Chuyện ít biết về trang phục thờ Mẫu

(PLVN) - Có bao nhiêu giá đồng thì tương ứng với ngần ấy bộ trang phục và trang sức đi kèm. Dân gian truyền lại có 36 giá đồng tương ứng với 36 vị Thánh và điều đó có nghĩa là sẽ có 36 bộ trang phục dành cho các giá đồng. Nét đẹp văn hóa Việt Nam - phục trang đạo Mẫu góp phần vào việc UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tam Tòa Thánh Mẫu cai quản ba miền với sắc áo đỏ - Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, xanh - Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, trắng- Mẫu Đệ Tam Mẫu Thoải, đại diện cho từng cõi. (Ảnh sưu tầm)

Lấp lánh khăn chầu, áo ngự

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Nhắc đến văn hóa, không thể không kể đến Việt Nam - đất nước 54 dân tộc với một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú.

Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng từ đó Việt Nam đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng và phát triển văn hóa dân tộc. Đã từ lâu, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là tập tục phổ biến và đang thu hút rất nhiều người. Từ thế kỷ 16, thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Là một loại hình tín ngưỡng gắn với đạo thờ Mẫu, thờ Tứ phủ, Nghi lễ hầu đồng đã có xuất xứ từ vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù chưa biết chính xác thời điểm xuất hiện nghi lễ hầu đồng, chỉ biết những nghi lễ này phát triển mạnh mẽ nhất vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Không chỉ là một tín ngưỡng dân gian, hầu đồng thực sự là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo và hấp dẫn. Nghệ thuật này có sự tạo thành từ nhiều yếu tố như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và không thể thiếu đó là trang phục.

Một buổi lễ lên đồng hoàn chỉnh gồm 36 giá đồng, trong đó có giá đồng của Thánh Mẫu, đức Trần Hưng Đạo, các Quan, các Chầu, các Ông hoàng, các Cô, các Cậu và các vị thần là năm ông hổ (Ngũ hổ) và hai ông lốt (Ông lốt rắn). Nghi thức cho mỗi giá đồng khác nhau tùy theo vị trí, thứ bậc và quyền năng của mỗi vị thánh. Có bao nhiêu giá đồng thì tương ứng với ngần ấy bộ trang phục và trang sức đi kèm. Dân gian truyền lại có 36 giá đồng tương ứng với 36 vị Thánh và điều đó có nghĩa là sẽ có 36 bộ trang phục dành cho các giá đồng.

Người ta gọi trang phục trong hầu đồng là khăn chầu áo ngự, là các y phục của chư thánh giá ngự. Các bộ trang phục này rất phong phú nhưng có quy định chặt chẽ về kiểu cách, màu sắc và phục sức đi kèm. Có trang phục nữ của các Chầu Bà, Thánh Cô và cũng có y phục nam của các Quan Lớn, Thánh Cậu. Cũng vì xuất xứ và tích truyện về mỗi vị khác nhau nên các bộ y phục cũng theo đó mà được người sau thể hiện theo. Có vị xuất tích từ miền Nhạc phủ (rừng xanh) như Cô Bé Thượng Ngàn mặc trang phục của người dân tộc, trong khi Cô Đôi Cam Đường lại mặc trang phục áo tứ thân, đeo quang gánh của phụ nữ người Kinh. Trang phục của các giá Chầu Bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu, như trang phục của Chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lấp lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng lại vô cùng uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến.

Ngoài trang phục thì trang sức và các vật đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài cũng được gia công rất tinh xảo. Có thể kể đến như Cù ngọc, thẻ bài dùng trong các giá Quan, giá Hoàng hay các loại vòng, cài khăn dùng trong các giá Chầu, giá Cô. Các trang sức này được chế tác đẹp và cầu kỳ từ các chất liệu như bạc, đá mầu và ngọc…

Ở chính giữa ban thờ Công đồng, nơi diễn ra nghi thức hầu đồng, ngay phía trước mặt đồng có đặt một chiếc gương, đó chính là tượng trưng cho việc coi trọng vẻ đẹp hình thức bên ngoài này. Chiếc gương thánh trước ban thờ Công đồng chỉ được dùng trong nghi thức lên đồng. Khi được hầu dâng giúp mặc đồ hay trước các điệu múa dâng thánh, đồng thường hay ngắm nhìn mình trong gương để bảo đảm họ đã trở nên xinh đẹp như họ mong đợi. Khác với trong đời thường, quá trình thay khăn chầu áo ngự và điểm trang ở đây không mang tính riêng tư, mà được diễn ra trước ban thờ Công đồng, trước mọi người và tại ngay giữa chiếu đồng.

Trang phục, trang sức đẹp góp phần làm cho người thể nhập “bóng Thánh” những người tham dự nghi lễ phấn khích, hào hứng hơn. Nhìn vào hệ thống trang phục và trang sức trong nghi lễ hầu đồng người xem có thể thấy được sự phong phú của trang phục người Việt qua nhiều tộc người và nhiều thời kỳ khác nhau. Có thể nói, yếu tố tạo nên một buổi hầu đồng thành công không thể thiếu trang phục hầu đồng. Những bộ trang phục này không chỉ để giới thiệu cho người xem biết về giá đồng mà còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ của người Việt.

Gìn giữ giá trị y phục của chư thánh giá ngự

GS. TS Nguyễn Viết Hiển cho hay: “Nghi lễ hầu đồng độc đáo với sự tinh tế của nghệ thuật âm nhạc, trang phục và diễn xướng sân khấu đi kèm với sự kỳ ảo của tâm linh huyền bí được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Trang phục, trang sức đẹp góp phần làm cho người thể nhập “bóng Thánh” những người tham dự nghi lễ phấn khích, hào hứng hơn. Nhìn vào hệ thống trang phục và trang sức trong nghi lễ hầu đồng người xem có thể thấy được sự phong phú của trang phục người Việt qua nhiều tộc người và nhiều thời kỳ khác nhau. Trang phục thờ Mẫu có gam màu của âm dương ngũ hành gắn liền với thiên nhiên. Sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên điều xuất phát từ những trái tim yêu thương quê hương. Phục trang thờ Mẫu là nét chấm phá, tô điểm cho một bức tranh đặc sắc của văn hóa truyền thống người Việt.

Bùi Quỳnh Hoa trình diễn trang phục dân tộc Cô sen tại Hoa hậu Hoàn vũ 2023. (ảnh: BTC)

Nghệ sĩ gạo cội Xuân Hinh đã bày tỏ suy nghĩ: “Trên sân khấu hầu đồng những giá Mẫu, giá Chầu, giá Cô là những người mẹ huyền thoại đã được lịch sử hoá và sân khấu hoá, hoá thân thành những vị Thánh Mẫu danh tiếng có công lao xây dựng quê hương, đất nước. Cho nên tôi phải diễn xướng hầu đồng để lưu truyền cho thế hệ trẻ biết được vốn quý của dân tộc”. Với Xuân Hinh, sân khấu luôn được thực hiện một cách trang nghiêm: tâm sáng, y phục chỉn chu, nghiêm túc của người nghệ sĩ. Đặc biệt, với Xuân Hinh, hầu đồng là tín ngưỡng, là nền văn hoá với các hình tượng cao đẹp trong lịch sử mà cần thế hệ trẻ biết đến. Thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy các giá trị cao đẹp của văn hoá.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, nghi lễ hầu đồng là đỉnh cao của giá trị nghệ thuật, của văn hóa tâm linh kết hợp hài hòa giữa “hiển” và “mật”, thể hiện qua y phục, vũ đạo, đạo cụ... Về y phục màu sắc sặc sỡ, chất liệu là gấm vóc thêu thùa cùng đồ phụ kiện tỉ mỉ, tinh xảo. Về vũ đạo thì tư thế, động tác khi hùng dũng, mạnh mẽ; lúc lại khoan thai, đủng đỉnh; có cả sự nhí nhảnh, ngây thơ… Thoáng nhìn tưởng là đơn giản nhưng phân tích ra vô cùng sâu sắc, tạo nên một sự hài hòa giữa cõi hư và cõi thực.

Ở Hà Nội, những người yêu văn hóa Việt và du khách có thể tìm mua khăn chầu, áo ngự ở phố Hàng Quạt. Xa hơn, có thể tìm mua hoặc đặt may ở chợ Vồi (huyện Thường Tín). Quy mô và độ chuyên sâu trong sản xuất trang phục hầu đồng với số lượng lớn, đa dạng mẫu mã phải tới làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến (Thường Tín, Hà Nội). Dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển ở nhiều làng thêu khác nhưng ở Đông Cứu vẫn chung thủy với thêu tay truyền thống.

“Cô Sen” là bộ trang phục dân tộc được lấy cảm hứng từ trang phục hầu đồng trong nghi lễ thờ Mẫu của người Việt. Bộ trang phục này sẽ được Bùi Quỳnh Hoa trình diễn tại Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2023. Bộ trang phục “Cô Sen” được nhà thiết kế Chu Thị Hồng Anh thực hiện kỳ công trên chất liệu chính là lụa và gấm hoa. Dù thổi hơi thở đương đại vào thiết kế nhưng ê kíp vẫn giữ được nét đặc trưng trang phục của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là sắc đỏ thể hiện sự uy quyền và thịnh vượng, cũng là màu của Mẫu Thượng Thiên (một vị mẫu thần thuộc nhánh Tứ Phủ của Đạo Mẫu Việt Nam). Phom dáng bộ trang phục được lấy cảm hứng từ áo tứ thân. Điểm nhấn là các họa tiết thêu hình đôi chim phụng, hoa sen. Bộ trang phục này còn kết hợp với mấn, quạt và đôi hài. Mẫu thiết kế này lấy cảm hứng từ trang phục Thánh Mẫu Liễu Hạnh mặc đi trẩy hội, không phải trang phục lúc bà ngồi trên điện thờ uy nghi. Mẫu thiết kế “Cô Sen” vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa thể hiện nét hiện đại, tươi mới. Bộ trang phục dân tộc này được Hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa trình diễn tại Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023, góp phần tôn vinh, lan tỏa nghi lễ hầu đồng đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam. Ngọn đuốc đỏ của thế hệ trẻ như biểu tượng cho niềm tự hào về nền văn hoá lâu đời, niềm tự hào về truyền thống yêu nước của dòng máu Lạc Hồng.

Đọc thêm