9 tháng đầu năm BHXH Việt Nam giải quyết chế độ cho gần 6.2 triệu lượt người

(PLO) - Ngày 12/10/2016, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016 với 64 điểm cầu trên cả nước. 
9 tháng đầu năm BHXH Việt Nam giải quyết chế độ cho gần 6.2 triệu lượt người

Báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, đến hết tháng 9/2016, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12.568.235 người, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015; BH thất nghiệp là 10.646.155 người, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015; BHXH tự nguyện là 193.983 người, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2015 và BHYT là 73,7 triệu người (đã bao gồm lực lượng vũ trang), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,6% dân số và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2015. 

Toàn ngành thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 178.804 tỷ đồng, đạt 76,1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 25.734,2 tỷ đồng (16,8%) so với cùng kỳ năm 2015. Uớc giải quyết chế độ BHXH cho gần 6,2 triệu lượt người, tăng 660 nghìn lượt người (11,9%) so với cùng kỳ năm 2015. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT cho 104.733.643 lượt người, tăng 10.675.116 lượt người (11,4%) so với cùng kỳ năm 2015.

Trước kết quả trên, 3 tháng cuối năm 2016, toàn ngành BHXH tiếp tục đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ. 

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để chủ động triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược đảm bảo kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; đồng thời phối hợp tổ chức đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. 

Thứ hai, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, trong đó tập trung hoàn thành việc rà soát, đối chiếu, đồng bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT và ban hành quy trình cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin dữ liệu này; xây dựng, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; hoàn thành việc xây dựng, chuẩn hóa danh mục và liên thông hệ thống thông tin giám định BHYT; thực hiện tốt việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động quản lý. 

Thứ ba, BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng, đặc biệt là các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các khu vực phi chính thức; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, người có thẻ BHYT.

Thứ tư, phối hợp với ngành y tế và các bộ, ngành có liên quan trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, phấn đấu đến hết năm 2016, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thấp hơn cùng kỳnăm 2015; Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng  triển khai công tác đấu thầu mua thuốc BHYT tập trung  theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Thứ năm, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, đài báo,… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.

Đọc thêm