Nhiều bức xúc của Hà Nội cần giải quyết bằng Luật

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Hà Nội hiện vấp phải hàng loạt bức xúc. Nếu không có quy định ở tầm Luật thì dù thành phố muốn cũng không giải quyết được những vấn đề này.

Nhất trí cao việc phải trao cho Hà Nội những cơ chế đặc thù để Thủ đô giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn tại lâu nay, nhưng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) còn băn khoăn về tính đồng bộ cũng như tính khả thi của các điều luật. Hôm qua, tiếp tục phiên họp thứ 37, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô.

Giữ lại khoản vượt thu: nên giới hạn thời gian

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2010), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô. Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) và các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội nghiên cứu, thảo luận chỉnh lý dự án Luật Thủ đô.

Một trong những cơ chế đặc thù được Chính phủ đề xuất: “Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán...”, theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nếu quy định như vậy thì cần phải cân nhắc đến việc ngân sách trung ương bị thâm hụt một khoản tương ứng, ảnh hưởng tới đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Nhiều bức xúc của Hà Nội cần giải quyết bằng Luật ảnh 1
 

Hơn thế, dự thảo Luật Thủ đô đang quy định theo hướng tăng định mức phân bổ ngân sách cho Hà Nội với những đặc thù là Thủ đô của cả nước, nếu cùng lúc quy định việc giữ lại toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán là không hợp lý, ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình: hiện nay Hà Nội đã được hưởng những “đặc cách” về ngân sách, nếu muốn giữ lại 100% thì nên để Luật Ngân sách điều chỉnh. Theo ông Hiển, đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sẽ tạo nên một “khoảng” để Hà Nội “dễ bề hoạt động”. Do đó, chưa nên đặt ra vấn đề này.

Ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền lại ủng hộ đề xuất của Chính phủ: cần phải ưu tiên cho Hà Nội để phục vụ đầu tư phát triển. Tuy nhiên, ông Hiền cũng lưu ý chính sách này không nên là “mãi mãi” mà nên có thời hạn nhất định, có thể là 10 năm. “Chính sách này chúng ta cũng đã từng áp dụng ở một số khu kinh tế cửa khẩu, và hiệu quả là rõ ràng”, ông Hiền nói thêm.

Bày tỏ quan điểm của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng ủng hộ phần lớn những cơ chế đặc thù (trong đó có giữ lại phần vượt thu) mà dự thảo thể hiện, đồng thời đề nghị cần quy định thêm một số cơ chế tài chính nữa mà vừa qua đã áp dụng cho Hà Nội. “Luật do Nhà nước ban hành, quá trình vận động không hợp lý thì ta sửa đổi, cái gì có lợi cho dân, cho nước thì ta làm chứ đừng nên cứng nhắc”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng ủng hộ cao để Hà Nội giữ lại khoản vượt thu vì theo Phó Chủ tịch “phải đặt Hà Nội trong cơ chế mở, đa chức năng”.

Hạn chế dân cư ở “vùng lõi” là rất nên

Vấn đề quản lý dân cư, trước đây khi đưa ra thảo luận cũng đã nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, trước sức ép về dân số kéo theo hàng loạt vấn đề khác thì cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Và biện pháp hành chính mà dự thảo Luật đưa ra tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong nhưng giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác tại thời điểm này nhằm giảm tải số lượng dân cư cư trú trong nội đô.

Tại báo cáo xin ý kiến UBTVQH hôm qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tập trung 5 nhóm vấn đề: cơ chế, chính sách về quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị của thủ đô; cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính; về cơ chế, chính sách để bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; về vấn đề quản lý dân cư và tiến độ nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nói lại câu chuyện trước đây ta làm Luật Cư trú và tỏ ra lo lắng: “Nếu tự do dễ dãi quá thì sẽ là gánh nặng cho các thành phố lớn nhưng nếu khắt khe quá thì lại “sa” vào chuyện thủ tục cấp giấy cư trú, còn thực tế chỉ cần 2 ngàn đồng thuê một cái chiếu, lao động tự do vẫn có thể “qua đêm” ở Hà Nội”. Ông Vượng băn khoăn về giải pháp này có thực sự giải quyết được tình trạng nêu trên không?.

Trước nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh giải trình thêm: Hà Nội hiện vấp phải hàng loạt bức xúc chưa thể giải quyết được do không có cơ chế. Một số biện pháp mà thời gian qua TP đã làm nhưng cũng chỉ là tình thế. “Nếu như không có quy định ở tầm Luật thì dù thành phố có muốn cũng không giải quyết được”, ông Khanh nói.

Là người từng gắn bó rất lâu với Hà Nội trên cương vị người đứng đầu thành phố này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Những điều ông Khanh nói là rất đúng”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải có Luật Thủ đô và cần thiết phải có những cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý chất lượng của dự Luật để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi.

Bình An

Đọc thêm