Nuôi thú độc thể hiện bản lĩnh?
Anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ quán cà phê Babo trên đường Hoa Phượng (phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM) là một trong những điểm hẹn của những tay chơi thú cảnh cho biết, hiện nay dân chơi thú cảnh không còn mặn mà với nuôi chó, mèo, cá cảnh... vì nó đã quá phổ biến và họ gọi đó là những con vật truyền thống.
Để tạo nên sự khác biệt, thể hiện bản lĩnh, dân chơi đã chọn nuôi rắn kiểng và trăn ngoại. Nói chung, dân chơi thú cảnh đang “chuyển hướng” sang nuôi những loài động vật tính dữ.
Theo anh Tuấn, thường ngày, dân chơi thú cảnh sẽ tập trung ở quán vào sáng sớm để giao lưu, trao đổi các kinh nghiệm cũng như khoe “độ độc” thú cưng mình có được. Đây là những loài được cho là “độc” và hiếm nhất hiện nay. Chúng có nguồn gốc từ châu Phi hoặc có thể nơi nào đó trên thế giới.
Đáng chú ý, giới nuôi thú cảnh đang chuộng nuôi những loài bò sát lưỡng cư có nguồn gốc nhập ngoại từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết các thú nuôi trong nước không “dễ thương” bằng thú nuôi ngoại. Bởi vậy, nhiều người sẵn sàng chi tiền để tìm được những con vật thoã mãn hai tiêu chí: Đẹp và “độc”, ví dụ như rồng Nam Phi, tắc kè hoa, rắn sữa…
Cũng theo anh Tuấn chủ quán, khoảng vài năm trở lại đây, loại hình nuôi trăn, rắn độc được nhiều bạn trẻ chú ý, nó đã rộ lên thành một trào lưu. Những tay “chơi” thú chuyên nghiệp cho biết,bắt đầu từ một năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn, rắn đặc biệt sôi động hẳn.
Theo họ, nuôi vật thú cưng càng “độc” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thú càng hiếm mới thể hiện được đẳng cấp và được nhiều người ngưỡng mộ. Những tay chuyên sưu tầm thú lạ bật mí: Tùy theo độ tuổi, xuất xứ, chủng loại mà thú sẽ có giá trị khác nhau. Thông thường, bọ cạp giá 40 ngàn đồng/con, nhện độc Nam Phi có giá 500 ngàn đến 4 triệu đồng/con, kỳ nhông xanh giá cao nhất lên tới 5 triệu đồng/con.
Ăn theo “mốt” nuôi thú cảnh là những quán cà phê dành riêng cho giới trong “nghề” và những người yêu thích động vật. Theo quan sát, những quán cà phê này được thiết kế khá đơn giản, tạo không gian tự nhiên để các con thú nuôi có không gian di chuyển, trổ tài.
|
Ăn theo “mốt” nuôi thú “độc” là những quán cà phê phục vụ giới đâm mê thú cảnh |
Những quán cà phê chuyên phục vụ cho giới nuôi thú cảnh chủ yếu hút khách bằng cảm giác lạ với những hình ảnh khá rùng minh như con trăn quấn tròn quanh ly cà phê hay một con rồng Nam Phi nằm chễm chệ giữa bàn đón nhận thức ăn của khách. Tất nhiên các chủ quán cũng giới hạn loài vật nuôi đến quán là những con vật không quá độc và không có khả năng gây nguy hiểm
Kỳ công, nguy hiểm
Anh Thái, một người chơi bò sát có tiếng tại Sài Gòn kể, vật nuôi của mình được nhiều người biết đến thì tiếng tăm người chủ càng vang xa, bạn bè càng nể phục. Để so độ “độc” của thú cưng với nhau, nhiều dân chơi dành cho thú cưng mình những chế độ chăm sóc đặc biệt. Đặc biệt, loài trăn được chăm nuôi rất cầu kỳ và tốn kém. Chẳng hạn như giống trăn, để trăn khoẻ mạnh, người nuôi phải chăm để chúng không bị thương.
Thái chia sẻ: “Trăn một khi bị thương rất khó chữa trị và lâu lành. Nhiều người phải bỏ ra 3 - 4 triệu đồng để mua các loại thuốc đặc trị từ các hãng cung cấp thuốc men cho bò sát như Exo-Terra và Zoo-med”.
Thái cũng khẳng định, trăn là một con vật nguy hiểm, nhất là với những loài trăn ngoại lai nhập từ nước ngoài về, Thái nói: “Nếu quá trình nuôi bị bỏ đói, chúng sẵn sàng lao vào tấn công cả người nuôi hoặc các con vật xung quanh. Bởi vậy cần canh chừng giờ ăn của trăn và cho ăn đủ, đúng bữa”. Thái hiện đang là chủ của một cửa hàng chuyên bán các loại trăn và rồng Nam Phi.
Loại thú nuôi được chuộng hiện nay nữa là rồng Nam Phi có tên quốc tế Savannah Monitor. Rồng Nam Phi là loài có giá đắt hàng đầu hiện nay, từ 3 đến 10 triệu đồng/con. Rồng càng màu sắc lạ thì giá trị giao dịch càng cao. Đặc biệt, với những loài rồng có màu da được biến hóa liên tục để ngụy trang như tắc kè hoa được giới "dân chơi" săn lùng ráo riết.
Nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu để sở hữu một con rồng Nam Phi có khả năng đổi màu. Đẳng cấp của rồng còn phụ thuộc vào gai rồng. Một con rồng Nam Phi "chuẩn" phải thoả mãn điều kiện gai nhiều, mọc đều nhau và không bị gãy. Cũng như lớp da bên ngoài, gai rồng có sự biến đổi màu sắc nên nhiều người nuôi loài thú cưng này cảm thấy thú vị.
Lạ lẫm hơn, bình thường rồng Nam Phi vốn rất hiền lành nhưng đến mùa động đực, hình dáng bên ngoài của chúng biến đổi nhanh chóng, trông rất ghê rợn. Để sở hữu 1 con rồng Nam Phi, nhiều “tay chơi” không ngại lặn lội tới tận biên giới Việt Nam – Camphuchia mua về hoặc có người quen mang về từ Thái Lan.
Một trong những tiêu chí thể hiện đẳng cấp của người chơi thú cảnh đó là khả năng nghe lời chủ nhân của con vật. Và để có được một con trăn biết săn mồi thành thạo, chủ nhân của chúng thường để đói vật nuôi của mình, đồng thời nuôi trăn trong môi trường biệt lập nhằm mục đích khơi dậy bản năng tự nhiên của loài động vật này:
“Giai đoạn đầu nuôi trăn, nếu cho trăn ăn quá nhiều, thức ăn dư thừa sẽ không tốt. Bởi sau đó, chỉ cần quên bữa, chúng sẽ tấn công theo bản năng tự nhiên, gây nguy hiểm cho chính người nuôi. Tôi từng bị trăn cắn trầy da”, “Tùng bò sát” - một "tay chơi" của Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm nhớ đời./.