Bí thư Hải Phòng nói về dự án bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ: Trách nhiệm trước lịch sử dân tộc

(PLVN) - Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng TP Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2020), Thường trực Thành ủy Hải Phòng vừa “chốt”  danh sách 16 dự án, công trình dự kiến tổ chức khởi công, khánh thành, động thổ, trong đó có Dự án Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. 
Lãnh đạo TP Hải Phòng và các chuyên gia khảo sát thực địa bãi cọc Cao Quỳ.
Lãnh đạo TP Hải Phòng và các chuyên gia khảo sát thực địa bãi cọc Cao Quỳ.

Di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng

Năm 2019, việc phát lộ bãi cọc quý nghìn năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được xem là sự kiện văn hóa - lịch sử nổi bật nhất của TP Hoa Phượng Đỏ. 27 cọc gỗ có niên đại từ thời nhà Trần được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật đã đưa đến lịch sử Việt Nam góc nhìn hoàn toàn mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. 

Ngay sau khi bãi cọc phát lộ, hàng vạn du khách đã tìm về bãi cọc Cao Quỳ để chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, để bảo vệ các hố khai quật và khu vực xung quanh, Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ quan tạm lấp các hố lại. Trước khi san lấp, bãi cọc đã được quét 3D, vẽ lại bình đồ phục vụ nghiên cứu.

Để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích và giáo dục truyền thống dân tộc nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước là rất quan trọng, nên ngày 28/2/2020 vừa qua, tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND TP khóa 15 đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Cận cảnh một cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm, có từ khoảng năm 1288.
 Cận cảnh một cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm, có từ khoảng năm 1288. 

Kỳ vọng di sản văn hóa thế giới

Dự án được coi là những “viên gạch” đầu tiên làm tiền đề triển khai các Dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích bãi cọc Cao Quỳ trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới; định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, QPAN và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khoanh vùng. 

Trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, Hải Phòng định hướng hạn chế phát triển công nghiệp, đô thị có quy mô lớn.

Tuyệt đối không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới; rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ để xác định các di tích liên quan.

Dự án do UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư, được triển khai trên địa bàn hai xã Lưu Kỳ và Liên Khê với tổng mức đầu tư dự án hơn 432 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách TP. Với mong muốn hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến quần thể di tích bãi cọc Cao Quỳ gắn với chiến thắng Bạch Đằng, việc bảo tồn bãi cọc sẽ hoàn thiện các mục tiêu chính gồm xây dựng ranh giới phục vụ nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị quần thể di tích; điều chỉnh các quy hoạch liên quan. 

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Hải Phòng triển khai Dự án khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150 ha và được chia làm hai khu vực. 

Khu vực 1 với diện tích khoảng 15ha là trung tâm bãi cọc Cao Quỳ gồm: đường vào bãi cọc, bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh. Tại đây, điểm nhấn chính là khu trưng bày hiện vật khảo cổ với diện tích 3 ha, bao gồm các hạng mục chính: khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh. 

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ sẽ được thiết kế với hạng mục nổi bật như: cổng chính rộng 20m có trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, hệ thống tường bao tổng chiều dài hơn 700m bằng gạch, mái mũ tường lợp ngói giả cổ. 

Nhà trưng bày là công trình có quy mô 1 tầng, được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống nhưng mang tính thời đại, công năng được tối ưu với tỷ lệ cân đối, hài hòa với không gian chung. Vị trí Nhà trưng bày được bố trí gần ngay phía cổng vào khu di tích nên được sử dụng vật liệu hiện đại, màu sắc phù hợp với công trình văn hóa. 

Nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật được xây dựng để trưng bày những hiện vật khai quật tại chỗ, bảo tồn các dấu tích khai quật, trưng bày sa bàn cảnh quan di tích thu nhỏ; khu chuyên đề về diễn giải lịch sử (chiếu phim tư liệu 3D hiện trạng di tích, phim tư liệu về quá trình khai quật khảo cổ bãi cọc, các tư liệu về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông).

Cách bố trí, trưng bày khoa học về toàn bộ giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ có định hướng sẽ giúp phát huy hết giá trị của di tích, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, du khách. Hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan nằm trong phạm vi nhà mái che. 

Khu vực 2 có diện tích khoảng 135 ha được giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình…

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng 

Theo lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, khu vực bãi cọc Cao Quỳ vốn là cánh đồng, tuyến đường vào nhỏ, dẫn đến việc lưu thông khó khăn, chưa có bãi đỗ xe chuyên dụng. Để bãi cọc Cao Quỳ trở thành di tích lịch sử được nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan thì một trong những quan trọng hàng đầu là phải xây dựng tuyến đường vào bãi cọc. 

Tuyến đường vào bãi cọc được thiết kế với chiều dài 3,48 km, nối QL10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã Lưu Kỳ, Liên Khê. Đường rộng từ 18-22m, trong đó vỉa hè mỗi bên rộng 3-5m. Bãi đỗ xe rộng 1 ha với sức chứa 75 ô tô các loại và 400 xe máy. Toàn bộ tuyến đường trồng cây xanh bóng mát, dự kiến, mỗi bên trồng 1 hàng, loại cây là lim xanh, long não, xà cừ. Toàn bộ mặt bằng bãi đỗ xe trồng lim xanh.

Về lâu dài đây là tuyến đường vành đai phía Bắc TP dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng từ đường tỉnh 359 xã Ngũ Lão qua thị trấn Minh Đức và các xã Gia Đức, Gia Minh, Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Liên Khê, Lại Xuân, điểm cuối nối vào ĐT352 tại xã Lại Xuân (cùng thuộc huyện Thủy Nguyên). 

Tuyến đường xây dựng sẽ góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan, tăng khả năng khai thác cho hoạt động phục dựng khu di tích lịch sử Bạch Đằng, tăng cường du lịch, dịch vụ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và các dịch vụ khác trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quá trình khai quật trên diện tích 950m2, các nhà khảo cổ đã chia thành 3 hố khai quật, phát hiện 27 cọc.
 Quá trình khai quật trên diện tích 950m2, các nhà khảo cổ đã chia thành 3 hố khai quật, phát hiện 27 cọc. 

Là trục đường quan trọng kết nối các khu vực phòng thủ dọc phía Bắc huyện Thuỷ Nguyên, tuyến đường cũng sẽ đáp ứng khả năng độc lập tác chiến cao trong các tình huống có thể xảy ra, góp phần củng cố, tăng cường về QPAN trật tự của khu vực phía bắc huyện Thuỷ Nguyên và Hải Phòng. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định, việc phát hiện khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là việc làm vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều.

Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền TP trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau. Dự kiến, sau khi dự án tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ hoàn thiện, nơi đây sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục và hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Mồ chôn quân Nguyên Mông

Ngày 1/10/2019, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Triệu, một nông dân trong xã, đã phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. Qua khảo sát của Viện Khảo cổ học, các cọc có niên đại tuyệt đối C14 là từ năm 1.270 - 1.430 sau công nguyên.

Ngày 15/11/2019, Sở VH&TT Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.

Ngày 22/11/2019, Bộ VHTT&DL có Quyết định số 4137/QĐ-BVHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ. Quá trình khai quật trên diện tích 950m2, các nhà khảo cổ đã chia thành 3 hố khai quật, phát hiện 27 cọc. 

Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn; mà buộc quân giặc đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân giặc xuống lòng sông, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Đọc thêm