Thầy giáo Cơ Tu và hành trình đưa học sinh trở lại trường

(PLVN) - Nhận tấm bằng đại học loại giỏi và xung phong trở về với bản làng thân yêu, người thầy Cơ Tu mong sẽ góp phần thay đổi những nếp nghĩ đã ăn sâu trong nhận thức của bà con về cuộc sống khó khăn như một vòng tròn không lối thoát, bắt đầu từ việc gian nan đưa học trò của mình trở lại trường...
Thầy Bnướch Zói và học sinh trong những giờ trang bị kỹ năng sống.

Ngược núi tìm học trò

Gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy Bnướch Zói, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Dang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) là được thấy những nụ cười nở trên môi của học trò, là các em đến trường đầy đủ. Công việc của thầy ngoài lên lớp là vận động, ngăn học sinh bỏ học, vừa truyền cảm hứng tìm con chữ cho đồng bào Cơ Tu nơi rừng sâu, núi thẳm.

Thầy Bnướch Zói chia sẻ, học trò của thầy đa số là người Cơ Tu. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các em được đến trường học tập. Mọi hoạt động ăn ở, sinh hoạt đều diễn ra tại trường, với sự giúp sức của thầy, cô giáo và các cô cấp dưỡng. Ở nơi này, thầy cô vừa là người giảng dạy, vừa là cha mẹ chăm lo từng chút việc cho học trò…

Có những học trò như Arất Quang Nhật, học sinh lớp 7 của trường trở về thăm nhà rồi không ra lại lớp mà không ai biết lý do. Giữa cơn mưa rừng đang xối xuống, thầy Bnướch Zói cùng các đồng nghiệp băng núi tìm đến nhà cậu học trò nhỏ. Thôn Axur (xã Dang), quê của Arất Quang Nhật cách điểm trường gần 30km. Khi ấy vào mùa mưa, tuyến đường vào thôn càng trở nên hiểm trở. Đến nơi, thầy phải chờ đến chiều tối mới có thể gặp cha mẹ em Nhật từ rẫy trở về. Thầy Bnướch Zói rời khỏi làng khi đêm tối mịt mùng, mang theo lời hứa của cha mẹ học trò sẽ đưa con trở lại trường.

Thực tế, Arất Quang Nhật chỉ là một trong số nhiều em học sinh như vậy ở vùng cao này. Không ít học trò của thầy đã bỏ học, lấy vợ, lấy chồng, cuộc sống khó khăn như một vòng tròn không lối thoát. Vài năm trước, Bling Lược, Rađêl Ánh, Cơlâu Sự, Bríu Thạch… những cậu học trò của thầy Bnướch Zói cũng từng có ý định bỏ học. Hoàn cảnh quá khó khăn, phương tiện đi lại không bảo đảm nên phụ huynh “bắt” các em ở nhà phụ giúp việc nhà. Cùng với đó, nhiều bà con vẫn quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm cho con để có thêm người làm việc.

Không quản ngại vất vả, sau các buổi dạy học, thầy Bnướch Zói cùng các đồng nghiệp miệt mài ngược núi, lần lượt đưa học sinh trở lại trường. Phải mất ba chuyến băng rừng, cuộc vận động Bling Lược và nhiều học trò khác mới thành công. Sau quá trình thuyết phục phụ huynh và học sinh, niềm vui lớn nhất của các thầy cô là được chứng kiến hình ảnh từng học trò trở lại trường, cùng ăn ở, học tập và sinh hoạt với bạn bè. Hành trình đưa học trò đến lớp, với thầy Bnướch Zói và nhiều thầy cô khác ở trường như một động lực để tiếp tục công việc gieo chữ. “Chúng tôi xem những chuyến ngược núi để tìm học trò, thuyết phục phụ huynh cho con đến lớp như hành trình thắp sáng ngọn lửa, để ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”, thầy kể.

Nhiều năm qua, hành trình đưa học sinh trở lại trường của thầy Bnướch Zói như một “rào chắn” giảm bớt tình trạng học sinh bỏ học, lấy vợ, lấy chồng, nhưng không phải hành trình vận động nào cũng thành công. Nhiều năm trước, một nữ sinh đang học lớp 8 bất ngờ bỏ về nhà để… lấy chồng. Cả thầy cô, bạn bè và chính quyền địa phương khuyên ngăn, nhưng nữ sinh đó vẫn không chịu đến lớp. Chứng kiến cảnh này, thầy Bnướch Zói luôn thấy day dứt. “Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất bản thân tôi gặp phải nên cảm thấy bất lực khi chính gia đình, người thân ủng hộ việc em ấy đi lấy chồng”, thầy Bnướch Zói bày tỏ.

Không ngừng thắp ước mơ

Thầy kể, năm ngoái, Alăng Thị Hội, học lớp 5 mắc phải chứng bệnh lạ khiến em bị liệt một chân, việc học bị ảnh hưởng. Thương học trò giỏi, siêng năng, thầy Bnướch Zói ngược xuôi đến nhà, tìm cách vận động người thân đưa em đến bệnh viện thăm khám. Lúc đầu, gia đình không đồng ý vì gia cảnh khó khăn, lại đang vào mùa rẫy. Thấy hoàn cảnh em Hội rất đáng thương, thầy Bnướch Zói cố gắng bằng mọi giá phải đưa em đi bệnh viện, càng sớm càng tốt, để bác sĩ thăm khám và điều trị, giúp em tiếp tục trở lại trường. Thầy Bnướch Zói cùng thầy hiệu trưởng cũ là thầy Nguyễn Như Thọ kết nối hỗ trợ một phần kinh phí giúp học trò trong suốt thời gian điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.

Là thầy giáo Tổng phụ trách, thầy Bnướch Zói đã tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, hoạt động vui chơi giúp học sinh hào hứng hơn khi ở lại trường. Năm học 2022 - 2023, thầy Bnướch Zói là một trong số giáo viên Tổng phụ trách Đội toàn quốc được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Thầy còn kết nối với Hội khuyến học xã Dang xét chọn học bổng cho các em học sinh khó khăn, nguy cơ bỏ học để động viên, khuyến khích các em yên tâm học tập. Đầu năm học vừa rồi, thầy Bnướch Zói kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 10 triệu đồng cho quỹ học bổng đến trường, xét tặng học sinh khó khăn…

Thầy Bnướch Zói lớn lên trên mảnh đất xã Dang nghèo khó nhất của huyện Tây Giang (Quảng Nam), nhà cách trung tâm huyện khoảng 16km. Thầy Bnướch Zói mất cha từ nhỏ, gia đình lâm vào cảnh khó khăn khi người mẹ phải nuôi 7 người con. Nhưng Bnướch Zói chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải bỏ học. Miệt mài đèn sách, lúc trúng tuyển đại học, mẹ thầy phải bán đi 2 con bò giống để lo tiền cho con đến trường… Năm 2015, cầm tấm bằng đại học, thầy vô cùng hạnh phúc vì được nhận công tác tại quê hương mình. “Thầy đã từng rất khó, rất khổ, hơn các em bây giờ. Thầy hiểu hết. Quan trọng là ở quyết tâm của chính mình, ở sự cố gắng, nỗ lực của mình. Các em ở trường, còn có các thầy, các cô, có rất nhiều người luôn đồng hành và ủng hộ. Mình không thể lựa chọn được nơi mình sinh ra, không lựa chọn được hoàn cảnh của mình, nhưng ước mơ và quyết tâm là do chính mình chọn. Các em không bao giờ đơn độc” - là những tâm sự chân thành của thầy với học trò sau những buổi học.

“Dù đã có nhiều thành công được ghi nhận, tôi vẫn muốn cống hiến nhiều hơn thế. Tôi muốn các thế hệ con em của mình đều có một nền móng tốt để hoàn thiện bản thân. Xa hơn là các em tự tin hòa nhập, trang bị những kỹ năng cần thiết nhất, giúp các em phát triển với xu thế chung của đất nước. Đến nay, khó khăn nhất mà tôi nhận thấy là kỹ năng ngôn ngữ của các em hạn chế rất nhiều. Bởi các em sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau mà không dùng tiếng phổ thông. Khả năng tự tin nói chuyện trước đám đông của các em chưa được hình thành, ngay cả khi giao tiếp với thầy cô các em còn rụt rè. Cũng may mắn bản thân tôi cũng là người địa phương, nên nhiều lúc tôi phải sử dụng phương pháp “song ngữ” để giải thích cho các em hiểu, truyền đạt cho các em những kỹ năng cơ bản nhất của cuộc sống, cũng như tuyên truyền cho các em về pháp luật, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thế nhưng, đó cũng là điều hạn chế vì tôi sợ các em quen và không chịu giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Do đó, tôi đã có sáng kiến để đưa tiếng Việt đến được với các em thật dễ hiểu, dễ nhớ. Và làm sao để góp phần lan tỏa năng lượng, giúp các em có bàn đạp vững chắc để các em vững vàng ở những bậc học cao hơn”, thầy giáo người Cơ Tu Bnướch Zói chia sẻ.

Đọc thêm