Vướng mắc khi thực hiện chủ trương đấu giá cát tận thu: Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp gỡ vướng tạm thời

(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, thời gian gần đây, cát vật liệu xây dựng (VLXD) tại tỉnh Lâm Đồng tăng giá “dựng đứng”. Nguyên nhân do nguồn cát tận thu, là nguồn cung quan trọng của địa phương này, phải chờ đấu giá.
Do vướng mắc quy định, cát tận thu từ nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi… chưa thể đấu giá.

Trước đó, đầu 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp tổ chức xác định khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản làm VLXD thông thường trong phạm vi công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện tại địa bàn. Xác định, phê duyệt giá khởi điểm, chi phí liên quan và triển khai thực hiện đấu giá tài sản theo quy định như đề xuất của Sở TN&MT.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, giữa năm 2023 có 2 DN nạo vét ở huyện Lạc Dương nộp hồ sơ xin đấu giá cát sỏi tận thu. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa thể thực hiện, do một số vướng mắc cả về kỹ thuật và căn cứ pháp lý.

Cát lậu “hoành hành”

Thực tế thời gian qua cho thấy việc khan hiếm nguồn cung dẫn tới tình trạng khai thác cát lậu, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc từ nơi khác đến Lâm Đồng tiêu thụ diễn biến phức tạp.

Điển hình như tháng 8/2023, Công an (CA) huyện Bảo Lâm phối hợp UBND xã Lộc Tân, Phòng TN&MT phát hiện vụ khai thác cát trái phép từ cuối tháng 7/2023. Diện tích khai thác khoảng 2.000m2 thuộc khu mỏ đã hết hiệu lực của Cty CP Khoáng sản Ngân Long tại một phần Tiểu khu 471, xã Lộc Tân và giáp ranh khu mỏ Cty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng cũng đã hết phép.

Máy móc nằm bờ.

Đầu tháng 10/2023, quá trình kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên thượng nguồn thủy điện Đa Cha Mo (xã Phi Tô, huyện Lâm Hà), tổ công tác CA huyện phát hiện, bắt quả tang đối tượng đang có hành vi khai thác cát trái phép dưới lòng hồ. Đối tượng khai vào đầu mùa mưa, thấy cát từ thượng nguồn chảy về nhiều nên đã trang bị máy nổ, máy hút và sàng lọc để khai thác trái cát trái phép; khi có người cần sẽ bán lại. Tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận hơn 400m3 cát đang được tập kết ven bờ để chờ tiêu thụ.

PV PLVN cũng ghi nhận thời gian gần đây, trong khung giờ 23h - 0h, có nhiều xe chở cát di chuyển từ địa phận huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đi qua đèo Lộc Nam theo QL55 vào địa phận xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).

Các DN “hiến kế” giải pháp

Trước tình trạng trên, từ đầu năm tới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp tập kết, mua bán, vận chuyển, khai thác khoáng sản không rõ nguồn gốc; giải toả các khu vực khai thác khoáng sản trái phép, không phép. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xử lý 48 vụ vi phạm về khoáng sản, tăng 11 vụ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo các DN khai thác cát tận thu, để góp phần dẹp nạn cát lậu, “hạ nhiệt” tình trạng cát tăng giá… thì cần có giải pháp tháo gỡ cho khối lượng cát tận thu đang nằm chờ từ lâu nay.

Các DN nhìn nhận, với hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn tới nay thì chỉ cơ bản tháo gỡ được vấn đề xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản tận thu. Còn các quy định về thủ tục đấu giá, căn cứ xác định giá vẫn còn chung chung, mang tính tham khảo; nên chưa thể triển khai được.

Bằng chứng là đến nay trên địa bàn Lâm Đồng chưa có UBND huyện, TP nào thực hiện được, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo.

Trong đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng Lâm Đồng, các DN mong muốn tạm thời cho tận thu cát như trước đây, chờ quy định mới hoàn thiện.

Từ những lý do trên, các DN đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi; mong muốn UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho các đơn vị tạm thời đăng ký thu hồi khối lượng khoáng sản từ hoạt động nạo vét trong năm thứ nhất theo giấy phép được cấp.

“Sau khi DN nạo vét tập trung cát lên bờ, sẽ khai báo số lượng, đăng ký tận thu. Cơ quan quản lý tới hiện trường thẩm định, nếu đúng khối lượng, chất lượng; thì đồng ý cho DN tận thu. Trong khi quy định đấu giá chưa rõ ràng, DN chưa thể tận thu cát; thì giải pháp tạm thời trên giúp DN tháo gỡ khó khăn tài chính, vừa bảo đảm nguồn cung cát xây dựng ra thị trường, vừa tránh thất thu thuế”, đại diện các DN nói.

Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, các DN cam kết sau khi được cơ quan thẩm quyền cho phép được tạm thời đăng ký thu hồi khối lượng khoáng sản từ hoạt động nạo vét, sẽ nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính, tuân thủ đầy đủ các quy định. Đến khi có hướng dẫn cụ thể về đấu giá cát tận thu từ hoạt động nạo vét, sẽ nghiêm túc chấp hành theo quy định.

Ngày 16/6/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 4457/VPCP-CN về việc tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép khoáng sản làm VLXD. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết nguồn vật liệu phục vụ cho các dự án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến: Bộ trưởng Bộ TN&MT trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu giải pháp về việc đưa đất, đá, sỏi, cát là VLXD thông thường ra khỏi danh mục khoáng sản trong quá trình sửa đổi Luật Khoáng sản để có quy định cấp phép dễ dàng, đơn giản.

Tại Lâm Đồng, ngày 2/10/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, cho biết đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; xây dựng thực hiện quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các vùng giáp ranh; xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, tập kết, mua bán, vận chuyển, khai thác khoáng sản không rõ nguồn gốc, trái phép trên địa bàn…

UBND tỉnh yêu cầu lực lượng công an kiên quyết, kịp thời đấu tranh, xử lý và ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh, tập kết khoáng sản trái quy định trên địa bàn, nhất là cát, đá, cao lanh; phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương truy quét, ngăn chặn, giải tỏa, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép theo quy định pháp luật…

Đọc thêm