Gia đình bất hòa vì ông bà dạy con, chăm cháu tận “chân tơ kẽ tóc”

(PLVN) - Lối suy nghĩ phải lo cho con cái tận “chân tơ kẽ tóc”, can thiệp vào cuộc sống khi chúng có gia đình riêng, điều đó khiến trở thành gánh nặng của nhiều người già, còn con cái đôi khi cũng không hề thấy vui vẻ. 
(Hình minh họa).

Cậy mẹ để rồi thấy đau lòng

Sau khi loạt bài viết “Trẻ nuôi con, già chăm cháu, niềm vui hay nỗi khổ của người già?” đăng trên báo Câu chuyện Pháp luật, Tòa soạn đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc. Trong đó không chỉ có những chia sẻ của người lớn tuổi mà có cả chia sẻ của các bạn trẻ. Bạn đọc Mai Trang (29 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị lập gia đình được 4 năm, có một con gái nhỏ hơn 3 tuổi, hai vợ chồng đều ở quê vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Chị mở một cơ sở chăm sóc sắc đẹp nhỏ. 

Khi chuẩn bị sinh con thì chị tạm thời đóng cửa hàng, về nhà mẹ đẻ ở. Cả hai bên bố mẹ đều ủng hộ quyết định này của vợ chồng chị. Nhà chị Trang ở thành phố, cách nhà chồng khoảng 20 km, bố mẹ chồng đông con, nhiều cháu và ông bà bận bán hàng vì nhà có cửa hàng nhỏ bán đồ tạp hóa nên khi chị nói về ngoại thì ông bà đều đồng ý. Mẹ chị Trang đã nghỉ hưu, ở nhà lo cơm nước nên cũng thuận tiện. Đến khi con được 3 tháng thì chị quyết định quay trở lại TP Hồ Chí Minh vì không thể đóng cửa hàng quá lâu, sẽ mất khách. Mẹ đẻ chị lại khăn gói theo con để chăm cháu.

Chị Trang bận khách hàng nên chủ yếu là bà chăm cháu. Bà vốn vụng về, ở nhà toàn là chồng nấu ăn nhưng vào ở cùng con, bà phải cáng đáng hết, từ trông cháu, nấu đồ ăn trẻ con cho đến nấu cơm cho cả nhà.  “Nhiều lúc thấy mẹ vất vả, tôi xót xa vô cùng, chỉ biết cố gắng hơn nữa và chăm sóc mẹ trong điều kiện có thể”, chị Trang cho biết.

Tuy nhiên, khi bà ở chăm cháu cùng cũng phát sinh nhiều vấn đề. Chồng chị Trang là viên chức nhà nước, tính cẩn thận và gia trưởng. Trong khi đó, mẹ chị lại xuề xòa, vụng về nên nhiều khi xảy ra mâu thuẫn. Ví dụ khi bà nấu cháo cho cháu, bà đổ luôn gạo và xương vào nồi để ninh. Khi lấy cháo cho con ăn, chồng chị thấy những mảnh xương dăm trong bát thì không hài lòng.

Vốn là người thẳng tính nên anh cũng trao đổi lại với bà với thái độ không gay gắt nên bà cũng hài lòng. Nhưng rồi lâu dần, những cái nhỏ nhặt trong cuộc sống như bà nấu ăn mà quên không bật hút mùi khiến cả nhà ám mùi đồ ăn, khi nấu ăn cho cháu bà nấu quá mặn, chẳng may cho chiếc áo hàng hiệu của con rể vào máy giặt dẫn tới bị phai màu… khiến cho mối quan hệ giữa hai người ngày càng rạn nứt.

“Tôi đã nhiều lần góp ý với chồng về việc cư xử với mẹ, nhưng lần nào anh cũng ậm ừ rồi lần sau lại đâu đóng đấy. Nhiều lúc tôi thấy rất mệt mỏi khi đứng giữa hai người. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi không nói gì, nhưng thi thoảng tôi thấy bà ngồi khóc một mình. Thương mẹ mà không biết làm cách nào”, chị Trang chia sẻ.

Đỉnh điểm, một lần, tập tài liệu quan trọng chồng chị để quên trên bàn ăn, bà nghĩ là bỏ đi nên đã mang ra gấp máy bay cho cháu chơi và làm rách. Chồng chị về nổi trận lôi đình, nói cả hai mẹ con không ra gì, thậm chí còn dùng đến từ “ngu”, đến lúc này cả chị và mẹ chị đều không chịu được nữa, bà sắp xếp quần áo bay về quê. 

Khi đó, con chị Trang mới được 7 tháng tuổi, chưa thể gửi trẻ mà chồng chị thì không thích thuê giúp việc nên chị phải nhờ bà nội vào trông cháu giúp. Nếp sống các bà ở quê khác thành phố rất nhiều nên ngay cả với bà nội chồng chị cũng có lúc không hài lòng, nhưng có lẽ với mẹ đẻ anh kiềm chế hơn nên không có mâu thuẫn quá lớn. Sau đó, vợ chồng chị về quê xin lỗi mẹ, đương nhiên bà tha thứ, nhưng tình cảm giữa bà và chồng chị thì không thể như xưa.

“Đến giờ, sau gần 3 năm mà tôi vẫn nhớ như in ngày mẹ tôi dọn quần áo để về quê. Thương mẹ đến đứt ruột mà cũng cảm thấy áy náy vô cùng, vì con và cháu mà mẹ tôi phải đến nơi đất khách quê người rồi nhận lại sự đau lòng. Vì thế khi đọc bài trên Báo Câu chuyện Pháp luật, đọc tâm sự của những người già tôi càng thấy thương mẹ mình hơn. Tôi đã thống nhất với chồng tôi khi sinh con thứ 2 phải thuê giúp việc, không nhờ các bà nữa, chồng tôi cũng đồng ý, bản thân anh cũng học được nhiều bài học qua những việc đã xảy ra khi mẹ đến chăm con giúp”, chị Trang cho biết.

 

“Ngột ngạt” trước sự chăm sóc của mẹ chồng

Chị Thu Hoài (Vĩnh Phúc) có gửi mail về tòa soạn và chia sẻ câu chuyện của bản thân. Chị cho biết, anh chị hiện có một bé trai 6 tháng tuổi, tất cả ở cùng bố mẹ chồng. Ai nhìn vào cũng bảo chị sung sướng vì lấy được chồng Hà Nội, sẵn nhà cửa, có ông bà chăm sóc con cái. Nhưng mấy ai biết được chị luôn cảm thấy “ngột ngạt” khi nhận sự quan tâm và chăm sóc thái quá của mẹ chồng.

“Mẹ chồng tôi rất thương con, yêu cháu, mọi việc trong nhà đều một tay bà lo, thậm chí chúng tôi còn không phải đưa tiền ăn, mỗi tháng ông bà còn cho thêm 3 triệu tiền mua sữa cho con. Nhưng chính vì mẹ chồng quá đảm mà tôi luôn cảm thấy áp lực”, chị Hoài cho biết.

Khi chị mang bầu, chị uống vitamin, sữa bầu gì đều là bà mua. Chị thấy chị em ở cơ quan mách loại thuốc tốt, nhờ mua về dùng nhưng bà nhất định bắt chị phải dùng loại thuốc bà mua, “vì bác sĩ bạn mẹ đã xem xét kỹ rồi mới kê”. Chưa kể đến ngay cả việc sinh hoạt vợ chồng, bà cũng luôn nhắc nhở vợ chồng chị phải “kiêng” suốt thai kỳ, thậm chí còn bắt chồng chị ra ngủ riêng trong những tháng cuối để đề phòng, còn bà vào ngủ cùng con dâu.

Mặc dù nhiều điều không thực sự hài lòng, nhưng chị vẫn thể hiện ngoan ngoãn nghe lời để gia đình được ấm êm. Vì chị biết, chỉ cần chị làm trái ý mẹ chồng thì sẽ có chuyện ngay.

Đến khi chị đẻ con, nhiều mâu thuẫn phát sinh hơn. Bà quyết định tất cả mọi việc chăm cháu ra sao, mẹ con chị ăn uống như thế nào, mỗi bữa ở cữ, bà chỉ cho chị ăn thịt lợn rang khô và canh rau ngót. Ròng rã 1 tháng như vậy, chị cảm thấy rất mệt mỏi, chị nói với chồng để anh góp ý với mẹ thì bà nổi nóng, cho rằng như vậy mới tốt cho cháu và không đổi ý, hết 3 tháng ở cữ chị mới được ăn các món ăn khác.

“Ai cũng bảo tôi sung sướng, nhưng thực chất tôi thấy rất ngột ngạt, cảm thấy mình không được làm chủ cuộc sống, ngay cả việc chăm con như thế nào tôi cũng phải làm theo ý bà. Biết là bà vì thương con, thương cháu mới như vậy, nhưng tôi cảm thấy bị stress, trầm cảm sau sinh, xin mang cháu về nhà ngoại mà bà nhất định không cho, dù con tôi đã 6 tháng. Mẹ tôi vì e ngại bà nội nên cũng chỉ lên chơi với cháu 1 tuần đầu rồi về, mẹ tôi ở đây cũng không được làm gì, bế cháu cũng phải e dè vì mẹ chồng sợ mẹ tôi không biết chăm cháu”, chị Hoài cho hay.

Chị Hoài chia sẻ thêm, chị đã tâm sự với chồng tình trạng của mình, hai vợ chồng chị đã đi khám bác sĩ tâm lý. Bác sĩ kết luận chị có vấn đề về tâm lý, có thể là trầm cảm sau sinh. Chỉ đến khi xem tờ giấy kết luận của bác sĩ, mẹ chồng chị mới đồng ý cho chị và con về nhà mẹ đẻ để nghỉ ngơi một thời gian.

“Tôi đã xin nghỉ việc không lương thêm  2 tháng để về nhà ngoại ở. Từ khi về nhà ở cùng bố mẹ, dù ở quê, không tiện nghi đủ đầy như nhà chồng nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái, tinh thần cũng tốt lên nhiều. Khi quay trở lại, chắc tôi sẽ nói chuyện với mẹ chồng về việc tôi muốn ra ở riêng, dù biết bà sẽ không đồng ý, nhưng tôi và chồng đã quyết định rồi, chúng tôi cần sống cuộc sống của chúng tôi”, chị Hoài chia sẻ.

Nhiều bậc cha mẹ có tâm lý phải lo lắng cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ, thậm chí khi con có gia đình riêng rồi, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn phải bận tâm, can thiệp vào cuộc sống của con hoặc các cháu... Điều này đã trở thành rào cản liên quan tới kinh tế của các bậc cha mẹ khi bước vào tuổi già. Thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống của chính con cháu mình.

Đọc thêm