Tuổi già, ở nhà trông cháu cũng là niềm vui

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người già thường ăn ngủ ít, ngày và đêm cũng dường như càng dài hơn, nếu như bận bịu chăm sóc cháu thì thời gian sẽ trôi nhanh, chẳng còn thời gian nghĩ ngợi, buồn phiền.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

* Trẻ nuôi con, già chăm cháu, niềm vui hay nỗi khổ của người già?

Lấy sự lo toan cho con cháu làm niềm vui

Sau khi bài viết “Trẻ nuôi con, già chăm cháu, niềm vui hay nỗi khổ của người già?” đăng trên báo Câu chuyện Pháp luật, nhiều bạn đọc đã gửi tâm tư, chia sẻ của mình tới Tòa soạn. Báo Câu chuyện Pháp luật xin được trích đăng một số chia sẻ của bạn đọc. 

Bà Nguyễn Thị Huệ (62 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, có thể đối với nhiều người, nghỉ hưu xong phải chăm cháu là cực nhọc và mệt mỏi, nhưng với tôi, đó là niềm hạnh phúc. Vợ chồng tôi đều lấy sự vất vả, lo toan cho con cháu làm niềm vui.

Tôi có hai người con trai, cháu lớn đã lập gia đình có một con trai hơn 2 tuổi, con thứ 2 mới ra trường được vài năm, chưa lập gia đình. Hiện cả gia đình con trai cả và con trai thứ đều ở cùng vợ chồng tôi. Nhà tôi tương đối rộng nên mọi sinh hoạt trong nhà không hề cảm thấy gì bí bách hay chật chội.

Buổi sáng, tôi xách làn đi chợ, nấu cơm cho cả nhà rồi giặt quần áo, nhưng riêng quần áo của cháu, tôi đều tự tay giặt riêng. Khi tôi đi chợ thì chồng tôi trông cháu. Cảm giác mỗi khi đi chợ về có cháu chạy ùa ra đón, ôm, thơm má thật là hạnh phúc. Vì ý thức cần phải thiết lập giờ giấc ăn ngủ khoa học cho cháu nên vợ chồng tôi cũng sinh hoạt rất điều độ, sáng 6 giờ dậy, trưa 11 giờ ăn cơm, bữa tối thì cả nhà quây quần. 

Nhiều người hỏi tôi cả ngày “quanh quẩn” ở nhà trông cháu có chán không? Câu trả lời là không! Mỗi giây phút tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc. Hai vợ chồng tôi nghĩ ra các trò vận động cho cháu, từ đó ông bà cũng được tập thể dục luôn nên không lo bị “ì” khi ở nhà cả ngày. Đến chiều chiều chúng tôi cho cháu ra sân chơi của khu, cháu đạp xe còn ông bà đi thể dục, găp gỡ bạn bè rất vui. 

Do chúng tôi chăm cháu tốt nên cháu tăng cân đều, ngoan ngoãn nên vợ chồng con trai tôi yên tâm đi làm. Tôi cũng thường xuyên lên mạng đọc sách nuôi dạy trẻ nhỏ, vì thế mà tôi và con dâu rất đồng lòng trong việc chăm cháu, không hề có sự khác biệt giữa hai thế hệ như nhiều người vẫn nói. Mối quan hệ giữa tôi và con dâu rất tốt, giống như mẹ và con gái, có thể tâm sự rất nhiều điều. Tôi cảm thấy việc được chăm cháu là niềm hạnh phúc của tuổi già.

Gia đình tôi dự định khi cháu được 3 tuổi sẽ cho đi học mẫu giáo, chắc hẳn chúng tôi sẽ rất buồn, vì cả ngày sẽ không biết làm gì cho thời gian trôi đi. Tôi cũng đang xem xét mấy câu lạc bộ của người già để xin tham gia, như thế chúng tôi vẫn có thời gian cho bản thân mà cũng vẫn được ở bên cạnh và chăm sóc con, cháu mình.

Tuổi già hiu quạnh chốn quê

Có những gia đình nơi chốn quê, khi về già tưởng chừng sống vui vẻ, an nhàn bên con cháu. Thế nhưng hiện có rất nhiều ông bà, cha mẹ phải sống tuổi già trong cô độc, xế bóng thiếu vắng con cháu. Gia đình bà Phan Thị Quế (Phú Thọ) là một điển hình như thế.

Bà Quế chia sẻ, hai vợ chồng bà đều là cán bộ nghỉ hưu, năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông bà sinh được hai người con, một trai, một gái, cả hai đã lập gia đình nhưng đều đi làm ăn xa. Ngôi nhà của ông bà thuộc dạng to nhất nhì trong làng, nằm trong khu vườn đầy cây trái, nhưng lại cảm giác rất lạnh lẽo.

“Về vật chất, chúng tôi không thiếu thốn gì, nhưng thấy cuộc sống tuổi già nhiều khi buồn quá. Các con tôi đều đã trưởng thành, con trai lớn lập nghiệp ở Hà Nội, công việc và gia đình đều ổn định. Con trai tôi cũng ngỏ ý muốn bố mẹ xuống sống cùng nhưng thật sự, nhiều lần xuống nhà con chơi, chúng tôi đều cảm thấy khó thích ứng được cuộc sống nơi thị thành chật chội, thiếu không gian, vì thế vợ chồng tôi quyết định sống ở quê”, bà Quế cho biết.

Đứa con gái duy nhất của bà đi lao động, làm việc ở nước ngoài rồi lấy chồng, lập nghiệp, định cư luôn ở nước ngoài.

Bà kể, cứ cách đôi ba tháng là các con từ Hà Nội hay ở nước ngoài lại gửi tiền, sữa hộp về nhưng tuổi già tiêu xài nào có bao nhiêu, chỉ khoản tiền lương hưu của ông nhà, tiền trợ cấp thương bệnh binh hằng tháng cũng đủ để bà gói ghém, chi tiêu cho hai ông bà già ở quê. Các khoản tiền con cái gửi về biếu bà cứ để dành phòng lúc ốm đau hoặc cho con cháu sau này.

Nỗi cô đơn của người già khi vắng con cháu.
Nỗi cô đơn của người già khi vắng con cháu.  

Ngôi biệt thự nhỏ ba tầng này ông bà xây dựng từ tiền bán đất với mục đích để cho con cháu sau này về ở, nhưng "người tính đâu bằng trời tính", mấy người con bà lập nghiệp ở xa hết, không đứa nào chịu về quê. 

Ngày tết, có năm vợ chồng con cái con trai bà chỉ đảo về mấy ngày trước Tết rồi cả nhà kéo nhau đi du lịch, con gái bà thì ở đất khách quê người, thi thoảng vài năm mới bay về Việt Nam một lần. Vì thế, có những năm Tết chỉ có hai ông bà già lủi thủi với nhau. Nghe tiếng nhà bên rộn ràng tiếng trẻ nhỏ mà “thèm”. 

Nhiều người trong làng nói ông bà quá sung sướng, con cái đều trưởng thành, giàu có, vật chất không phải lo lắng gì. Nhưng mấy ai biết được, trong lòng vợ chồng bà cũng có những nỗi buồn.

Khi con dâu mang bầu và chuẩn bị sinh cháu, bà cũng ngỏ ý muốn xuống giúp con trông cháu đến khi cháu cứng cáp để vợ chồng con yên tâm đi làm. Nhưng con trai bà lo bà vất vả, không quen nếp sống ở thành phố, lại lo ông ở nhà một mình buồn, nên chủ động thuê giúp việc ngay từ khi vợ mang bầu. Vì thế, khi bà xuống để chăm cháu lại chẳng có việc gì làm, động đến làm gì, con dâu đều bảo “mẹ nghỉ ngơi đi không mệt”. Muốn bế cháu đỡ thì các con lo mẹ đau lưng, bà ở nhà con 1 tháng mà cảm thấy mình như “người thừa”, lại khăn gói quần áo về quê.

Con gái bà khi sinh con, ông bà cũng sang nước ngoài thăm một thời gian, nhưng nếp sống bên đó đều tự lập, con rể cũng không muốn bà phải ở xứ lạ trông cháu vì hai vợ chồng đều lo được. Thế là ông bà ở chơi một vài tháng rồi lại về.

“Nhiều người nói chăm cháu mệt, vất vả... nhưng tôi chỉ mong được trông cháu, được vất vả mà còn không được. Các con lo chúng tôi vất vả, nào có hiểu được, ở tuổi già, được quây quần, lo lắng từng bữa cơm, chiếc áo mặc cho cháu mới là niềm hạnh phúc. Ai cũng nghĩ vợ chồng tôi sung sướng, nhưng thực chất lại chẳng hề thấy vui”, bà Quế chia sẻ.

Trong thực tế có hoàn cảnh, nhiều cặp vợ chồng khi già yếu, ốm đau phải sống trong cảnh hiu quạnh, cô độc, không có người trông nom, chăm sóc. Bởi con cháu họ đi làm ăn xa hoặc lập nghiệp ở tận thành phố hay ra nước ngoài làm việc rồi kết hôn, sinh sống luôn ở nước ngoài. 

Có nhiều người con khi xa nhà, xa gia đình, xa quê hương thường có quan niệm và cho rằng, nếu không có điều kiện ở với cha mẹ hoặc không thường xuyên về thăm nhà, thăm cha mẹ thì có thể báo hiếu bằng cách hằng tháng gửi quà, gửi tiền về quê nhà cho ông bà, cha mẹ già. Đó cũng là cách sẻ chia, báo hiếu, làm tròn bổn phận, trách nhiệm để cho cha mẹ được đủ đầy.

Thế nhưng, có mấy ai biết và hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, nhất là của những người già khi họ đã xế bóng, ngoài nhìn con cháu trưởng và hạnh phúc, người già luôn cần con cháu bên cạnh. Họ cần một không khí gia đình đúng nghĩa hơn là tiền bạc được gửi đều đặn hằng tháng. Cha mẹ già cần nhìn thấy con cháu sum họp đầy đủ trong những ngày lễ Tết.  Đó là niềm vui, hạnh phúc, sợi dây gắn kết tình cảm và sự quan tâm, sẻ chia lúc tuổi già.

Đọc thêm