Đầu tư phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) - Thực hiện các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp về nguồn lực và chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển đối với các tỉnh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ưu tiên chính sách, nguồn lực cho vùng khó khăn

Về chính sách hỗ trợ đầu tư, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, có 9 chính sách dân tộc về y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó có 01 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một số chính sách về y tế, dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được tích hợp vào Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Chính sách, nguồn lực về y tế luôn được ưu tiên cho vùng khó khăn (Ảnh: TL).

Về nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, kể cả một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Các nguồn ODA để đầu tư xây dựng và trang thiết bị cho các trạm y tế xã, một số bệnh viện huyện, tỉnh; đào tạo nguồn bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tiến sỹ, thạc sỹ y khoa phục vụ cho vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Tranh thủ nguồn viện trợ không hoàn lại của EU đầu tư cho 9 tỉnh miền núi phía Bắc tăng cường các trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc…

Đánh giá của Bộ Y tế, công tác y tế chăm sóc sức khỏe người dân tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Minh chứng cụ thể, đến năm 2022, 100% đơn vị cấp huyện trong cả nước có trung tâm y tế (707 trung tâm); 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế (10.559 trạm); trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 97,3% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Các trạm y tế này được đầu tư hoàn chỉnh về nhà cửa, trang thiết bị, nhân lực để có thể làm đầy đủ các chức năng về dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có giường để sơ, cấp cứu, đỡ đẻ thường, thực hiện một số dịch vụ cơ bản về sản, phụ khoa, nhi khoa, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, có vườn thuốc nam…

Địa phương vào cuộc

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ Y tế, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… cũng đã chủ động chú trọng đầu tư phát triển y tế cơ sở.

Tỉnh Ninh Bình, nơi có khoảng 30.000 người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 3% dân số, với trên 8.200 hộ, chiếm 2,61% tổng số hộ của tỉnh. Công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 luôn được ưu tiên nguồn lực, trong đó có vấn đề về y tế.

Tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là 100%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ là 100%; tỷ lệ thôn, bản có cán bộ y tế là 100%. Đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; công tác phòng chống và kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, ngành y tế chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Trong thời gian tới, mạng lưới trạm y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng tại các địa phương. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đọc thêm