GS.TS Y học Đào Văn Dũng: Suốt đời cống hiến vì một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luôn phấn đấu trau dồi để có những công trình nghiên cứu khoa học thực tiễn, hiệu quả, GS.TS Y học Đào Văn Dũng đã đạt được những thành tựu đóng góp đáng kể cho nền y tế toàn dân.
 GS.TS Đào Văn Dũng.,
GS.TS Đào Văn Dũng.,

Với tâm huyết làm sao cho ai cũng được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, mong muốn đóng góp xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học theo định hướng công bằng hiệu quả và phát triển, GS.TS Y học Đào Văn Dũng luôn phấn đấu trau dồi để có những công trình nghiên cứu khoa học thực tiễn, hiệu quả. Những thành tựu của ông đã đóng góp đáng kể cho nền y tế toàn dân.

Tim tòi phương pháp nghiên cứu, giảng dạy

GS.TS Đào Văn Dũng sinh 1955, trong gia đình có 6 anh chị em tại Thái Thụy – Thái Bình, một gia đình có truyền thống cách mạng có bố làm Chủ nhiệm HTX, mẹ làm nông dân nhưng hai người đều tham gia du kích. Với những thành tích học tập tốt, GS.TS Đào Văn Dũng được cử đi học trường Đại học Y vệ sinh – dịch tễ Leningrat, Liên Xô cũ từ 9/1976 – 6/1982, ngành Y vệ sinh, dịch tễ - Y tế công cộng. Sau đó thầy Dũng còn là nghiên cứu sinh tại Học viện Quân y từ năm 1990 – 1995.

Ngoài ra, ông đã được đi thực tập khoa học kỹ thuật từ 10/1989 – 3/1990 tại Học viện Quân y Kirov Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp trường Y vệ sinh dịch tễ - Y tế cộng cộng Leningrat, từ năm 1983 – 1987, ông làm Biên tập viên Công trình NCYHQS và biên dịch. Rồi từ 1987 – 1998, làm trợ giảng và giảng viên bộ môn Tổ chức chiến thuật quân y – Y tế công cộng Học viện Quân y. Tiếp đó từ 1998 – 2006, ông giữ vai trò là giảng viên, Chủ nhiệm khoa Y tế cộng đồng Học viện Quân y.

Sau khi không làm công tác giảng dạy, ông chuyển công tác về làm Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ 2013, GS.TS Y học Đào Văn Dũng làm Tổng biên tập Tạp chí Y học cộng đồng cho đến khi nghỉ hưu. Hiện GS Đào Văn Dũng là Tổng giám đốc Health Việt Nam, Giảng viên cao cấp - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học giáo dục Viện Khoa học quản lý Y tế.

Suốt trong quá trình học tập, giảng dạy và công tác, ông luôn cố gắng trau dồi kiến thức để đạt được những thành tựu trong học tập, giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học. Ông luôn tìm tòi, đổi mới bằng các phương pháp giảng dạy truyền thống, giảng dạy tích cực và các phương pháp nghiên cứu Dịch tễ học, Xã hội học Y tế…

Từ việc tìm tòi các phương pháp giảng dạy, ông đã phát triển thành 15 công trình nghiên cứu khoa học các cấp, 39 giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo và tài liệu hướng dẫn. Cùng với đó là hàng trăm bài báo khoa học đăng ở các báo, tạp chí chuyên ngành y học.

Tiêu biểu có thể kể đến một số cuốn giáo trình do GS.TS Đào Văn Dũng chủ biên hoặc tham gia biên soạn như: “Y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe ban đầu” NXB Y học in năm 1997, đến năm 2007 được bổ sung hoàn thiện và in dưới tên: “Y học Xã hội và Tổ chức y tế”, NXB Tri thức; “Quản lý Y tế”, NXB Y học, in năm 2000; “Tổ chức và quản lý y tế ở Việt Nam”, NXB Lao động và Xã hội in năm 2009; “Giáo trình quản lý chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, NXB Chính trị Quốc gia, in năm 2009; “Y học xã hội và xã hội học sức khỏe” NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, in năm 2013; “Sức khỏe và các yếu tố quyết định sức khỏe”, NXB Y học in năm 2016…

Trong các giáo trình của mình, GS.TS Đào Văn Dũng chú ý đề cập đến 05 nguyên tắc cơ bản về xây dựng hệ thống y tế ở nước ta như là: Rộng khắp và gần dân; Theo hướng dự phòng; Phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta; Phù hợp với trình độ quản lý của ngành và nguyên tắc Lồng ghép. GS đã chỉ ra được những bất cập trong tổ chức hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở là sự quan tâm không đúng mức về các nguyên tắc xây dựng hệ thống y tế.

Từ đó đã đề cập đến những phương thức quản lý mới, hiện đại, quản lý chất lượng toàn diện và áp dụng các tiêu chuẩn ISO trong quản lý y tế, đã góp phần giúp cho các nhà hoạch định chính sách xây dựng mô hình y tế ở nước ta một cách phù hợp nhất với tình hình thực tiễn.

Với tâm huyết với nền y học nước nhà, GS.TS Đào Văn Dũng tự đặt ra mục tiêu là luôn không ngừng hoàn thiện các giáo trình giảng dạy để phục vụ cho đối tượng ngày càng đa dạng, tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở và y tế tư nhân, phát triển địa lý y học – địa lý quản lý Quân y và kết hợp quân dân y, xác định tình hình sức khỏe của nhân dân và mô hình bệnh tật, phát triển chính sách y tế, nhất là cho các đối tượng đặc biệt trong xã hội.

Và từ những tâm huyết ấy, GS.TS Đào Văn Dũng đã vinh dự được nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học với cụm công trình: “Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới” năm 2012.

Từ kết quả công trình nghiên cứu này, GS.TS Đào Văn Dũng đã biên soạn cuốn chuyên khảo “Mô hình kết hợp quân dân y ở Việt Nam”. Đã chứng tỏ kết hợp quân dân y là rất quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam, đảm bảo y tế và đảm bảo quân y một cách có hiệu quả và phù hợp với từng vùng miền cụ thể, góp phần hoàn thiện các mô hình kết hợp quân dân trong thời bình cũng như trong thời chiến.

Cần xây dựng chính sách y tế đảm bảo sức khỏe cho mọi người

GS.TS Đào Văn Dũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra được những biện pháp xây dựng chính sách công bằng như dựa vào bằng chứng, y tế tư nhân, BHYT toàn dân… Bằng các nghiên cứu, GS.TS Đào Văn Dũng đã thấy được một thực trạng là số hộ gia đình lâm vào tình trạng nghèo hóa do chi tiêu khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới.

Trong giai đoạn từ 1993 – 2008, cứ 100 hộ gia đình có người khám, chữa bệnh thì có 5,8 – 8,2 hộ lâm vào tình trạng thảm cảnh (Chỉ số Cata) về tài chính và có từ 3,7 – 5,0 hộ lâm vào tình trạng nghèo hóa (Chỉ số Impoor) so với trước khi có người phải điều trị bệnh.

Mặc dù nhà nước đã có chính sách 139 hỗ trợ người nghèo mua thẻ BHYT, được khám chữa bệnh không mất tiền, tuy nhiên, theo ngiên cứu của GS Dũng tại 3 bệnh viện trung ương cho thấy chính sách 139 chỉ giúp được 51% tổng chi phí cho một đợt nằm viện của những đối tượng này. Từ đó cho thấy cần phải điều chỉnh chính sác 139 cho phù hợp để có thể giảm được gánh nặng cho người nghèo trong quá trình khám, chữa bệnh.

Rồi từ những bằng chứng xác thực trong nghiên cứu mô hình đầu tư toàn diện cho các làng phong ở Tây Nguyên, các chỉ số Cata và Impoor, các chỉ số đầu tư tài chính công đã là cơ sở để đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính y tế trong giai đoạn hiện nay nhằm hoàn thiện, đảm bảo các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo.

Để nền y tế phát triển toàn diện, hiệu quả và công bằng cho tất cả mọi người dân thì việc củng cố hệ thống y tế, từ y tế cơ sở đến y tế tư nhân là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy y tế cơ sở là xương sống của hệ thống y tế nước nhà nhưng lại đang thiếu nguồn lực, thiếu ổn định, đầu tư chưa tương xứng, chất lượng hoạt động chưa cao.

Đối với y tế tư nhân tuy đã có đóng góp tích cực vào công tác khám chữa bệnh và có nhiều ưu điểm song còn chưa thực sự mạnh cả về số lượng và chất lượng, mới chỉ chiếm 3% tổng số giường bệnh toàn quốc. Công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân còn nhiều bất cập, yếu kém…

Là người giảng dạy và nghiên cứu tâm huyết với y học, GS.TS Đào Văn Dũng được tiếp xúc và chứng kiến với cuộc sống của nhiều đối tượng trong xã hội. Qua đó, GS thấu hiểu được nhiều nỗi vất vả và thiệt thòi của những người nghèo, người già, người khuyết tật.

Từ thực trạng về hệ thống y tế, các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau trong cộng đồng, nhất là cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, GS.TS Đào Văn Dũng rất chú trọng việc nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế để làm sao có được sự khoa học và công bằng để đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Đọc thêm