Dịp hè, động viên mãi mẹ chồng mình mới đồng ý ra Hà Nội ở chơi với các cháu vài tuần. Mẹ chồng mình chưa đến 70 tuổi nhưng mà đúng là một bà già “nhà quê” chính hiệu. Thức ăn thừa bà để lại bữa sau, tuyệt đối không cho bỏ đi. Bà nhặt nhạnh túi nilon còn sạch tích trữ lại để đựng rác dần, đỡ phải mua.
Con dâu đi chợ về, bà hỏi giá từng món đồ, so sánh với giá tiền mua ở chợ quê rồi xuýt xoa kêu đắt đỏ. Bà bảo, phải ở quê thì mấy thứ rau này chả mất tiền mua. Chỉ cần ra vườn một loáng là hái được cả rổ xanh mơn mởn, đôi khi nhà ăn không hết còn đem biếu cả hàng xóm, vừa sạch sẽ, an toàn, đỡ tiền mà lại ấm áp tình nghĩa láng giềng...
Đầm ấm mẹ chồng nàng dâu (ảnh minh họa) |
Mẹ chồng mình bảo ở thành phố được cái tiện nghi nhưng cũng đâu có sướng, chỗ nào cũng chật chội, ồn ã, ô nhiễm, khói bụi. Có lúc thèm được bước chân trần ra ngõ như ở quê nhưng tìm đâu ra con đường đất gan gà ẩm mịn hay thảm cỏ non mát lịm để đặt chân?
Nhà phố thì sạch thật nhưng mà bí bách, đã nhà ống lại còn quanh năm cửa đóng then cài. Chẳng như ở quê nhà nào cũng nhiều cửa sổ, mà cửa cứ mở toang cho gió vào lồng lộng mà hít căng lồng ngực không khí mướt mát mùi hương hoa, mùi lá non, rồi cả cái mùi ngai ngái nồng nàn của bùn đất, rơm rạ rất đặc trưng…
À đấy, ở phố còn chẳng được đun bếp rơm, bếp củi như ở quê mình; ừ thì có khói bụi lọ lem chứ không được sạch sẽ như đun bếp ga, bếp điện nhưng đó mới là phong vị quê nhà.
Hỏi ai mà không nhớ, không thương khi nhìn thấy hình ảnh sợi khói lam chiều tim tím mỏng mảnh bay lên từ mái rạ còn âm ẩm bởi li ti mưa bụi gợi nhớ bữa cơm sum họp gia đình sau mỗi ngày mưu sinh vất vả? Hình ảnh đó khiến người dân quê đi đâu cũng quay quắt nhớ về…
Mẹ chồng mình hay chuyện, những câu chuyện của bà bao giờ cũng giản dị, mộc mạc nhưng luôn ẩn chứa những giáo lý sâu sắc và thấm đẫm nhân văn.
Lần đầu tiên trong đời lũ trẻ nhà mình sung sướng đến kinh ngạc khi được bà nội dạy và giảng giải một cách tỉ mỉ quy trình gieo hạt để hạt lên mầm, thành cây, rồi chăm sóc cái cây con lớn lên thành cây trưởng thành, rồi cây lại cho hạt dành để làm giống cho những mùa sau…
Bà dạy lũ trẻ việc cứu một con kiến, con ong gặp nạn là một việc làm hoàn toàn nghiêm túc. Rồi bà ân cần bảo con dâu: Trẻ nhỏ mà đã vô cảm khi bẻ một cái ngọn cây, lớn lên rất có thể trở thành người tàn nhẫn. Muốn dạy trẻ có thói quen tốt, có hành động tốt thì người lớn, cha mẹ phải làm gương.
Đã bao giờ con để ý cái giọt nước đầu thềm và hỏi tại sao giọt trước nhỏ đâu, giọt sau lại nhỏ đúng chỗ đấy chưa? Đó là một thói quen của đời sống, cũng có thể hiểu đó là nhân quả. Người lớn làm thế nào thì trẻ nhỏ sẽ học làm theo, người trước làm sao thì người sau làm vậy. Vậy nên làm cha mẹ phải sống thật tốt, thật tử tế để cho con trẻ noi gương.
Nhưng con ơi, mình sống tử tế, ân tình với người khác không phải chỉ để mong được đối đãi lại đâu con, điều cốt yếu là để cuộc sống người khác sống tốt hơn và cũng là để lương tâm mình được an yên, thanh thản.
Người ta nói khi tặng hoa cho người khác, từng ngón tay của mình cũng ngát hương thơm. Khi con mang lại niềm vui cho người khác, chẳng phải trong lòng con cũng thấy vui sướng, hạnh phúc đó sao?
Nói vậy chứ mẹ chồng mình cũng “tân tiến” lắm. Bà khuyên con dâu bất kể hoàn cảnh thế nào cũng phải chỉnh chu, tươm tất.
Cái lý thuyết làm đẹp chỉ vì một người và cho một người đàn ông duy nhất của mình đã lạc hậu rồi đó con à. Cái câu “cái nết đánh chết cái đẹp” đúng với thời của mẹ nhưng giờ đây cũng trở nên không phù hợp nữa.
Phụ nữ được gọi là phái đẹp. Vậy nên đương nhiên mình phải cố gắng xinh đẹp nhất trong điều kiện có thể, để thiên hạ phải nhìn ngắm và ngưỡng mộ: “Chị ấy vừa giỏi giang vừa xinh đẹp” mới là tiêu chí của phụ nữ thời nay. Hình ảnh người phụ nữ lam lũ đảm đang, chỉ biết bù đầu với công việc, con cái đã xưa lắm rồi. Con dâu à, mẹ bỉm sữa bây giờ cũng phải xinh đẹp và thời trang nữa đó.
Và thời nào cũng vậy, người phụ nữ luôn là trái tim của gia đình. Vậy nên con phải luôn giữ cho “trái tim” đó ấm áp, nồng nàn, đủ sức sáng và ấm để lan tỏa khắp ngôi nhà nhỏ của con.
Con thấy không, chỉ khi con vui thì gia đình nhỏ của con mới được vui vẻ, ấm áp; ngược lại lúc con buồn thì không khí trong nhà cũng cảm thấy u ám, nặng nề.
Đã bao giờ về quê con để ý và quan sát lũy tre ở quê mình và tự hỏi tại sao những cây tre chỉ sống gần nhau thân mới thẳng? Có khi nào con hỏi tại sao lòng người lại thấy bình yên, thanh thản khi ngồi dưới bóng mát của những tán cây?
Đời cây cũng giống như đời người con ạ. Cái cây hào phóng, vô tư dâng hiến, tĩnh tại lòng mình thì mới có thể mang lại bình yên, làm bóng mát cho con người. Vậy nên cuộc sống của con phải thật an lành, vui vẻ, phải hài lòng thì mới có thể lan tỏa và mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mình và những người xung quanh.
Nhưng không phải lúc nào mẹ chồng cũng đúng. Cũng có những khi bà cư xử không phải với con dâu và bản thân bà cũng nhận ra điều ấy. Tuy nhiên, lòng tự ái, sĩ diện của mẹ chồng không cho phép bà mở lời xin lỗi. Những lúc ấy nét mặt bà buồn buồn như ân hận, rồi bà thở dài, an ủi con dâu mà như nói với chính mình: “Ai cũng phải qua phận làm dâu rồi mới được làm mẹ chồng, con ạ!”
Con dâu thấy lòng mình mềm nhũn, thấy nước mắt ấm bờ mi sau câu nói giản dị mà hàm ý sâu xa đó của mẹ chồng.
Ôi, mẹ chồng yêu quý của tôi!