Năm 19 tuổi, em- cô gái Hà Nội lần đầu tiên bước chân vào vườn hồng cùng với anh- một chàng trai đến từ núi rừng Tây Bắc. Cuối năm học đó, em cùng anh về thăm quê anh, một bản người Thái xinh đẹp của núi rừng Sơn La.
Ngôi nhà anh ở nép mình bên sườn đồi, đó là một ngôi nhà sàn cổ từ đời ông bà anh để lại, gỗ lim lên màu thời gian đen bóng. Nhà người Thái cổ có hai cầu thang, cầu thang chính ở phía đầu nhà dành riêng cho nam giới, thường có 7 bậc ứng với 7 vía của người đàn ông.
Còn cầu thang nhỏ hơn ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. Cạnh chân cầu thang có một khoảng nhỏ chạy ra khoảng sân phía trước, tựa như chiếu nghỉ là nơi các mẹ, các chị, các em... thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa. Cầu thang phía sau có cả thảy 9 bậc, ứng với 9 vía của phái nữ.
Buộc chỉ cổ tay |
Em nhớ tới câu hát mà em vẫn ngân nga trong bài “Chín bậc tình yêu” nhưng đến nay bước chân lên bậc nhà sàn này mới hiểu: “Những bước chân đầu tiên, về làm dâu nhà người/ Bước ngập ngừng,chín bậc tình yêu…”.
Mẹ anh nói với em: “Đây là lần đầu tiên con trai ta dẫn một đứa gái về nhà nên con là khách quý. Theo tục lệ, ta sẽ buộc chỉ cổ tay để con được bình an, cũng là để giữ vía con ở lại với thần bếp lửa, với bậc nhà sàn, với hồn vía của con trai ta…”
Và rồi lần đầu tiên trong đời, em được dự lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái. Mẹ bảo lễ buộc chỉ cổ tay được diễn ra trong nhiều dịp trong năm và mỗi dịp cũng mang một ý nghĩa khác nhau về tâm linh. Có ba màu chỉ được buộc trong dịp lễ là màu đỏ, màu trắng và màu đen.
Theo đó, sợi chỉ đỏ được buộc cổ tay cho khách lữ hành (có thể là những người thân, bạn bè của gia chủ hay khách du lịch ghé thăm bản làng...), cầu chúc cho khách đến với bản vui vẻ, khoẻ mạnh, vượt qua được mọi gian lao, trở ngại.
Nhà sàn người Thái ở Tây Bắc |
Đối với các cặp vợ chồng mới cưới, làm lễ buộc chỉ cổ tay để cột chặt hồn vía cặp vợ chồng trẻ, cầu mong sau này họ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, con cái sinh sôi nảy nở, công việc làm ăn trôi chảy. Đối với những người mới ốm hoặc gặp phải những biến cố không may mắn trong cuộc sống làm lễ buộc chỉ cổ tay với mong muốn chóng hồi phục sức khỏe, mọi chuyện qua đi suôn sẻ.
Chỉ đen được buộc trong dịp đầy tháng của trẻ nhỏ bởi trẻ mới sinh yếu bóng vía khi đó người lớn trong gia đình sẽ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Hoặc những người bị bệnh tật kéo dài bị cho là hồn vía đi xa, chơi không biết đường về nên dùng chỉ đen cột cổ tay. Đối với các nhà có chuyện buồn, tang sự thì sau đám tang, người Thái cũng làm tục buộc chỉ đen cổ tay để cầu hồn vía cho người thân được yên nghỉ.
Chỉ trắng thường buộc cho các thành viên trong gia đình khi có đám tang, sau đó chỉ trắng được tháo ra và chôn cùng quan tài người đã khuất để thể hiện linh hồn người đã mất không cô quạnh.
Núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng có rất nhiều tập tục đẹp đẽ và nhân văn |
Trước khi làm lễ buộc chỉ cổ tay, mẹ kính cẩn đặt cuộn chỉ đỏ lên bàn thờ, lầm rầm khấn vái hồi lâu bằng thứ tiếng em nghe không hiểu. Sau đó mẹ buộc vào cổ tay bên phải của em sợi chỉ đỏ được bện rất cầu kỳ và tinh xảo- được tết bằng 9 sợi chỉ đỏ nhỏ hơn.
Anh cũng được buộc một sợi chỉ đỏ tương tự, nhưng buộc vào cổ tay bên trái và được tết từ 7 sợi chỉ đỏ nhỏ. Mẹ bảo, buộc chỉ cổ tay cho hai đứa để được bên nhau mãi mãi, sau này dẫu sướng khổ thế nào, dẫu đường đời xa ngái cũng không lạc mất nhau.
Anh giải thích thêm rằng, theo quan niệm xưa thì đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì những con người đó sẽ không còn tồn tại đích thực trên trần gian, hoặc trong trường hợp người đó bị lạc đi vài vía thì sẽ sống không yên ổn, có thể bị gặp ốm đau, tai họa...
Vì vậy mà sau khi đặt cuộn chỉ lên bàn thờ làm lễ xin ban cho quyền năng của thế lực siêu nhiên nhập vào cuộn chỉ để phù trợ cho con giữ được vía luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn. Trong lòng em khi đó có nỗi xúc động xen lẫn chút lo sợ mơ hồ. Sợi chỉ bé bỏng màu đỏ tươi như máu cho em có niềm tin rằng, dẫu thế nào thì sau này anh và em cũng bên nhau mãi mãi.
Mối tình đầu qua như mây trắng ngang qua đỉnh núi, ta đã để mất nhau chỉ vì những chuyện vặt vãnh vu vơ khi cả hai người trẻ đều nông nổi, em hay dỗi hờn vô cớ mà anh thì tự ái quá cao.
Để rồi chiều nay từ phố em về với bàn tay phải buộc sợi chỉ đỏ thắm duyên dáng từ Hội chợ Tây Bắc được tổ chức ngay tại Thủ đô mà bỗng thấy con tim mình nghẹn ngào hối tiếc. Anh còn nhớ hay anh đã quên lễ buộc chỉ cổ tay năm ấy?
Nếu bây giờ được lựa chọn lại một lần nữa, có lẽ em sẽ bỏ qua những hờn giận vu vơ, những tự ái trẻ con để chúng mình lại có nhau như ngày ấy. Nhìn những đôi lứa tay trong tay tràn trề hạnh phúc, con tim em bỗng thì thầm như muốn nói: Đã buộc chỉ cổ tay rồi, xin đừng để mất nhau!