Hé lộ cuộc sống người Việt cổ từ kết quả khai quật nghĩa địa văn hóa Quỳnh Văn

(PLVN) - Lần khai quật này đã phát hiện một khu vực chôn cất của người Quỳnh Văn cổ với những nghi thức và tập tục tang lễ độc đáo. Một số di cốt được bảo tồn tốt, mang lại nhiều tiềm năng nghiên cứu về niên đại, nguồn gốc, chủng tộc, bệnh lý, và chế độ dinh dưỡng của cư dân cổ đại.
Đây là nghĩa địa văn hóa Quỳnh Văn đầu tiên được bảo tồn tốt, được xác định và ghi nhận. Ảnh: Tuyết Lan

Cuộc khai quật địa điểm Quỳnh Văn (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nghệ An và Đại học Quốc gia Australia, TS Nguyễn Hữu Mạnh chủ trì được thực hiện từ ngày 18/3 đến 29/3/2025.

Dự án này tiếp nối các cuộc khai quật trong khuôn khổ dự án lớn hơn “Thiên niên kỷ bị thiếu và Nguồn gốc của Nông nghiệp ở Đông Nam Á”, được tài trợ thông qua Quỹ Khám phá của Hội đồng Nghiên cứu Australia (DP200100495), do GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng GS. Peter Bellwood và GS. Philip Piper (Đại học Quốc gia Australia) đồng chủ trì.

Các chuyên gia khảo cổ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích Quỳnh Văn.

Dấu tích hoạt động sinh hoạt của cư dân cổ

Cuộc khai quật năm 2025 nhằm đạt các mục tiêu: khai quật, thu thập và chỉnh lý tư liệu di tích, di vật địa điểm Quỳnh Văn; đánh giá vai trò và phương thức thích nghi của con người với môi trường tự nhiên trong lịch sử. Từ đó, kết quả khai quật sẽ bổ sung tư liệu và tạo nền tảng cho việc phát triển các nghiên cứu chuyên sâu hơn trong tương lai về văn hóa Quỳnh Văn – một nền văn hóa khảo cổ học quan trọng thuộc thời đại Đá mới ở Việt Nam, có niên đại ước tính từ khoảng 6.000 đến 4.000 năm cách ngày nay.

Đoàn khai quật đã tiến hành mở ba hố khai quật: Hố 1 có diện tích 3m × 3m (9m²) nằm ở phía Tây Nam di tích; Hố 2 có diện tích 3m × 3m (9m²) cách Hố 1 khoảng 31m về phía Đông Bắc; và Hố 3, là hố kiểm tra có diện tích 1m × 1m (1m²), nằm cách Hố 2 khoảng 1,5m về phía Bắc. Các hố khai quật được tiến hành theo phương pháp tầng vị học nhằm bóc tách các lớp trầm tích khảo cổ, phản ánh các hoạt động sinh sống của con người cổ.

Kết quả khai quật cho thấy quá trình hình thành cồn sò điệp do người cổ sử dụng điệp giấy để tôn tạo mặt bằng sinh sống. Ảnh: Tuyết Lan

Hố 1 đã được khai quật đến tầng sinh thổ ở độ sâu 3,2m. Kết quả khai quật cho thấy quá trình hình thành cồn sò điệp này thông qua việc người cổ liên tục sử dụng điệp giấy để tôn tạo mặt bằng sinh sống. Trên các mặt bằng này lưu lại dấu tích hoạt động sinh hoạt của cư dân cổ như các lỗ cột/cọc, bếp nguyên thủy và tàn tích thức ăn (vỏ nhuyễn thể hoặc trầm tích vỏ ngao sò đập vụn).

Di vật trong Hố khai quật 1 gồm nhiều viên đá bị cháy trong các bếp, ít công cụ đá và mảnh tước, cùng một số mảnh gốm nhỏ vỡ vụn. Đá cháy được sử dụng để làm nóng thực phẩm, chủ yếu là đá núi không cứng, không phù hợp chế tác công cụ. Một số hiện vật đá từng là công cụ, như hòn đập và mũi nhọn được tận dụng để thành tạo nên các bếp lửa. Các công cụ gồm công cụ ghè đẽo, chày nghiền, hòn ghè, hòn đập, và mảnh tước. Đồ gốm xuất hiện rất ít, chỉ vài mảnh nhỏ. Gốm có chất liệu và hoa văn đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn với xương gốm đen chứa sạn sỏi nhỏ, hoa văn in đập kiểu nan rá, với bề mặt dính muội than.

Hố 2 do hạn chế về thời gian và kinh phí nên tạm thời dừng khai quật ở độ sâu hơn 2m. Tại hố này đã phát hiện dấu tích các lỗ cột/cọc và bếp nguyên thủy. Di vật thu được bao gồm bộ công cụ đá mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn.

Các công cụ bằng đá như bàn nghiền, chày nghiền cho thấy hoạt động mạnh mẽ của con người tại địa điểm được khai quật. Ảnh: Tuyết Lan

Nghĩa địa văn hóa Quỳnh Văn đầu tiên được xác định

Đặc biệt, từ độ sâu 2m trở xuống đã phát hiện các di tích mộ táng, trong đó người chết được chôn theo tư thế ngồi co bó gối, cùng với hình thức mai táng tương đồng với văn hóa Đa Bút và nhiều nền văn hóa đá mới khác trong khu vực.

Hiện 6 mộ và 8 di cốt đã được khai quật. Các huyệt mộ được xử lý cẩn thận, nhiều mộ có đá đánh dấu hoặc phủ lớp điệp dày và cát vàng. Ít nhất có hai giai đoạn mộ sớm và muộn, trong đó lớp mộ sớm ghi nhận một trường hợp chôn ba thi thể chồng lên nhau, còn lớp mộ muộn có hiện tượng cải táng. Đây là nghĩa địa văn hóa Quỳnh Văn đầu tiên được bảo tồn tốt, được xác định và ghi nhận.

Các huyệt mộ được xử lý cẩn thận, nhiều mộ có đá đánh dấu hoặc phủ lớp điệp dày và cát vàng. Thi thể trong mỗi ngôi mộ đặt trong hố tròn với đầu gối co sát vào đầu. Ảnh: Tuyết Lan

Thi thể trong mỗi ngôi mộ đặt trong hố tròn với đầu gối co sát vào đầu. Khi phân hủy, bộ xương sụp xuống, đôi khi phần thân trên trông như bị tách rời, nhưng khai quật cẩn thận đã làm rõ vị trí ban đầu. Kiểu chôn ngồi này phổ biến, đặc trưng cho văn hóa Đa Bút tại Thanh Hóa ở Việt Nam, nơi có đồ gốm và rìu đá mài; đồng thời, phổ biến trong giai đoạn sau thời kỳ săn bắt hái lượm ở miền nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Australia. Ngược lại, các ngôi mộ Quỳnh Văn không có đồ gốm hay công cụ đá mài, chỉ có công cụ đá ghè đẽo kiểu Hòa Bình, Bắc Sơn và Kỹ nghệ Ngườm, cho thấy mộ Quỳnh Văn có thể cổ hơn Đa Bút hoặc thuộc “quỹ đạo” văn hóa khác.

Một số ngôi mộ ở Hố 2 được phủ bằng một lớp cát biển vàng, có đá lớn đặt ở chân hoặc đống đá gồm đá nghiền vỡ, ba chày đá và ngà voi gãy. Một cá thể được chôn cùng ba vỏ sò, hai vỏ cowrie đục lỗ có thể là vòng cổ, và mộ có ba thi thể đặt chồng lên nhau. Ngoài ra, các hố cột lớn có đá cố định cột, cho thấy khả năng xây dựng khu vực có mái che, điều này không thấy ở Hố khai quật 1 do lớp vỏ điệp giấy Placuna placenta dày đặc.

Xương, răng người khai quật được tại Di tích Quỳnh Văn. Ảnh: Tuyết Lan

Lớp mộ muộn: Ở phía đông, nơi tạo dựng các bậc thang đi xuống hố khai quật, khi tới độ sâu hơn 2m, hai ngôi mộ đã được phát hiện. Các nhà khảo cổ học cho rằng đây là cùng loại ngôi mộ với những ngôi mộ khai quật năm 1963 - 1964 tại Quỳnh Văn, nằm dưới đáy đống vỏ sò. Ngôi mộ nằm ở phía đông bị hư hại nghiêm trọng do việc lấy sò điệp, chỉ còn lại một vài mảnh xương dài và xương bàn tay, bàn chân. Ngôi mộ còn lại được bảo tồn tốt hơn, còn hộp sọ, và các bộ phận xương khác trong một hố nông. Đây là ngôi mộ cải táng, nơi xương bị tách rời và đặt nằm ngang với hộp sọ. Truyền thống cải táng này khác biệt so với truyền thống ở lớp sớm hơn ở trên.

Trong không gian 9m² có nhiều mộ táng và dấu vết mộ táng khác nhau. Các mộ táng ở Quỳnh Văn có hiện tượng chôn cạnh nhau hoặc chồng lên nhau, nhưng biên mộ vẫn được giữ nguyên, không bị phá hủy bởi các mộ chôn sau. Điều này cho thấy cư dân cổ Quỳnh Văn có ý thức rõ ràng về việc chôn cất người chết và đời sống tinh thần, tâm linh của họ rất rõ nét.

Trang sức bằng vỏ nhuyễn thể được tìm thấy trong mộ. Ảnh: Tuyết Lan

Đoàn khai quật cũng lấy các mẫu trầm tích với dung lượng 15 lít để tiến hành sàng nước và đãi nổi. Hơn 1.000 mẫu than, mẫu Phytolith và mẫu đất địa khảo cổ đã được thu thập để gửi sang Úc, phục vụ nghiên cứu chi tiết và xác định niên đại chính xác cho di tích. Các nghiên cứu chuyên sâu về di vật và mộ táng sẽ được thực hiện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đoàn khảo cổ cho biết, dự án nghiên cứu sẽ tập trung tiếp tục khai quật Hố 2, nhằm tìm hiểu diễn biến và sự thay đổi trong hình thức và phương thức chôn cất qua thời gian cũng như mối quan hệ giữa các khu vực cư trú và khu vực mộ táng tại địa điểm này.

Di chỉ Quỳnh Văn được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2017. Ảnh: Tuyết Lan

Di chỉ Quỳnh Văn thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Theo các nhà nghiên cứu, trước đây di chỉ Quỳnh Văn có diện tích chừng 11.200m2, gồm ba bộ phận: Đồi Thống Lĩnh (vốn là ba cồn nhỏ hợp thành theo thế chân kiềng, với tổng diện tích chừng 6.300m2), bãi tha ma (thấp, nằm ở phía bắc đồi Thống Lĩnh, rộng khoảng 3.400m2) và bãi tha ma (nằm ở phía đông bắc, rộng chừng 1.000m2).

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, di chỉ Quỳnh Văn bị phá hủy nặng nề bởi các hoạt động khai thác vỏ điệp của nhân dân địa phương. Sau đó, khu vực di chỉ Quỳnh Văn được lựa chọn làm địa điểm họp chợ cho tới năm 2012. Năm 2017, di chỉ Quỳnh Văn được xếp hạng di tích cấp quốc gia và hiện nay được khoanh vùng, quy hoạch với diện tích 4997m2.

Năm 1963, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số di vật đá, xương tại Quỳnh Văn và tiến hành các đợt thám sát, khai quật trong hai năm 1963 và 1964. Các đợt nghiên cứu này đã phát hiện một số lượng lớn các di vật đá, xương, vỏ nhuyễn thể và một số mảnh gốm; đặc biệt đã tìm thấy 30 ngôi mộ trong hố khai quật. Từ kết quả trên, các nhà khảo cổ học nhận định Quỳnh Văn là một di chỉ cư trú mộ táng loại hình cồn sò điệp, thuộc văn hóa Quỳnh Văn.

Cồn sò điệp Quỳnh Văn và các cồn sò điệp khác ở tỉnh Nghệ An một phần có nguồn gốc từ con người và một phần là các đống vỏ sò tự nhiên, có niên đại ước tính từ 6.000 đến 4.000 năm trước. Các di tồn vật chất và các di tích phát hiện được tại các địa điểm văn hóa Quỳnh Văn cho thấy cư dân cổ là những người săn bắt hái lượm sống ven biển, chế tạo công cụ đá và sống dựa vào nguồn lợi thủy sinh và cửa sông.

Sau một thời gian dài, di chỉ cồn sò điệp Quỳnh Văn mới được khai quật và nghiên cứu trở lại. Kết quả khai quật cho thấy, mặc dù đã bị san bằng phần phía trên và thu hẹp so với diện tích ban đầu, tiềm năng nghiên cứu của di tích này vẫn rất lớn. Tuy nhiên, di tích chưa được phát huy đúng với những giá trị vốn có.

Đọc thêm