Tòa tỉnh phải “gánh” khiếu kiện liên quan đến cấp huyện

(PLO) - Thực tế Tòa án cấp huyện “rất ngại”, thậm chí “rụt rè” khi xét xử những khiếu kiện đối với các quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND hay Chủ tịch UBND cùng cấp.
Đây là một trong những vấn đề “nóng” mà đại diện nhiều cơ quan tham dự cuộc họp của Ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) sửa đổi chiều 14/1 cho rằng cần được giải quyết dứt điểm trong Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong công tác xét xử các vụ án hành chính. 
“Gỡ khó” cho Tòa cấp huyện
Theo đánh giá của TANDTC, qui định của Luật TTHC về thẩm quyền xét xử của từng cấp tòa án chưa thực sự hợp lý, quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng chưa đầy đủ, qui định về nội dung, đặc điểm của quyết định hành chính (QĐHC) chưa rõ ràng dẫn đến việc đánh giá, nhận diện QĐHC có thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không còn có những cách hiểu và vận dụng khác nhau… khiến công tác xét xử các vụ án hành chính của TAND ba năm qua chưa đáp ứng được mong đợi của người dân và toàn xã hội.
Vì thế, sửa đổi Luật TTHC lần này, TANDTC đề nghị mở rộng thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính để tiếp tục thể chế hóa định hướng của Đảng về cải cách tư pháp và yêu cầu kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền hành pháp và tư pháp; đồng thời để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Nhưng để đảm bảo không khởi kiện tràn lan và hoạt động tư pháp không can thiệp vào hoạt động quản lý, điều hành nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thì loại trừ các QĐHC, hành vi hành chính (HVHC) mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao khỏi đối tượng khởi kiện hành chính.
Từ phạm vi các QĐHC, HVHC thuộc thẩm quyền xét xử của TAND theo thủ tục TTHC đặt ra vấn đề thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh đối với các QĐHC, HVHC của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Do lo ngại “Tòa án cấp huyện phụ thuộc vào quan hệ hành chính với chính quyền địa phương” nên đa số chuyên gia đồng tình với Dự thảo Luật “chuyển các QĐHC, HVHC của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai cho TAND cấp tỉnh giải quyết” để đảm bảo tính khách quan và khả thi.
Ông Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ra thực tế, Tòa án cấp huyện “rất ngại” xử những khiếu kiện đối với các QĐHC của UBND cùng cấp. Tuy nhiên, “nếu chỉ bó hẹp trong các QĐHC trong lĩnh vực quản lý đất đai, nghĩa là TAND vẫn xét xử các QĐHC, HVHC khác của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện thì vẫn chưa đảm bảo tính khách quan, độc lập của TAND cấp huyện trong TTHC” – ông Tỵ nhận định. Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thu Ba – Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư đề nghị: “Nên để TAND cấp tỉnh giải quyết tất cả các khiếu kiện về QĐHC, HVHC của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện, không hạn chế trong các QĐHC liên quan đến đất đai”.
Thu lệ phí mà không đảm bảo thời hạn xem xét thì rất phản cảm
 Trong khi một thành viên của Tổ Biên tập cho rằng qui định về lệ phí xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có ý nghĩa buộc đương sự “cân nhắc trước khi kháng nghị” và đó là khoản người dân “đỡ” một phần kinh phí cho Nhà nước khi xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, QĐHC thì nhiều ý kiến nhận thấy “qui định đương sự đề nghị phải nộp lệ phí sẽ hạn chế quyền của đương sự”. 
Theo đó, việc xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là nhiệm vụ, quyền hạn của người có quyền kháng nghị nhằm khắc phục những vi  phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án của Tòa án. Đơn đề nghị của đương sự là một kênh giúp cho người có quyền kháng nghị trong việc phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì thế, không nên qui định thu lệ phí này. 
Thực tế, thời gian qua, rất nhiều đơn kháng nghị bị “ùn, đọng” vì TANDTC không thể đảm bảo thời hạn xem xét kháng nghị theo qui định nên một số ý kiến đề nghị cân nhắc về qui định này vì người dân đã đóng thuế “nuôi” bộ máy nhà nước, nếu Tòa án giải quyết chưa thỏa đáng khiếu kiện của dân, bị kháng nghị thì “phải giải quyết chứ không cần phải đòi dân nộp lệ phí kháng nghị” – bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh. Bên cạnh đó, “nếu không đảm bảo thời hạn giải quyết kháng nghị mà thu lệ phí xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là rất phản cảm. Nếu qui định thu lệ phí thì phải qui định rõ thời hạn xem xét và xem xét liệu có làm được không” – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm