Kỳ 1: Cuộc thử nghiệm nhanh nhất lịch sử của “ông lớn” Gilead Sciences
Giới chức y tế Mỹ trong tuần qua cho biết đã khởi động việc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với thuốc chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có tên Remdesivir của hãng Gilead Sciences trên các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Theo Viện Y học Quốc gia Mỹ, việc thử nhiệm sẽ do các nhà khoa học của Trung tâm Y tế thuộc trường Đại học Nebraska ở Omaha thực hiện với sự tài trợ của Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ (NIH).
Theo Giáo sư Andre Kalil, hiện công tác tại khoa nội của trường Đại học Nebraska - người đứng đầu nghiên cứu – nhiều khả năng việc nghiên cứu sẽ phải đến tháng 4/2023 mới hoàn thành nhưng các nhà khoa học có thể thu được kết quả sơ bộ trong vòng 1 năm tới.
“Đây có lẽ là thử nghiệm nhanh nhất trong lịch sử Mỹ bởi nó mới được lên kế hoạch tại NIH chỉ trong vài tuần trước và chúng tôi đến nay đã có thể bắt đầu”, ông Kalil cho hay. Giới chức Mỹ cho biết, người đầu tiên tham gia thử nghiệm là một công dân Mỹ đã hồi hương sau khi bị cách ly trên tàu du lịch Diamond Princess.
Tờ The Hill dẫn tuyên bố của Viện Y học Quốc gia Mỹ cho biết thêm rằng nghiên cứu có thể được điều chỉnh để đánh giá các phương pháp điều trị bổ sung và ghi danh thêm người tham gia thử nghiệm tại các địa điểm khác ở Mỹ và trên toàn thế giới.
Dự kiến, thử nghiệm sẽ có sự tham gia của 400 tình nguyện viên. NIH dự kiến sẽ tiếp nhận các bệnh nhân thử thuốc từ nhiều nước, trong đó có cả Nhật Bản và Italia. Các bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên trên toàn thế giới và chia thành 2 nhóm, trong đó có 1 nhóm sử dụng Remdesivir và nhóm còn lại sử dụng giả dược. Để được công nhận là đủ điều kiện tham gia thử nghiệm thuốc Remdesivir, họ sẽ phải có các triệu chứng rõ rệt, trong đó có viêm phổi.
Những người biểu hiện nhẹ như cảm cúm thông thường sẽ bị loại trừ. Thử nghiệm tại Mỹ được tiến hành sau khi 1 bệnh nhân nam 35 tuổi ở Washington hồi tháng 1 vừa qua đã được cho dùng khẩn cấp Remdesivir và hồi phục nhanh chóng. Người này đã được xuất viện ít lâu sau đó. Các dữ liệu sơ bộ cho thấy kết quả khả quan nhưng giới chuyên gia cho rằng cần trải qua “thử nghiệm có kiểm soát nghiêm ngặt” trước khi phê duyệt thuốc.
Khu vực thử thuốc của Gilead Sciences. Ảnh: WSJ |
“Chúng tôi chưa biết liệu thuốc có để lại tác dụng phụ ở người tương tự như động vật hay không, đây là lý do cần tiến hành các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát”, Tiến sĩ Kalil giải thích. Thông tin về việc thử nghiệm thuốc tại Mỹ được đưa ra sau khi các quan chức tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết loại thuốc của hãng Gilead Sciences đang có dấu hiệu cho thấy có thể giúp điều trị virus corona gây chết người.
“Hiện tại, chỉ có một loại thuốc duy nhất mà chúng tôi nghĩ rằng có thể có hiệu quả thực sự và đó là Remdevisir”, ông Bruce Aylward - trợ lý Tổng giám đốc WHO - cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Viện Y học Quốc gia Mỹ cho hay, thuốc kháng virus Remdesivir của Gilead Sciences trước đây đã được thử nghiệm ở người mắc bệnh do virus Ebola và đã cho thấy sự hứa hẹn trên trong các thử nghiệm điều trị MERS và SARS – vốn đều là các bệnh do các chủng khác của virus corona gây ra.
Cùng với việc tiến hành thử nghiệm tại Mỹ, Gilead Science cũng đang hợp tác với các cơ quan y tế ở Trung Quốc trong 2 thử nghiệm trên các bệnh nhân mắc bệnh ở Vũ Hán. Kết quả của những thử nghiệm này dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 4 tới.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay, việc thử nghiệm thuốc tại Trung Quốc cũng đang gặp nhiều trở ngại bởi quá ít tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn. Bởi, điều kiện lý tưởng để dùng thuốc là những bệnh nhân nặng phải nằm viện trong vòng 12 ngày kể từ khi phát bệnh và chưa từng điều trị bằng phương pháp nào trong vòng 1 tháng còn bệnh nhân nhẹ hoặc trung bình cần nằm viện trong vòng 8 ngày.
Trong khi đó, nhiều người đã bắt đầu tự điều trị tại nhà ngay khi có triệu chứng đầu tiên theo khuyến nghị của nhà nước hoặc các thông tin trên mạng. Theo Tiến sĩ Aylward, việc số ca bệnh mới tại Trung Quốc giảm cũng khiến cho quá trình thử thuốc phần nào bị gián đoạn. Và cũng từ đây, hé lộ những lùm xùm của đại gia ngành dược phía sau cuộc đua siêu tốc sản xuất thuốc chống "ôn dịch" Covid19.
(Đón đọc kỳ tới: Những lùm xùm phía sau cuộc chạy đua siêu tốc)