Biến thách thức thành cơ hội

(PLO) - Theo cam kết gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), từ năm 2018, thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ giảm về mức 0%. Đây thực sự là áp lực cho các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khi thời gian không còn nhiều. Việc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội hay không đang là câu hỏi cần có lời giải đáp từ các nhà hoạch định chính sách và cả các doanh nghiệp. 
Một dây chuyền sản xuất phụ tùng ô tô ở Việt Nam
Một dây chuyền sản xuất phụ tùng ô tô ở Việt Nam
Công nghiệp ô tô còn đầy rẫy khó khăn
Theo Bộ Công Thương, qua gần 20 năm xây dựng - phát triển và gần 10 năm thực hiện quy hoạch lần đầu (2004-2014), ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã cơ bản đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu ô tô trong nước theo mục tiêu đề ra về mặt số lượng. Cụ thể, đã đáp ứng được 80% nhu cầu tiêu dùng ở trong nước với dòng xe khách và 60% đối với dòng xe tải. Ngành công nghiệp phụ trợ bước đầu đã hình thành, cung cấp được một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. 
Cùng với đó, sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế; trong đó có một số Tập đoàn ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Nissan, Mercedes - Benz, Ford... đã làm ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam “nóng” dần lên. Hiện đã có 18 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 38 DN trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô với năng lực khoảng 460.000 xe/năm. 
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ tính riêng năm 2013, các thành viên của VAMA đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ USD (chỉ tính các khoản thuế), đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp và khoảng 500.000 lao động gián tiếp. 
Tuy nhiên, qua đánh giá, ngành này vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, mới ở các công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10% đối với xe con và 35-40% đối với xe tải nhẹ. Trong khi đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Theo tính toán, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước ASEAN do sản lượng thấp, hầu hết các dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động đến 50% công suất. 
Đánh giá về những hạn chế trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian qua, ông Jesus Metelo Arias, Chủ tịch VAMA, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân kìm hãm việc phát triển ngành công nghiệp ô tô là do chính sách thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Với các DN sản xuất ô tô, việc lên kế hoạch sản xuất và kinh doanh hay đầu tư thường phải có kế hoạch tối thiểu là 5 năm. Nếu thị trường biến động đến mức không dự đoán được năm tiếp theo sẽ ở đâu thì rất khó khăn cho hoạt động của ngành. 
Biến thách thức thành cơ hội
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. 
Chia sẻ về quy hoạch mới này, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chính sách cho nhà sản xuất còn có chính sách hỗ trợ cho khu vực tiêu dùng. Ví dụ người mua xe tải phục vụ cho sản xuất hoặc mua xe nông dụng sẽ được hưởng ưu đãi vốn vay. Đối với khu vực xe cá nhân, Nhà nước cũng có những cơ chế chính sách để giảm bớt thuế, phí cho các dòng xe dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông, phù hợp với thu nhập của người dân... 
Theo quan điểm của nhà sản xuất, một chuyên gia cho rằng: Trong phát triển công nghiệp phụ trợ phải ưu tiên phát triển chi tiết phụ tùng mà chúng ta có lợi thế. Thực chất của việc sản xuất ô tô là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng nào có lợi thế, đặc biệt là phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cần công nghệ phù hợp hơn là công nghệ cao. Khi công nghệ phù hợp với sản lượng, quy mô và lõi sản phẩm sẽ đáp ứng được các yêu cầu về giá thành. 
Về mục tiêu nội địa hóa 30-40% vào năm 2020 theo quy hoạch mới, nhiều chuyên gia nhận định là có thể thực hiện được, vì trên thực tế, xe buýt chúng ta đã nội địa hóa 60%, xe tải gần 40%, đối với dòng xe con nếu chúng ta đi vào những dòng xe giá bình dân và có thể thỏa thuận được với các nhà sản xuất chính khi dung lượng thị trường đi lên. 
TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, trước mắt nên tập trung vào thị trường trong nước, đảm bảo có đủ các loại xe để sử dụng phát triển kinh tế. Nếu có xuất khẩu và tham gia chuỗi xuất khẩu, cần chú ý những phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam sản xuất được đạt chất lượng quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đọc thêm