Toàn cảnh làng chài Cái Bèo hôm nay.
Toàn cảnh làng chài Cái Bèo hôm nay.

Làng chài cổ nơi Bác Hồ về thăm 62 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuối tháng 3 - đầu tháng 4 năm 1959, Bác Hồ đến thăm làng cá Cái Bèo - Cát Bà (Hải Phòng). Đứng trước mênh mông biển đảo Tổ quốc, Bác đã căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ. Cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”. Lời dạy của Bác khi ấy như thấm vào lòng biển mẹ, nương theo làn gió mặn mãi mãi nhắc nhở đến lớp người kế thừa xây dựng nghề cá Việt Nam...

Những trầm tích văn hóa ở làng cổ Cái Bèo

Trong số 67 hang động chứa đựng dấu tích cổ sinh và khảo cổ tìm thấy ở quần đảo Cát Bà như: Áng Giữa, Tiền Đức (xã Việt Hải), hang Giếng Ngóe (thị trấn Cát Bà), cụm hang Áng Mả và Mái đá Ông Bẩy (xã Hiền Hào)… đều có cùng nội dung văn hoá vật chất như các di chỉ văn hoá Hoà Bình trong lục địa và di chỉ Soi Nhụ trên vịnh Hạ Long.

Theo Kết quả nghiên cứu, khai quật di chỉ khảo cổ học Cái Bèo (thị trấn Cát Bà) cung cấp: Đây là một làng chài cổ có diện tích thuộc loại lớn nhất so với các làng đánh cá khác trên đảo như Ao Cối, Vá Bạc… Chủ nhân di chỉ Cái Bèo đã thành thạo nghề đánh cá biển ở các cửa sông hay vụng biển quanh vùng.

Lễ hội làng cá Cái Bèo.
Lễ hội làng cá Cái Bèo. 

Từ xa xưa, người Cái Bèo đã đánh bắt được những loài cá lớn như cá sạo, cá úc, cá hồng ngự…, đều là những loài cá sống trong môi trường nước mặn, biển nông và các loài cá nhám, cá đao… chuyên sống ở biển sâu. Đặc biệt, qua nghiên cứu các đốt sống xương cá trong các tầng văn hoá di chỉ Cái Bèo, Ao Cối, Xé Bạc… cho biết người cổ Cát Bà đã đánh bắt được nhiều loài cá lớn, có con nặng tới vài tạ.

Cư dân huyện đảo Cát Hải có nguồn gốc từ nhiều nơi đến, chủ yếu thạo nghề sông nước ở Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương… Từ trước 1978, còn có nhiều cư dân người Hoa cư trú, làm ăn sinh sống. Từ xa xưa, cư dân Việt cổ đã từng cư trú ở đây, dấu vết để lại qua các di chỉ: Cái Bèo, Eo Bùa, Hiền Hoà…

Một góc làng chài.
Một góc làng chài.  

Trong văn hoá dân gian của huyện đảo trước Cách mạng tháng Tám 1945 là ngày Hội xuống nước ở các làng Chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt cá như: thi bơi thuyền mảng, đua thuyền thúng trên biển…

Sau này, ngày hội làng Cá diễn ra vào ngày 1/4 hàng năm, ghi nhớ sự kiện ngày 31/3/1959, Bác Hồ kính yêu về thăm làng Cá Cát Hải, động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển đảo quê hương. Cùng với đó, ngày 1/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản…

Tưng bừng Ngày hội lớn trên biển

Ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm ra quân đánh cá vụ Nam của ngư dân huyện đảo. Ngày hội lớn ấy không thể thiếu cuộc thi đua thuyền Rồng trên biển Cát Bà. Bước vào ngày hội, sau phần thủ tục là lễ khai mạc diễn ra trên lễ đài trước bến tàu neo đậu giữa trung tâm.

Một nửa nội dung của lễ hội Cát Bà (1/4) là các hoạt động thi đấu diễn ra trên biển, trọng tâm là cuộc đua thuyền rồng, giữa đội chủ nhà Cát Bà với các đoàn khách đến từ vùng Duyên Hải Quảng Ninh, Bắc Trung Bộ, cùng những anh em từ vùng lúa Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên…

Huyện Cát Hải đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Cát Hải đã đạt chuẩn nông thôn mới.  

Cuộc đua thuyền Rồng trên biển mang ý tưởng chủ đạo: Thuyền rồng từ biển Cát Bà vươn khơi trong thế Rồng Bay của đất nước, nối vòng tay bè bạn, thân ái với mọi miền tổ quốc. Ngoài cuộc đua thuyền Rồng diễn ra sôi nổi hào hứng từ phút ban đầu đến phút cuối để tìm ra đội vô địch nhận giải, là màn biểu diễn lướt ván đua thuyền thúng của cư dân miền Duyên Hải, miền Trung tham dự lễ hội.

Điều đặc biệt, tại ngày hội làng cá Cát Bà, hai loại hình thi đấu kéo co và múa rồng trên biển lẽ ra chỉ diễn ra trên đất liền, thì bây giờ tại ngày hội làng Cá ở huyện đảo Cát Hải đều được đưa xuống biển thi đấu. Trước khung cảnh tấp nập tàu thuyền, sóng biển dập dờn, người tham gia thi đấu được chia làm hai bên, ai nấy đều ở trên thuyền của đội mình, người ở 2 đội thuyền dàn quân, nắm chắc dây co mà kéo về phía của đội mình.

Đặc biệt tại Lễ hội làng cá Cát Bà, trong cuộc đua thuyền Rồng, môn thi đấu trọng tâm của lễ hội có cuộc đua tài của các đấu thủ nữ trên cự ly dài 4000m, bên cạnh đường đua của nam giới là 6000m, trong khoảng thời gian 30 phút sôi nổi khẩn trương.

Trung tâm Văn hóa - Thông tin- Thể thao huyện Cát Hải.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin- Thể thao huyện Cát Hải. 

Đây thật sự là những hoạt động văn hoá thể thao, rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn của từng cá nhân trong một tập thể, đồng thời rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp, lòng quả cảm vì màu cở sắc áo của quê hương. Lễ hội truyền thống hàng năm diễn ra tại trung tâm huyện đảo Cát Hải, nơi có Cát Bà nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, nằm trong hành lang du lịch Hải Phòng - Đồ Sơn - Đình Vũ - Phù Long - Cát Bà. 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khắc ghi trong lòng những người dân Cát Hải, phấn đấu xây dựng huyện đảo Cát Hải thành trung tâm Du lịch - Dịch vụ cảng biển -Thủy sản” hiện đại, văn minh”.

Mới đây, chiều 01/5/2021, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Cát Hải đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cát Hải đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019 và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

 

Năm 2015, 100% các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2019, huyện hoàn thành kết quả xây dựng 9 tiêu chí huyện nông thôn mới: UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Cát Hải đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; toàn huyện có 24,4km đường trục huyện mặt đường rộng 14m và đường đô thị dài 11,5km mặt đường rộng 10m, các  tuyến đường được đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt 100%; các công trình điện trung áp, hạ áp và trạm biến áp đầu tư liên xã đảm bảo thông số kỹ thuật, an toàn điện theo quy định của Bộ Công thương…

Trên nền tảng văn hóa lịch sử, huyện Cát Hải đã tận dụng được tiềm năng du lịch, thủy sản, đến năm 2019, tốc độ phát triển kinh tế của huyện đạt 16%. Hiện huyện Cát Hải đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Tiếp tục phát huy đời sống văn hóa mang bản sắc của người dân miền biển, thân thiện, nghĩa tình, nhân văn để xây dựng văn hóa cộng đồng đoàn kết, hợp tác, phát triển.

Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, môi trường, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Xuân Đám, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ tại 6 xã trên đảo Cát Bà gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với xây dựng thị trấn Cát Bà trở thành đô thị văn minh; xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; quyết tâm xây dựng Cát Hải sớm trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ - công nghiệp hiện đại - văn minh, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng. 

Đọc thêm