Vị “thủ lĩnh” của người khiếm thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mất đi đôi mắt sau trận ốm thập tử nhất sinh ở tuổi 30, người chiến sĩ công an phải từ bỏ ước mơ, bắt đầu cuộc sống với đôi mắt không còn thấy ánh sáng. Nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã phấn đấu vượt lên số phận, trở thành “thủ lĩnh” của người khiếm thị.
“Thủ lĩnh” Vũ Xuân Trường kể lại những ngày tháng chồng chất khó khăn.
“Thủ lĩnh” Vũ Xuân Trường kể lại những ngày tháng chồng chất khó khăn.

Bi kịch chồng bi kịch

Chiều mưa Đà Lạt, màn sương bắt đầu dày hơn, lạnh hơn khiến cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội người mù Lâm Đồng càng thêm ấm áp. Ở thành phố sương mù – Đà Lạt, anh còn được biết đến với những danh xưng như “thủ lĩnh người mù”, “kỳ nhân”, người đàn ông tàn nhưng không phế, là tấm gương vượt lên số phận đáng khâm phục. 

Lúc chúng tôi đến phòng làm việc, anh Trường vẫn đang bận rộn bàn tính với nhóm thợ xây dựng về phương án trùng tu cơ sở massage của hội người mù để sớm đưa vào hoạt động vài tuần tới. Xong xuôi mọi việc anh chậm rãi bước vào phòng, mở cửa kéo ghế tiếp khách. Niềm nở mời khách ngồi, anh chia sẻ tới đây cơ sở massage được mở rộng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho thành viên trong hội người mù tỉnh. “Khi đó các anh em sẽ không phải lang thang ngoài xã hội kiếm sống vất vả nữa, thu nhập cũng ổn định hơn so với bán vé số, hát dạo, lại giảm tới ”, anh nói.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục đứt quãng bởi điện thoại Chủ tịch Hội người mù liên tục đổ chuông. Lúc thì anh giải đáp chính sách về quyền lợi người khiếm thị, lúc lại quay ghế sang máy tính trả lời email…Nhìn những thao tác thành thục đó, không ai tin rằng anh là người khiếm thị. “Vậy mà 29 năm rồi, lúc tôi ngã bệnh vợ chuẩn bị sinh con thứ hai, nay cháu nó lập gia đình, con cái đề huề rồi, nhanh quá, mọi thứ rồi cũng ổn”, người đàn ông tự động viên.

Anh Trường sử dụng thành thạo máy vi tính cập nhật thông tin hàng ngày.
Anh Trường sử dụng thành thạo máy vi tính cập nhật thông tin hàng ngày. 

29 năm trước, Vũ Xuân Trường (SN 1964) là chiến sĩ quân đội. Năm 1987 anh chuyển ngành sang công an, thuộc biên chế công an tỉnh Lâm Đồng, đeo hàm thiếu uý. Người chiến sĩ trẻ hừng hực khát khao cống hiến, không quản chặng đường nào, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Để phục vụ tốt hơn cho công việc, anh theo học hệ đào tạo từ xa của trường Đại học luật TP HCM.

Có thể nói ở tuổi 30, mọi thứ với Vũ Xuân Trường tương đối mỹ mãn: công việc ổn định, chuẩn bị thăng quân hàm lên Trung uý, vợ chuẩn bị sinh con thứ hai…Thế nhưng cuộc đời khó ai nói trước điều gì, bất hạnh ập đến với người chiến sĩ trẻ quá nhanh, quá đột ngột, chỉ sau một trận sốt. 

Đó là những ngày sau Tết Nguyên Đán năm 1993, Vũ Xuân Trường vừa hoàn thành ca trực đêm trở về. Anh bỗng thấy trong người mệt mỏi, cơ thể nóng ran. Cứ nghĩ đó là bệnh thời tiết cảm lạnh thông thường nên anh uống thuốc và nằm ở nhà nghỉ ngơi. 3 ngày sau, tình trạng bệnh không thuyên giảm, gia đình chuyển anh đến bệnh viện, bác sĩ tiêm thuốc giảm đau hạ sốt. Lúc này, toàn thân Trường đỏ tấy phổng rộp và rơi vào hôn mê sâu. Anh không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, mãi sau này mới nghe bác sĩ nói bị Hội chứng Steven-Johnson. Đây là một dạng phản ứng dị ứng, thường là dị ứng với thuốc, ít gặp nhưng rất nguy hiểm.

Tỉnh lại sau gần một tháng mê man, toàn cơ thể Trường là một cái bọng nước, đầu rụng sạch tóc. Nhưng khủng khiếp nhất là đôi mắt không nhìn được nữa. Lúc này, con trai đầu lòng mới 3 tuổi, vợ sắp đến ngày sinh bé thứ 2, bất hạnh chồng chất bất hạnh.

Vượt lên nghịch cảnh

Suốt 5 năm trời đi khắp các bệnh viện từ Bắc chí Nam nhưng bác sĩ không thế trả lại đôi mắt lành lặn cho Trường. Một ngày tháng 6/1998, tại Viện mắt Trung ương (Hà Nội), vị bác sĩ điều trị chính đến bên giường bệnh, nắm lấy tay anh rủ rỉ tâm tình, chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống. Và cuối cùng, bà “chốt” lại một lời: “Thôi, cậu về tìm công việc khác làm đi”. 

Biết chắc đã hết hy vọng sáng mắt trở lại, Trường chết lặng, suy sụp, mất hết niềm tin. Sự nghiệp, công việc học hành coi như chấm dứt. Nhưng lo lắng lớn nhất là làm gì để không trở thành gánh nặng gia đình, làm gì để phụ giúp vợ con? Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu khiến Vũ Xuân Trường không biết bao lần ôm mặt khóc. 

Chủ tịch Hội người mù Lâm Đồng cùng các thành viên sinh hoạt tại Hội.
 Chủ tịch Hội người mù Lâm Đồng cùng các thành viên sinh hoạt tại Hội.

Nhưng rồi nghĩ đến đứa con sắp chào đời, nghĩ đến gia đình, Trường tự nhủ phải làm quen với cuộc sống mới: Sống chung với bóng đêm. “Tôi bắt đầu tập dò dẫm định hướng di chuyển, tập quét nhà, trông con nhỏ, giặt quần áo phụ vợ. Cả gia đình lúc này chỉ trông chờ vào sạp hàng thịt của vợ ngoài chợ”, anh nhớ lại.

Kiên trì suốt 3 năm ròng, từ năm 1998 đến năm 2000 thì Vũ Xuân Trường mới quen với cuộc sống của người khiếm thị. Thế nhưng suốt ngày ở nhà cũng chán, anh thường xuyên nghe đài, tìm kiếm thông tin về những người cùng cảnh ngộ. Anh động viên bản thân: “Đặc biệt những lần đi viện tái khám, tôi mới biết nhiều người bị mù bẩm sinh từ nhỏ. So với họ tôi vẫn may mắn hơn nhiều”.

Không để bản thân nhàn rỗi, Xuân Trường bắt học tìm tòi tự học chữ nổi, học sử dụng máy vi tính để giao tiếp với thế giới xung quanh. Và đặc biệt là tiếp tục sự nghiệp học hành: “Ngày bị mù phải điều trị là lúc tôi đang học năm thứ 3 Đại học luật TP HCM. Năm 2005 tôi tiếp tục theo học trở lại, đến năm 2008 thì hoàn thành chương trình cử nhân luật”, anh kể.

Càng khâm phục hơn khi biết rằng Xuân Trường đã hoàn thành chương trình đào tạo luật sư năm 2011 nhưng vì sức khoẻ không cho phép (suy giảm 90% sức khoẻ) nên anh không thể thực hiện được ước mơtrở thành một luật sư. Thế nhưng với vốn kiến thức pháp luật của mình, vị Chủ tịch Hội người mùcòn được biết đến là chuyên gia tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật.

Không khí yên bình, ấm cúng tại Hội người mù tỉnh Lâm Đồng - nơi cưu mang những mảnh đời kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.
Không khí yên bình, ấm cúng tại Hội người mù tỉnh Lâm Đồng - nơi cưu mang những mảnh đời kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với đó, Vũ Xuân Trường bắt đầu hành trình tìm hiểu xem trên địa bàn Lâm Đồng có bao nhiêu người khiếm thị, cuộc sống của họ ra sao thì mới biết Lâm Đồng chưa có hội người mù. Anh lên ý tưởng thành lập Hội người mù tỉnh để tập hợp những người cùng cảnh ngộ, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Ý tưởng này ra đời khi một lần anh nghe đài, biết rằng nhiều tỉnh thành trên cả nước có Hội người mù như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai…đã giúp đỡ người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống.

Qua kết nối của ngành Lao động thương binh và Xã hội, anh tìm được 7 người mù tại Đà Lạt và xin phép chính quyền thành lập Ban vận động thành lập Hội người mù từ tháng 8/2001. Nhớ lại những ngày đầu vận động thành lập Hội người mù, anh Xuân Trường vẫn không thể tin được kế hoạch ấy lại thành công. 

Những con đường quanh co đèo dốc, những ngôi làng của người đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên nằm sâu thăm thẳm trong những cánh rừng. Để di chuyển ở địa hình như thế, với người bình thường mắt sáng đã là khó khăn, vất vả thì với người mù là một thử thách hơn vạn lần. Đó là những ngày đông giá rét tìm hiểu gia đình ông K’Ba tại thôn R’Teing (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà), một gia đình 11 người thì có tới 8 người vừa mù vừa khuyết tật. 

Sau chuyến đi, Vũ Xuân Trường đã quyết định đưa 5 người trong gia đình ông K’Ba về Hội người mù để chăm sóc, phát triển và hòa nhập cộng đồng. Anh dạy họ cách ăn ở, đi lại, cách nằm ngủ...rồi đưa vào học chữ. Hay như chuyến đi xuyên rừng vào nhà của K’Đài và K’B Riệu ở xã Sơn Điền (huyện Di Linh) vào năm 2002.

Khi đi vào tới cửa rừng thì trời nhá nhem tối và đổ mưa rất to, anh lái xe đề xuất quay trở lại nhưng Vũ Xuân Trường quyết định đội mưa, rẽ bóng tối đi tiếp.Vậy là một người sáng mắt và một người mù băng vào rừng trong đêm. Đoạn đường để vào nhà hai em là 20 cây số đường rừng. Xe mới chạy được khoảng 5 cây số thì bị hết xăng. Vũ Xuân Trường động viên anh tài sáng mắt: “Cháu cứ ngồi trên xe đi, chú ở sau sẽ đẩy”. 

Haingười cứ thế lầm lũi xuyên màn đêm, băng qua những con dốc, khe suối rờn rợn tiếng thú rừng. 9 giờ đêm, họ tới buôn làng. Nửa tháng sau, hai đứa trẻ mù nơi thâm sơn cùng cốc được đưa ra thành phố học chữ và hòa nhập cuộc sống hiện đại.            

Trở thành “thủ lĩnh” người mù 

Sau hai năm tích cực vận động, ngày 30/5/2003, tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho thành lập Hội người mù.Chủ tịch Hội là ông Trương Thành Tích, thương binh thời chống Pháp, Phó chủ tịch là Vũ Xuân Trường. Một năm sau, ông Tích do tuổi cao sức yếu nên xin nghỉ, Vũ Xuân Trường đảm nhận vị trí Chủ tịch hội cho đến ngày nay. 

“Bấy giờ Hội không có trụ sở phải mượn tạm nhà dân làm điểm sinh hoạt, kinh phí hoạt động cũng không có mà toàn bộ do các thành viên đóng góp. Hàng ngày, mọi người chia nhau về địa phương khảo sát, tìm kiếm, tập hợp người mù từ khắp nơi trong tỉnh”, Vũ Xuân Trường nhớ lại.

Với Xuân Trường, ý tưởng thành lập Hội người mù đã tạo nên hy vọng, niềm tin, động lực sống cho anh: “Người khiếm thị cần có môi trường để giao lưu nhằm tránh tâm lý mặc cảm, tự ti. Những phần quà hỗ trợ tuy nhỏ nhưng giá trị tinh thần rất lớn, giúp người khiến thị cảm thấy vẫn còn người quan tâm đến mình, xã hội không bỏ rơi họ. Tôi cảm thấy rất vui khi làm được điều gì đó cho những người đồng cảnh ngộ”.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2009, Hội người mù tỉnh Lâm Đồng được cấp đất tại địa chỉ số 8 Trần Quang Diệu để làm trụ sở sinh hoạt. Có đất rồi, anh Trường cùng các thành viên trong ban chấp hành kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí để xây dựng trụ sở khang trang như bây giờ.

Từ chỗ 7 thành viên ban đầu, đến nay Hội người mù Lâm Đồng đã có hơn 1500 thành viên; lan toả tổ chức Hội về tới 7/12 huyện/thành phố trên địa bàn toàn tỉnh: “Mục tiêu của tôi là làm sao sớm thành lập được Hội người mù tại 5 huyện còn lại để cộng đồng người khiếm thị ở tỉnh được giao lưu, kết nối, hỗ trợ nhau tốt hơn”, anh Trường ấp ủ.

Làm sao để cuộc sống anh em tốt hơn từng ngày? Đó là câu hỏi luôn thôi thúc vị Chủ tịch Hội người mù Lâm Đồng từng ngày. Bởi thế mà ngay sau khi có trụ sở mới, anh Trường đã kết nối mở các lớp dạy sản xuất tăm tre, chổi đót; gia công sản phẩm trà atiso, dạy âm nhạc biểu diễn…

“Hiện nay những công việc đơn giản như sản xuất tăm tre, chổi…được giao về cho hội người mù các huyện đảm nhận. Còn tại trụ sở, anh Trường cho biết đang tập trung mở rộng nghề massage kết hợp day huyệt. Bởi so với các huyện, nhu cầu chăm sóc sức khẻo trên địa bàn TP Đà Lạt cao hơn nhiều, thu nhập cũng ổn định hơn”, Chủ tịch Hội người mù Vũ Xuân Trường chia sẻ đồng thời cho biết đang dự tính mở thêm quán cà phê sân vườn của người khiếm thị, cũng là nơi để họ vừa mưu sinh vừa giao lưu văn hóa nghệ thuật, lạc quan hơn trong cuộc sống.

Điều Vũ Xuân Trường trăn trở nhất hiện nay là các cơ quan ban ngành cần tháo gỡ vướng mắc để những người khiếm thị, người làm việc tại Hội người mù có được chính sách hỗ trợ tốt hơn, chẳng hạn như quyền lợi tham gia Bảo hiểm xã hội: “Trước đây các anh em ở Hội có tham gia BHXH nhưng sau đó ngành bảo hiểm cho biết không biết chưa có khung chính sách thụ hưởng nên phải dừng lại. Mới đây phía bảo hiểm vận động anh em tham gia trở lại nhưng lại không được tính nối vào những năm trước sau thời gian đứt quãng, trong khi phải đóng liên tục 20 năm mới được hưởng nên cũng không ai mặn mà”, anh Trường trăn trở.

Với những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi của mình, anh Vũ Xuân Trường đã nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Hội người mù Việt Nam, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội người mù Lâm Đồng.  

Đọc thêm