Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai: “Thay đổi chính sách, đi sớm hơn sẽ sớm ngăn chặn được dịch bệnh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đồng Nai đang oằn mình chống Covid - 19. Một mặt vừa ngăn chặn dịch lây lan, mặt khác đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống người dân, thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai luôn hiện diện ở tuyến đầu, đưa ra các giải pháp đối phó với dịch bệnh.
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai.
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai.

Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai xung quanh trọng trách trên của ngành Y tế địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

*PV: Thưa ông, tỉnh Đồng Nai là vị trí địa lý trọng điểm, cửa ngõ vùng, giao thương hàng hóa với các tỉnh phía Nam, hiện tình hình dịch đang phức tạp , nguy cơ lây nhiễm cao. Vậy Sở Y tế đã có những tham mưu cho UBND tỉnh như thế nào?

-Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ: Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 3 trường hợp mắc Covid-19. Trong 3 giai đoạn đầu thì tỉnh Đồng Nai chỉ có 32 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp mắc ngoài cộng đồng, 28 trường hợp còn lại là người nước ngoài trở về và có cách ly tập trung.

Nói như vậy để hình dung rằng đợt 4 này là hoàn toàn khác. Đặc biệt là từ cuối tháng 6 đến nay lây nhiễm trong cộng đồng rất là lớn. Sau khi các chợ đầu mối ở TP HCM như: chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền lây nhiễm, đã lan rất nhanh xuống Đồng Nai. Điều nay khiến mức độ nguy hiểm và diễn biến dịch bệnh rất phức tạp trên địa bàn của tỉnh, đặc biệt là thành phố Biên Hòa và huyện Thống nhất.

Ngay từ khi bắt đầu dịch từ năm 2020, Sở Y tế, thành viên ban chỉ đạo của tỉnh lúc nào cũng tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch.Trong năm 2020 Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh luôn làm căng, kỹ lưỡng hơn một mức so với những điều kiện mà Bộ Y tế yêu cầu.

Lễ xuất quan tham gia Bệnh viện dã chiến.Lễ xuất quan tham gia Bệnh viện dã chiến.

Ví dụ như năm 2020, yêu cầu chỉ cách ly F1 thì Đồng Nai cách ly luônF2. Đến thời gian vừa qua, Bộ Y tế cho phép F1 âm tính rồi thì cho phép giải phóng F2, còn riêng Đồng Nai nếu F1 âm tính lần 1 vẫn giữ F2 cách ly tại nhà 7 ngày, nếu F2 âm tính thì mới giải phóng. Nói như vậy để thấy, trong thời gian vừa qua Sở luôn làm cao hơn một mức.

Trước đó Sở Y tế tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh cách ly những người từ TP Hồ Chí Minh về Đồng Nai 21 ngày và làm xét nghiệm tự trả phí. Cho đến nay Bộ Y tế cũng đã làm như vậy: cách ly 14 ngàyvà xét nghiệm âm tính 3 lần.

Đến giờ này dịch bệnh cũng đã xâm nhập vào nhiều địa bàn, đặc điểm của Đồng Nai là công nhân, Khu công nghiệp rất đông. Bộ Y tế chỉ cho phép lấy mẫu của doanh nghiệp, có nghĩa là các doanh nghiệp gửi mẫu lên cho Sở Y tế làm xét nghiệm.

Chúng tôi xin ý kiến cho phép doanh nghiệp tự làm xét nghiệm nhanh, vì lực lượng y tế không đủ lực để thực hiện công tác này. Sau đó Bộ Y tế dã cho phép Đồng Nai thí điểm các doanh nghiệp tự test nhanh về làm. Hiệu quả cho thấy một số công ty trên địa bàn như công ty Pouchen, Teakwang, Changshintest nhanh công nhân cũng đã phát hiện được các trường hợp F0.

Khi chúng ta thay đổi chính sách, đi sớm hơn một chút thì khả năng ngăn chặn dịch bệnh rất cao, chủ động trong cộng đồng, cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân và chính quyền thì chúng ta mới có thể dập được đợt dịch này.

Nhân viên ngành y tế Đồng Nai cạo tóc để thuận tiện mặc đồ bảo hộ.

Nhân viên ngành y tế Đồng Nai cạo tóc để thuận tiện mặc đồ bảo hộ.

PV: So với các địa phương lân cận, nhận định các nguồn lây nhiễm ở Đồng Nai từ đâu? Các giải pháp khống chế nguồn lây này?

-Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ: Hiện tại Đồng Nai có 4 nguồn lây chính. Thứ nhất là những người nước ngoài trở về, hiện nay thì không còn. Tiếp theo là kiều bào Campuchia đi ngược các sông từ miền Tây về Đồng Nai và cư trú tại sông La Ngà, số này nhiều trong vòng một tháng có vài chục trường hợp. Thứ nữa là người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Đồng Nai. Cuối cùng là người từ vùng dịch trở về như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, trong đó nguồn lây chính là từ TP Hồ chí Minh, lây từ các khu công nghiệp, các chợ đầu mối.

Nhưng cho đến nay, khi cả 3 tỉnh cùng thực hiện chỉ thị 16 nên lượng người di chuyển về Đồng Nai đã giảm đi rất nhiều. Và, trong thời gian vàng 10 ngày còn lại này nếu chúng ta kiên quyết, và có sự động lòng của người dân thì sẽ khống chế được dịch bệnh trên toàn tỉnh.

Việc giãn cách để không chế dịch bệnh là giải pháp rất cần thiết, đặc biệt là TP Biên Hòa.Nếu chúng ta làm muộn hơn nữa thì dễ đỗ vỡ cả hệ thống vì nhân lực y tế không thể cứu được cho cả chục ngàn người được. Ai cũng hiểu, hệ thống y tế hiện tại đã cố gắng lắm vì điều trị về Covid-19 không phải đơn giản. Nói thêm, thời gian vừa qua ngành y tế được sự ủng hộ của tất cả các ngành đặc biệt là quân đội với công an trong công tác phòng chống dịch.

Trong thời gian tới chúng ta phải xây dựng kịch bản và chiến lược để phù hợp với hoàn cảnh mới.Chúng ta phải chạy nhanh hơn dịch bệnh một bước thì chúng ta mới có thể khống chế được dịch bệnh, còn không thì chỉ mãi theo sau.

Ngành Y tế Đồng Nai nơi tuyến đầu chống dịch.

Ngành Y tế Đồng Nai nơi tuyến đầu chống dịch.

PV: Ông cho biết phương án dự phòng về giường bệnh, khu cách ly và vắc xin đến thời điểm hiện tại?

-Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ: Hiện nay số giường bệnh hiện có và đưa vào sử dụng là 1500 giường, đó là các Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện dã chiến số 1 ở Thống Nhất, các cơ sở số 3 Đại học mở TP HCM, số 2 Đại học Lạc Hồng. Sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm tăng từ 2000 - 5000 giường.

Tại các trung tâm cách ly tập trung hiện nay có khoảng 3000 người cách ly tập trung. Đồng thời bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Vấn đề về vắc xin, hiện tỉnh Đồng Nai đang thiệt thòi, vì 2 đợt cấp trước tỉnh chỉ được cấp 49.000 liều so với tổng số dân hơn 3,2 triệu người. Tuy nhiên, rất vui vì sắp tới đây sẽ có 200.000 liều được Bộ Y tế cấp về, cũng mong Bộ Y tế và Chính phủ sẽ ưu tiên cho Đồng Nai vì nơi có khu công nghiệp cao, tập trung đông công nhân, người lao động. Điều này để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, người lao động và đối tác nước ngoài tại địa bàn.

PV: Theo ông, với tình hình và các biện pháp phòng chống hiện tại, tỉnh Đồng Nai có sẽ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch?

-Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ: Chúng ta phải xây dựng kịch bản để sẵn sàng ứng phó, quyết liệt nếu phát hiện có trường hợp nhiễm thì phải chấp nhận ngưng dây chuyền sản suất ngay và hiện nay Đồng Nai đang làm quyết liệt như vậy. Mặt khác, các DN cũng đang rất tích cực, chủ động đưa người vào xét nghiệm ngay cho công nhân, người lao động của họ. Tôi nghĩ đây cũng là hệ thống bảo vệ cho chính DN và cho chính sức khỏe cộng đồng của chúng ta.

-Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Đọc thêm