Có lẽ với mỗi người đều có nơi để hướng về. Hà Nội là đô thị lớn, nhiều người dân ngoại tỉnh tề tựu học tập và làm việc, không ít trong số đó đã coi Thủ đô là không gian tâm hồn của mình. Nơi để nhớ thương, chắp mối và gìn giữ những kỷ niệm của cuộc đời.
Thành phố có tuổi 1010 năm đang tiếp tục phát triển. Bởi thế, mỗi cá nhân can dự vào nhịp sống đô thị này cần có trách nhiệm làm đẹp, giữ gìn bản sắc cho thành phố.
Chắc rồi, chúng ta hỏi chỉ để hỏi. Như tôi đã từng hỏi lá thu có linh hồn, hỏi ánh đèn đường có tình yêu, hỏi cánh chim hòa bình có chở theo khát vọng. Rồi tự nhủ lòng, phố chất đầy năm tháng, phố hiện diện ở đây với linh hồn và sự trữ tình riêng của phố. Phố giúp ước mơ tôi thành hiện thực, phố cho khát vọng tôi thành hình hài.
Những nẻo đường mùa thu Hà Nội... |
Như vậy phố yêu tôi. Phố cũng yêu các bạn vì ở phố, trong từng phiến lá, từng ngõ nhỏ, con phố, hay quán cà phê, không gian công cộng đều cố gắng phủ màu thời gian và sự đẹp đẽ của một đô thị đã và đang thay đổi từng ngày.
Nhưng ở một góc khác, phố là nơi tấp nập. Phố ôm chứa quá nhiều thân phận trong lòng nó, cả giàu cả nghèo, cả người tỉnh xa người quê gần, cả những cuộc đời nay đây mai đó, vô gia cư vẫn nương tựa dưới những mái hiên gầm cầu của phố xá mà độ thân. Đêm đêm, đâu đó lại có những quả tim nhiệt thành dưới hình hài của các bạn trẻ thiện nguyện đi phát các suất cơm miễn phí.
Ai trong mỗi chúng ta đều theo cách của mình can dự vào không gian văn hóa, không gian nhân văn của phố dù bạn chủ động hay bị động! Nhan sắc phố đã có những lúc nhếch nhác vì sự thiếu ý thức của chính con người. Thành phố có những khi bị sự vô tình của con người xâm hại.
Đơn cử như cách mà người ta hóa vàng đốt lửa làm ức tử một đời cây đang âm thầm tỏa bóng cho phố; ai đó mặc nhiên vẽ bật trên những mảng tường làm mất mĩ quan, những cá nhân phóng nhanh vượt ẩu, người ngồi trong siêu xe thiên nhiên liệng túi rác xuống đường… là những hành vi không khó để bắt gặp trên phố…
Góc phố mùa đông... (ảnh internet) |
Gieo hành động sẽ gặt được tính cách; gieo tính cách để gặt số mệnh- số mệnh của phố là cộng hưởng từ số mệnh và tính cách của cộng đồng phố. Vì vậy khi bị phê phán một Hà Nội ô nhiễm, nhếch nhác, luộm thuộm thì mỗi chúng ta không hề vô can!
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định: Mỗi con người sống ở Hà Nội là một gương mặt Hà Nội. Bởi từ cách sống, đi lại, ăn mặc, mỗi người đều là những thực thể có thể làm thành phố xấu đi hoặc đẹp hơn.
Vậy thì chúng ta phải chung tay cho vẻ đẹp, bình yên của thành phố. Đó là thể hiện trách nhiệm với Thủ đô bằng những việc làm cụ thể. Làm sao để thành phố có tuổi 1010 năm vừa văn minh, thanh lịch. Đồng quan điểm ấy, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cho rằng từ trong nhận thức mỗi người dân phải xây dựng lối ứng xử đẹp, tôn bồi, xây dựng văn hóa Hà Nội. Để văn hóa Tràng An mãi trường tồn.
Nét đẹp Tràng An (ảnh internet) |
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cụ thể hóa những đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch văn minh, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá phù hợp, tập trung vào định hướng nếp sống đô thị và nếp sống ở nơi công cộng, ứng xử vì lợi ích cộng đồng; khai thác hiệu quả yếu tố giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Người Hà Nội chúng ta đã sáng tạo thêm ra phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, không gian đi bộ Trịnh Công Sơn… là tín hiệu đáng mừng của không gian sáng tạo văn hóa. Nhiều hội thảo đã diễn ra, các cơ quan chức năng tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tạo dựng cho thành phố thân yêu có nhiều không gian đáng sống.
Đặc biệt, ở các góc phố với các không gian Hanoi Creative City (Lương Yên), Heritage Space (Trần Bình), Manzi (Phan Huy Ích), Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), The Vuon (Giảng Võ)... cũng là không gian đáng đến để thưởng thức và làm việc. Đó là những sáng tạo của những cá nhân, sự tưởng thưởng hưởng ứng của người dân và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, những không gian “phố” như thế vẫn còn quá ít ỏi. Thành phố cần sự chung tay nhiều hơn nữa, với nhiều không gian sáng tạo có chiều sâu, ý tưởng có sức bền để đi vào cuộc sống dân sinh đô thị. Ở Hà Nội, tâm lý dân cư đã định hình một số không gian văn hóa như: Phố sách hay không gian đi bộ Trịnh Công Sơn… tuy nhiên tính hiệu quả chưa thật cao, hẳn là cần phải có thời gian để “tập quán” văn hóa ăn sâu vào lối sống cư dân.
Ở một khía cạnh khác, những không gian “phố” Hà Nội cần tạo nên sự sôi động mang dáng dấp thị trường, không gian sáng tạo, nơi thu hút du khách tạo ra một dòng tiền từ du lịch mua sắm rất lớn như ở Thượng Hải, Kyoto, Milan hay New York…
Được biết, các nhà quản lý ở Hà Nội đã thay đổi rất nhiều về cách nhìn để đầu tư cho các không gian văn hóa. Bởi vì, các không gian này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, giúp Hà Nội trở thành thành phố đáng sống mà còn là cơ hội phát triển kinh tế từ văn hóa.