Với hệ thống cây xanh dày đặc, tháng 6/2016, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vinh danh là "Thành phố xanh quốc gia".
Hiện nay, TP. Huế có hơn 65.000 cây xanh đường phố, mật độ 12,97m2/người; đảm bảo tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại I. Qua đó mang lại một môi trường sống xanh - sạch - đẹp, thân thiện môi trường cho người dân Huế, nâng cao hình ảnh Huế với bạn bè bốn phương, xứng đáng với danh hiệu Huế - thành phố xanh quốc gia.
Với hơn 300 loại cây xanh bóng mát, cây cảnh có mật độ cao nhất so với các đô thị trong cả nước, thảm thực vật đa dạng của Huế đã tạo ra những nét đặc thù hấp dẫn du khách đến Huế. Trong đó có những cây di sản trăm tuổi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố tại các quần thể di tích đồ sộ, các điểm văn hóa đặc thù.
Cùng với vị trí địa lý, thảm thực vật nơi đây không chỉ tạo ra màu xanh sự sống mà còn giữ nền nhiệt ở mức hài hoà, dễ chịu cho người Huế ngay trong những ngày hè nắng gắt, đặc biệt cây cối đã trở thành bộ lọc cần mẫn giúp cho người dân và du khách tới Huế được hưởng thụ bầu không khí trong lành.
Đặt phát triển bền vững lên hàng đầu, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.
|
Không dừng lại ở đó, Thừa Thiên Huế đã triển khai hàng loạt mô hình như "Huế - thành phố bốn mùa hoa", "Dòng Hương trong xanh", "Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an", “60 phút sạch nhà đẹp ngõ”... thông qua đó gắn kết người dân cùng hành động để giữ môi trường sống xanh sạch đẹp từng ngày và hàng ngày. Sự gắn kết đó sẽ tạo ra nếp sống xanh giúp duy trì, bảo vệ môi trường sinh thái cho TP. Huế.
Một trong những tác động tích cực, tạo chuyển biến rõ nét và đáng ghi nhận nhất chính là ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội đã được nâng lên. Từ mỗi gia đình đến cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng đều đã thay đổi với hình ảnh là một môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.
Ngoài ra, thành phố còn huy động nhiều nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý rác thải, đến nay đã xử lý 96% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn. Tổ chức khơi thông, chỉnh trang nhiều hệ thống thoát nước bề mặt ao, hồ, kênh trong khu Kinh thành Huế như sông Ngự Hà, các hồ quanh Đại nội, phường Thuận Lộc, Tây Lộc... Đặc biệt, hoàn thành việc xây dựng và đưa dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế vào vận hành góp phần đáp ứng vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, thoát nước mưa cho khu vực phía Nam TP. Huế.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, TP. Huế tổ chức lập thiết kế đô thị 4 trục đường quanh Hoàng Thành Huế; lập phương án tổng mặt bằng công viên và khu vực phụ cận xung quanh Hoàng Thành Huế; hoàn thành Quy hoạch cây xanh đường phố Huế giai đoạn năm 2025-2030.
Các tuyến đường chính của thành phố như đường Lê Lợi, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt,... cũng được chỉnh trang toàn diện từ nguồn vốn kết dư của dự án Cải thiện môi trường nước thành phố.
|
Những con đường rợp bóng cây xanh ở bờ nam TP Huế. |
Đặc biệt, trong quá trình đầu tư cải tạo Huế theo xu hướng phát triển xanh bền vững, Huế đã và đang triển khai nhiều mục tiêu, giải pháp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung phát triển du lịch dịch vụ - nền công nghiệp không khói và hạn chế phát triển công nghiệp, các loại hình sản xuất phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, liên tục đẩy mạnh việc trồng cây xanh và phát triển các mảng xanh, điểm xanh đô thị; khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh, ưu tiên bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Thừa Thiên Huế hiện nay cũng đang quan tâm đến phát triển du lịch xanh, xây dựng các tour bảo vệ môi trường, khuyến khích du khách tham quan TP. Huế bằng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xích lô. Ngoài ra, còn có xe điện loại 4 chỗ và 11 chỗ để phục vụ khách du lịch đến một số điểm tham quan ở bờ Bắc sông Hương.
Huế không chỉ có những chung cư, nhà máy hay con đường hiện đại mà còn cần những khoảng xanh trong lành, cần một hệ sinh thái bền vững để người dân có một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.
Huế đã và đang phát triển theo định hướng đô thị sinh thái, môi trường, thu hút và chinh phục du khách bằng màu xanh cây lá mà hiếm hoi đô thị nào ở Việt Nam có được. Vì vậy, cây xanh đô thị Huế phải là mối quan tâm hàng đầu, của cả chính quyền và người dân.