giản, nhưng chỉ cần một chút tinh tế và thấu hiểu, chúng ta sẽ làm tốt hơn vai trò của mình. Hãy dừng việc áp đặt con cái, bởi điều đó có thể giết chết tương lai của con mình.

Đọc thêm