Theo hãng AFP, có một xu hướng khá thú vị đang nổi lên tại Trung Quốc, đó là việc nhiều phụ nữ độc thân thuê bạn trai ảo trên mạng trực tuyến. Những người bạn trai này chỉ đóng vai trò chia sẻ về mặt cảm xúc thay vì có các hoạt động khác liên quan đến tình dục. Xu hướng kỳ lạ trên đang nở rộ ở nhóm phụ nữ thành công và đang tìm kiếm những đối tác lãng mạn để trò chuyện cho bớt cô đơn. Họ là những người ưu tiên cho sự nghiệp trước khi muốn tìm một bến đỗ cuối cùng của đời mình.
Bỏ tiền tìm “bạn trai ảo”
Robin (19 tuổi) là một nữ sinh trường y ở Trung Quốc. Mỗi ngày cô dành hàng giờ đồng hồ dể nói chuyện trực tuyến với một chàng trai trẻ, người luôn lắng nghe mọi vấn đề mà cô đang gặp phải. Nhưng điều kỳ lạ là đó không phải là người yêu của Robin, mà cô phải trả hơn 1.000 tệ (3,3 triệu đồng) để người bạn trai này lắng nghe chuyện của mình.
Ngoài ra, người bạn trai này có trách nhiệm, từ việc gọi điện đánh thức Robin hàng sáng đến tâm sự, rồi trò chuyện qua video mỗi tối cho đến khi đi ngủ. “Nếu có người chịu ở bên tôi và nghe tôi giãi bày tâm sự, tôi sẵn sàng bỏ tiền”, Robin chia sẻ.
Tương tự như vậy, cô Lisa - Giám đốc điều hành của một công ty tại Thượng Hải đã thuê “bạn trai ảo” với mong muốn có những câu chuyện lãng mạn qua tin nhắn. “Dịch vụ này khiến tôi cảm nhận được những cảm xúc trong tình yêu và khiến bản thân mình đang được yêu, nhưng lại không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Vì tôi chỉ bỏ tiền ra để mua một dịch vụ nên tôi không cảm thấy có lỗi gì với con người thật”, cô nói.
Không chỉ Robin và Lisa, ở Trung Quốc, với những phụ nữ có thu nhập trung bình trở lên, những người muốn tập trung cho sự nghiệp thay vì lập gia đình sớm, “bạn trai ảo” trở thành sự lựa chọn mới và ngày càng trở nên phổ biến.
Giờ đây người ta có thể dễ dàng tìm thấy trên các ứng dụng chơi game, tin nhắn WeChat hoặc các trang thương mại điện tử như Taobao các cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ “bạn trai ảo”.
Nhiều người làm bạn trai ảo cho hay, hầu hết khách hàng của họ là những cô gái độc thân ở trong độ tuổi 20 với thu nhập chưa ổn định hoặc những phụ nữ độc thân có công việc ổn định, nguồn thu nhập đủ thừa chi tiêu cho bản thân. Nhu cầu của họ cũng khác nhau, có người chỉ cần khuyên nhủ, tâm sự đơn thuần, một số khác thì muốn cuộc trò chuyện thực sự mùi mẫn và lãng mạn như cặp đôi yêu nhau thực sự.
Nhiều cặp đôi trò chuyện lãng mạn, mùi mẫn như yêu nhau (Ảnh minh họa) |
Anh Zhuansun Xu (22 tuổi) sống tại Bắc Kinh. Ban ngày anh là một giao dịch viên ngoại tệ, nhưng đến tối anh trở thành là một trong số những người đang làm nghề “bạn trai ảo” trên mạng xã hội, chat với các khách hàng nữ.
Anh thường vừa chơi game vừa nói chuyện với bạn gái ảo của mình qua điện thoại. Công việc này giúp anh kiếm thêm tiền ngoài giờ mà không hề mệt mỏi hay căng thẳng. “Trong lúc trò chuyện, tôi luôn tự nhủ: Tôi là bạn trai của cô ta, làm sao để cô ấy vui? Nhưng chỉ cần khi cuộc gọi kết thúc, suy nghĩ đó cũng dừng theo, bởi tôi không hề phát sinh tình cảm với cô ấy”.
Giá của dịch vụ “bạn trai ảo” rơi vào khoảng từ vài tệ cho nửa giờ nhắn tin, đến vài nghìn tệ để có một người gọi điện trò chuyện, tâm sự và nghe giải tỏa suốt 1 tháng. “Mọi người đã tìm ra cách thức để thương mại hóa tình cảm. Đây là một kiểu phụ nữ mới chưa từng có tại Trung Quốc”, Chris Tan - trợ lý giáo sư tại Đại học Nam Kinh đang nghiên cứu về hiện tượng này cho hay.
Về lý do loại hình này phát triển, nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ Trung Quốc đã đánh đổi những mối quan hệ thời trẻ cho công việc và học tập. Sau khi rời đại học, áp lực công việc đè nặng lên vai. Có nhiều tiền nhưng thời gian hạn hẹp, ít mối quan hệ trong quá khứ khiến họ sẵn sàng trả tiền cho những người bạn trai “mì ăn liền”.
Ý kiến khác cho rằng, trước đây nếu quan điểm truyền thống, kết hôn là chuyện bắt buộc phải làm đối với phụ nữ trong xã hội gia trưởng Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách một con được áp dụng từ năm 1979 đã tạo ra một thế hệ phụ nữ “tháo vát và tự tin” hơn.
Với quan niệm trọng nam khinh nữ, nhiều gia đình đã phá thai để chọn giới tính khiến tỷ lệ nam nữ ở Trung Quốc bị mất cân bằng giới tính. Vào năm 2018, tỷ lệ này có mức chênh lệch cao nhất thế giới, với 114 bé trai trên 100 bé gái. Chính sách này đã thay đổi hình mẫu về gia đình của họ. Thậm chí, nhiều cha mẹ sinh con gái nhưng lại nuôi dạy họ “giống hệt như con trai”.
Theo cô Roseann Lake, tác giả của một cuốn sách về phụ nữ chưa chồng ở Trung Quốc chia sẻ: “Tất cả những gì người đàn ông cần có - nhà cửa, tiền bạc - cũng là những thứ cha mẹ Trung Quốc muốn có ở con gái họ”.
Phụ nữ làm chủ tất cả
Trong báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018, Trung Quốc xếp thứ 103 trên tổng số 149 quốc gia có sự chênh lệch nam nữ nói chung. Tuy nhiên, quốc gia này đã leo lên vị trí thứ 86 trong bảng xếp hạng về cơ hội và sự tham gia vào hoạt động kinh tế của phụ nữ.
Sở dĩ tình trạng phụ nữ tìm kiếm bạn trai ảo qua mạng ngày càng nhiều tại Trung Quốc là vì sự tiến bộ của phụ nữ. Khi điều kiện kinh tế tốt hơn, phụ nữ càng ngại kết hôn. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, năm 2018 tổng cộng chỉ có 10,14 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm 4,6% so với năm 2017.
Còn theo Cục thống kê quốc gia, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm xuống trong 5 năm qua. Năm ngoái, tỷ lệ này là 7,2 trên 1.000 người. Xu hướng này tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2019 khi thế hệ trẻ không muốn kết hôn. Suy nghĩ ngại kết hôn ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đau đầu.
Và khi những nhu cầu cơ bản được đảm bảo, phụ nữ cũng tìm cách để thỏa mãn nhu cầu về cảm xúc. Cuộc sống bận rộn ở các thành phố lớn đã khiến nhiều phụ nữ bị cô lập. Hầu hết họ dành những năm tháng thiếu niên cho việc học hành để thi vào đại học và không có thời gian để phát triển những mối quan hệ bên ngoài trường học.
Dù có được một cuộc sống sung túc về mặt vật chất nhưng nhiều phụ nữ ở thành thị đang rơi vào tình cảnh cô đơn. Việc thuê bạn trai ảo là cơ hội để họ trải nghiệm tình yêu và cảm giác lãng mạn mà không cần phải có những mối tình rắc rối.
Đối với Robin và Lisa, những người bạn đồng hành ảo luôn hấp dẫn vì đó là những mối quan hệ rất thoải mái mà không ràng buộc. “Nếu tâm lý tôi bị căng thẳng, một số người sẽ nghĩ tôi đang quan trọng hóa vấn đề. Nhưng vì tôi đã trả tiền cho bạn trai ảo nên họ phải động viên tôi”, Robin nói.