Lớp học trong đêm “xóa mù” nơi biên ải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huổi Lạ - bản xa xôi nhất của xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) vừa được Đồn Biên phòng Mường Lèo mở lớp xóa mù chữ cho hàng chục người từ 12 đến 46 tuổi, lớp học giúp mọi người biết cách đọc hiểu, làm những phép tính đơn giản nhất để có thể giao tiếp thông thường trong cuộc sống.
Lớp học của thầy giáo Mùa A Páo Tủa.
Lớp học của thầy giáo Mùa A Páo Tủa.

Lớp học nơi cuối vùng biên cương

Đứng bên này núi đã có thể nhìn thấy 40 nóc nhà của đồng bào Mông bản Huổi Lạ “ôm sát” vào những triền dốc núi bên kia. Vậy mà cũng mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới căn nhà xây duy nhất trong bản có cắm cờ Tổ quốc. Đó là nhà ở của Tổ công tác Đồn Biên phòng Mường Lèo. 

Huổi Lạ là bản xa xôi nhất của xã Mường Lèo, cách trung tâm xã gần 30 cây số. Khoảng 5 năm trước, Huổi Lạ chỉ có những căn nhà thưng gỗ, lợp gianh. Đồng bào chủ yếu canh tác ngô, sắn và lúa nương trên triền đất dốc nên năng suất không cao.

Dù đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tôn, tấm prô xi măng để lợp, nhưng đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhất là khi bà con chưa nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, có những nhà có 4-5 con trâu nhưng vẫn thiếu gạo ăn bởi không muốn bán trâu lấy tiền mua nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống.

Cho đến tận bây giờ, khi màn đêm buông xuống, cả bản chỉ có duy nhất điểm trường mầm non Huổi Lạ, cũng là nơi ở của Tổ công tác Biên phòng Huổi Lạ là có điện năng lượng mặt trời chiếu sáng, còn chỉ là những đốm sáng leo lét từ bếp lửa mỗi nhà.

Khai giảng lớp học xóa mù tại Huổi La.
Khai giảng lớp học xóa mù tại Huổi La.  

Bản Huổi Lạ nhiều người không biết chữ, không chỉ phụ nữ mà còn cả đàn ông. Với mong muốn mang cái chữ về bản, ngày 13/4, Đồn Biên phòng Mường Lèo, phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ năm học 2021. Lớp xóa mù chữ được mở tại bản Huổi Lạ với 30 học viên là người dân tộc Mông độ tuổi từ 12 đến 46 tuổi.

Theo kế hoạch, lớp học sẽ trang bị cho học viên những kiến thức phổ cập từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó trọng tâm là kèm cặp, giúp đỡ cho các học viên biết cách đọc hiểu, viết, tính những phép tính đơn giản nhất để hỗ trợ những giao tiếp thông thường trong cuộc sống. Lớp học được tổ chức vào các tối trong tuần tại Điểm trường Mầm non bản Huổi Lạ. Việc đứng lớp do cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lèo phụ trách, đảm nhiệm.

Đại úy Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo cho biết: Để mở được lớp xóa mù chữ phải chuẩn bị từ khâu vận động bà con sau một ngày đã mệt nhoài với nương rẫy đến lớp học chữ mỗi tối. Rồi cơ sở vật chất ở Huổi Lạ cũng không có, phải tận dụng điểm trường mầm non trong bản. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Púng Bánh đã cho mượn 2 chục cuốn sách xóa mù chữ.

Bộ đội phải mang những tấm pin năng lượng mặt trời được các mạnh thường quân tài trợ đợt dịch Covid-19 trước đó để lấy ánh sáng cho lớp học vì Huổi Lạ không có điện lưới, cũng không đủ nguồn nước để có thể mua máy thủy điện nhỏ. Chỉ lo không dùng được lâu bởi ở đây, trời mưa nhiều hơn trời nắng, vậy nên ưu tiên dành cho lớp học, người dân đến sạc nhờ điện thoại, nên điện dành cho bộ đội, cô giáo cũng chẳng còn bao nhiêu. Thay phiên đứng lớp là Thượng úy Mùa Lao Chà, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Trung úy Mùa A Páo Tủa, nhân viên Đội Trinh sát.

Những mong ước giản dị

Thượng úy Mùa Lao Chà quê ở xã Phiêng Khoai, huyện Yên Châu thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La. Học hết lớp 12, chàng thanh niên Mùa Lao Chà nhập ngũ vào BĐBP Sơn La. Trong một lần về phép, chàng lính trẻ đã nói với bố: “Con sẽ phấn đấu trở thành sĩ quan Biên phòng để giúp được nhiều cho đồng bào Mông mình, bố ạ!”.

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng với quân hàm Trung úy, Mùa Lao Chà được phân công công tác về Đồn Biên phòng Mường Lèo. Khi đơn vị tổ chức lớp xóa mù chữ cho bà con trên địa bàn, không đợi chỉ huy phân công, anh đề xuất mình được đứng lớp. Anh đã giúp bà con đồng bào Mông ở Pá Khoang, Huổi Luông, Huổi Áng và giờ là đồng bào Mông ở Huổi Lạ. Nhớ ngày đầu tiên, anh mất cả tuần “tập viết chữ cho đẹp” để viết lên bảng cho các học viên, giờ thì đã có nhiều kinh nghiệm truyền lại cho “thầy giáo trẻ lần đầu đứng lớp” Mùa A Páo Tủa.

Thiếu phụ trẻ địu con đi học chữ.
Thiếu phụ trẻ địu con đi học chữ.   

Học viên lớp học của thầy giáo Mùa Lao Chà và Mùa A Páo Tủa mỗi người một hoàn cảnh. Chị Giàng Thị Chú, năm nay 22 tuổi, vừa sinh con được mấy tháng nên tối nào cũng mang theo con đến lớp. Chị chọn chỗ ngồi ngay gần cửa và “ra hẹn” với thầy giáo rằng: “Lúc con khóc, em phải chạy ra ngoài dỗ cho con nín xong em lại vào để không ảnh hưởng mọi người, thế nên thầy không được phê bình em”. Chị Sồng Thị Xê đã là bà ngoại, nhưng tối nào cũng chăm chỉ tới lớp.

Thương nhất là cô gái nhỏ Thào Thị Dợ, 12 tuổi và chưa bao giờ được đến lớp. Buổi chiều hôm ấy, Thượng úy Mùa Lao Chà chốt danh sách lớp học, chuẩn bị về đồn thì thấy một người phụ nữ cứ thập thò ngoài cửa. Hóa ra, chị đến xin cho con gái Thào Thị Dợ được theo học. Chị bảo, không phải là không muốn cho con gái đi học nhưng vì nhà khó khăn quá, trường học lại xa nên Dợ vẫn chưa được đến lớp. Giờ, lớp học của thầy giáo Biên phòng mở tận bản nên đến xin cho con được học chữ.

Thượng úy Mùa Lao Chà bảo: “Đến nay, tôi đã tham gia mở 4 lớp học xóa mù chữ, nhưng đây là lần đầu tiên có... đàn ông. Đàn ông Mông cái tôi cao lắm, không dễ gì mà đi học lớp xóa mù chữ. Lần này, biết được anh Sồng Pó Chua, cán bộ Mặt trận bản chỉ biết nói mà không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông, chúng tôi đã đến vận động anh đầu tiên. Biết anh Chua đi học, anh Hạng A Lộng, Hạng A Nhịa cũng đi đăng ký”.

Lớp học đa số là phụ nữ, những người cả ngày luôn tay luôn chân với việc nhà, việc nương rẫy, nhưng rất hiếm khi vắng mặt vào giờ lên lớp. Hễ học viên nào nói việc nhà nhiều quá, muốn xin nghỉ một hôm là hôm sau, thầy Tủa, thầy Chà lại đến nhà làm giúp khiến ai cũng ngại ngần. Thế nên, dù Huổi Lạ đang trong thời gian gieo hạt giống, nhưng lớp học xóa mù chữ của những người lính Biên phòng vẫn luôn đảm bảo sĩ số.

Những bàn tay thô ráp, xù xì bởi cuốc nương, chặt cây, nay lóng ngóng cầm bút, viết chữ cái, con số sao cứ ngượng nghịu. Giờ lên nương chỉa hạt, lúc ngồi thêu váy áo hay tước lanh, các chị, các mẹ lại tranh thủ giúp nhau đánh vần hay làm phép tính. Như những người lính Biên phòng đã nói, mọi người hãy học để biết đọc, biết viết, biết tính toán khi đi chợ, học để tìm thấy niềm vui, học cho con cháu noi theo để sau này không bỏ học giữa chừng, có thể học lên cao hơn, đi xa hơn, mang những cái mới lạ, tiến bộ về bản xây dựng cuộc sống mới.

Đêm ấy, trong cái tĩnh lặng của miền biên giới, tiếng đánh vần phát ra từ lớp học xóa mù chữ của những người lính Biên phòng tạo nên bản nhạc hay hơn bất cứ bài ca nào viết về biên cương mà tôi đã từng nghe.

Đọc thêm