Xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Nghệ An

(PLVN) -  Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Nghệ An được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Văn Khánh – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này.
Ông Lương Văn Khánh – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thiên Ý

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được của tỉnh Nghệ An trong việc triển khai thực hiện các chương trình để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2023.

Ông Lương Văn Khánh: Kết quả bước đầu thực hiện Chương trình đang góp phần làm thay đổi tốt hơn bức tranh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh: cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư sửa chữa, xây dựng mới, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khoẻ...

Bản Văng Môn nơi sinh sống của đồng bào người dân tộc Ơ Đu

Đặc biệt các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng; đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần, vật chất từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tỉnh Nghệ An nói chung, cũng như Ban Dân tộc tỉnh nói riêng đã có những chính sách cụ thể nào cho các hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Lương Văn Khánh: Chính sách đối với các hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thụ hưởng chủ yếu từ các nguồn lực do ngân sách trung ương hỗ trợ.

Cụ thể, tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng và hoàn thiện các văn bản như Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 11/9/2023 của HĐND tỉnh quy định về nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 quy định định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất thực hiện Dự án 1, Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Các nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong việc từng bước ổn định đời sống, nâng cao điều kiện vật chất, tinh thần và tạo sinh kế bền vững đối với người dân. Cụ thể: hỗ trợ cho 31 hộ ở 03 huyện Kỳ Sơn (11 hộ), Tương Dương (10 hộ), Quế Phong (10 hộ). Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 494 hộ, đã xây dựng hoàn thành 166 căn nhà, đang xây dựng 209 căn nhà, có 119 hộ chuẩn bị khởi công xây dựng. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đối với 7.020 hộ. Hỗ trợ chuyển đổi nghề 2.865 hộ. Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất đang triển khai thực hiện.

Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An được triển khai như thế nào?

Ông Lương Văn Khánh: Ngay từ đầu năm 2023, Ban Dân tộc đã tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS để triển khai thực hiện.

Trong năm 2023, đã thực hiện trên 30 cuộc tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS và miền núi với gần 9.000 người tham dự hội nghị, gồm các chương trình như: tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương có khả năng xảy ra di cư tự do trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ; tuyên truyền chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Thông qua hoạt động tuyên truyền PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, từng bước ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Xin cảm ơn ông !

Đọc thêm