Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất khó Đam Rông

(PLVN) - Với hơn 65% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đời sống người dân đồng bào DTTS ở vùng đất khó Đam Rông không ngừng nâng lên, củng cố thêm niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước. PLVN có cuộc trao đổi với ông Liêng Hót Ha Hai - Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông về một số kết quả cũng như định hướng công tác dân tộc trên địa bàn thời gian tới.
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông.

Phổ biến pháp luật - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Xin ông điểm qua một số kết quả địa phương đã đạt được trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại địa phương, nhất là đối với đồng bào DTTS?

Đam Rông là huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng với hơn 65% dân số là người đồng bào DTTS. Huyện Đam Rông xác định công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong đời sống xã hội, nhất là đối với người đồng bào DTTS.

Năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng PBGDPL ban hành Kế hoạch số 01/KH-HĐPB ngày 9/2/2023 về công tác tuyên truyền PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023. Trên cơ sở đó UBND huyện giao Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng nhằm cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phổ biến pháp luật để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuyên truyền pháp luật được chính quyền huyện Đam Rông xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt .

Năm 2023, Hội đồng PBGDPL huyện đã tổ chức 29 Hội nghị để tuyên truyền và cấp phát tài liệu cho khoảng 5.500 lượt người tham gia; nội dung chủ yếu tập trung vào Luật đất đai, Luật Lâm nghiệp; Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự, Luật cư trú, Luật hộ tịch, Luật giao thông đường bộ... và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan nhiều đến đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã bằng nhiều hình thức khác nhau đã tổ chức 95 buổi lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL vào các buổi sinh hoạt thôn, các Hội nghị, các đợt ra quân,… với khoảng 5.900 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, UBND huyện tích cực phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng tổ chức 10 Hội nghị về truyền thông trợ giúp, tư vấn pháp lý miễn phí, thu hút khoảng 820 lượt người dân tham gia, trong đó trọng tâm là hỗ trợ pháp lý cho người đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng,…

Hướng dẫn người dân đồng bào DTTS kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây.

Từ những hoạt động nêu trên, công tác PBGDPL nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Tuyên truyền pháp luật gắn với chính sách giảm nghèo

Là địa bàn có diện tích rừng lớn, vậy Đam Rông đã phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ra sao?

Huyện Đam Rông có tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp là 65.296 ha, xếp thứ 4 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn huyện, Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã chủ động, thường xuyên, đổi mới nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền, PBGDPL về Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC),...

Diện mạo huyện Đam Rông đổi thay từng ngày.

Trong năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Ngành văn hóa tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện bằng hai thứ tiếng K’Ho và tiếng phổ thông với 15 chương trình, 21 chuyên mục, 78 bản tin, 27 bài viết.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện, các Ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, Sêrêpốk và UBND các xã đã đã tuyên truyền lồng ghép trong các đợt họp thôn, tổ giao khoán, trong các đợt kiểm tra rừng được 73 đợt với 2.695 lượt người tham gia, ký 168 bản cam kết đối với các hộ dân sống và canh tác nông nghiệp ven rừng; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe loa tại các xã 11 cuộc; tuyên truyền trực quan gồm: 890 biển báo, 500 thông báo cấm tác động, cắm ở những khu vực rừng bị phá, lấn chiếm để người dân biết không vi phạm, tái phạm…

Nhờ được hướng dẫn bài bản, nhiều người dân ở huyện Đam Rông thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm.

Từ những biện pháp đồng bộ trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS, những hộ sản xuất, sinh sống gần rừng, ven rừng hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCC rừng. Những năm gần đây số vụ vi phạm giảm sâu hơn so với các năm trước, đến ngày 30/11/2023, trên toàn huyện xảy ra 14 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 20 vụ tương ứng với giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành của Tỉnh, Huyện ủy để tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; nhất là tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền các quy định của luật Lâm nghiệp; chỉ đạo đưa ra xét xử lưu động các vụ vi phạm Luật lâm nghiệp trên địa bàn để răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng; tăng thời lượng phát sóng các tin, bài tuyên truyền các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCC rừng trên hệ thống truyền thanh của huyện, của xã ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024.

Xin ông nói vài nét về hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật gắn với chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào DTTS?

Năm 2023, bên cạnh công tác tuyên truyền pháp luật nói chung, huyện Đam Rông đã tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, của tỉnh bằng nhiều hình thức đến toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó tập trung vào các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS.

Lễ phát động chương trình Chủ nhật xanh vì môi trường tại huyện miền núi Đam Rông.

Nội dung tuyên truyền chủ yếu là về các chính sách giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ đối với người DTTS như: vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, an sinh xã hội, chính sách lao động việc làm, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo; đồng thời, tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng dâu nuôi tằm, trồng dứa mật, trồng sầu riêng, nuôi heo đen… để người dân biết, học tập và làm theo.

Kết quả trong năm 2023, toàn huyện có 1.233 hộ thoát nghèo, giảm từ 2.845 hộ nghèo đa chiều xuống còn 1.701 hộ nghèo đa chiều chiếm tỷ lệ 11,63% (giảm 7,67% so với năm 2022).

Từ những nỗ lực trên, đến nay đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nâng cấp, trình độ dân trí của người dân được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm Y tế toàn dân đạt 93,4%, khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện với các địa phương khác trong tỉnh dần được thu hẹp. Từ đó thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ, củng cố thêm niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm