Cởi mở, gắn bó và quyết liệt

(PLVN) - Ngày 8/2 vừa qua, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, ông cảm nhận được không khí rất cởi mở và gắn bó trong một tập thể chuyên nghiệp, đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau, qua đó giúp Bộ thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về nhiều lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp - Ảnh: VGP/Hải Minh

Có thể kể đến, xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, bồi thường Nhà nước, công tác pháp chế; quản lý Nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước với 38 nhóm nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ nặng nề, chỉ có thể thực hiện được nếu có sự chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm, chứ không thể đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng đòi hỏi có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng quy định pháp luật.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, gồm các đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó có công tác cải cách hành chính (CCHC).

Mới đây, khi phát biểu tại Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh những ý nghĩa của công tác CCHC trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa..., từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Tất cả những nhiệm vụ đó đang được Bộ Tư pháp triển khai với tinh thần “cởi mở và gắn bó”. Mặc dù cải cách thể chế, CCHC... là những vấn đề lớn, nhạy cảm không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ. Người dân và doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm, không có sự lựa chọn nào khác.

CCHC đang là một “sứ mệnh”. Tất cả các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh/thành phố đều xây dựng nhiệm vụ CCHC năm 2023. Điều đó cho thấy, nhận thức đã được nâng lên, cả hệ thống chính trị đều đã vào cuộc.

Cải cách có nghĩa là sửa đổi những gì cũ kỹ, lạc hậu... đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; hay nói cách khác là sự sửa đổi căn bản hoặc từng phần, từng mặt theo hướng tiến bộ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển đất nước.

Đọc thêm