Y Tý “chuyển mình” trong mây trắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Y Tý là một xã rẻo cao quanh năm mây phủ của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được ví như nàng tiên mới tỉnh giấc giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ...
Y Tý mùa săn mây.
Y Tý mùa săn mây.

Trong đời sống của đồng bào các dân tộc Y Tý chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Những năm qua, tỉnh Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc nơi đây, đồng thời phát triển hạ tầng, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ảo diệu và hoang sơ

Y Tý có bốn dân tộc anh em cùng sinh sống gồm người Hà Nhì, Mông, Dao và Giáy. Đặc biệt, người Hà Nhì Đen chiếm hơn 70% dân số toàn xã, vẫn giữ được những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo.

Những năm trước, bà con nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp với cây ngô, cây lúa, vất vả quanh năm nhưng cuộc sống cũng còn vô vàn khó khăn. Vài năm trở lại đây, sau quy hoạch, Y Tý được nhiều người biết đến hơn vì được coi là Sa Pa thứ hai, lượng khách du lịch đến với Y Tý nhiều hơn, nhu cầu về ăn, nghỉ của du khách cũng lớn hơn. Những homestay dần được người dân đầu tư hình thành, phát triển.

Để du lịch Y Tý phát triển bền vững nhưng không mất đi vẻ đẹp tự nhiên; đồng thời, giúp người dân nơi đây giảm nghèo bền vững, huyện Bát Xát đang thực hiện chủ trương phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Tỉnh Lào Cai định hướng cho người dân tại đây kinh doanh các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch khi đến với địa phương. Đặc biệt là dịch vụ homestay không chỉ là một sản phẩm du lịch đặc thù, một điểm lưu trú, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc và khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân địa phương.

Những ngôi nhà bồng bềnh giữa thung lũng mây trắng ở Y Tý mang vẻ đẹp ảo diệu như cổ tích.
Những ngôi nhà bồng bềnh giữa thung lũng mây trắng ở Y Tý mang vẻ đẹp ảo diệu như cổ tích.

Bên cạnh những thung lũng trên mây và thửa ruộng bậc thang ở độ cao 1.500 m, người người tìm đến nơi đây còn để được ngắm những bản làng với những nếp nhà trình tường nằm san sát bên nhau, dựa vào lưng núi như trong chuyện cổ.

Không giống những ngôi nhà sàn thường thấy của đồng bào dân tộc vùng cao, những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì nằm ngay trên nền đất, tường được làm từ đất nện và mái trông xa như hình kim tự tháp.

Ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Hà Nhì là các bức trình tường dày 40 – 45 cm, cao 4 – 5 m, với hai vòng trong và ngoài. Những căn nhà trình tường bằng đất rất dày này sẽ giúp người Hà Nhì giữ ấm vào đông mà vẫn mát mẻ vào mùa hè.

Những ngôi nhà trình tường theo nguyên mẫu của người Hà Nhì vẫn luôn là điều hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là những người đam mê nhiếp ảnh vì hình khối, đường nét riêng biệt.

Chị Trần Thị Oanh,chủ homestay Y Tý Đại Ngàn, tại thôn Lao Chải, xã Y Tý chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ sửa chữa nhà trình tường cho phù hợp với cảnh quan, phù hợp với yêu cầu của khách du lịch, mà làm sao để không làm thay đổi vẻ đẹp tự nhiên của những ngôi nhà trình trường, không làm mất đi nét “bản sắc dân tộc” vốn là điểm thu hút khách nhất”.

Nhà tường trình bằng đất và hàng rào đá nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Hà Nhì tại rẻo cao Y Tý (Lào Cai).

Nhà tường trình bằng đất và hàng rào đá nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Hà Nhì tại rẻo cao Y Tý (Lào Cai).

Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn văn hóa

Không chỉ phát triển du lịch, xây dựng dịch vụ homestay còn tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Nếu trước đây, người dân chủ yếu làm nông nghiệp hoặc sang Trung Quốc làm thuê, cuộc sống mưu sinh vất vả, thì nay người dân có thể làm ăn phát triển trên chính mảnh đất quê hương minh.

Vợ chồng Tráng Xá Mừ phải bươn chải, sang Trung Quốc xây kè, làm đường, mỗi ngày được 80 nhân dân tệ (khoảng 300 nghìn đồng). Khi dịch Covid-19 bùng phát, Mừ ở nhà tìm được việc tại một homestay. Công việc đầu tiên Mừ tiếp cận là dọn dẹp phòng, bưng bê. Chỉ sau mấy tháng, Mừ gần như thành thạo nhiều việc nên thu nhập khá ổn.

“Vừa học vừa làm, lương tháng 6 triệu, còn vợ tôi ở nhà chăn lợn, chăn gà. So với đi làm bên Trung Quốc, làm ở nhà nhàn hơn, giờ giấc đảm bảo”, Mừ nói.

“Cây hoàng hôn” – một trong những điểm check in đẹp nhất Y Tý.

“Cây hoàng hôn” – một trong những điểm check in đẹp nhất Y Tý.

Bên cạnh đó, du lịch tại Y Tý còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như các lễ hội, trò chơi dân gian, nghề đan lát thủ công,...Lễ hội đặc biệt của người dân tộc tại Y Tý thu hút du khách như: Lễ hội văn hóa các dân tộc, lễ hội Pút Tồng, lễ hội xuống đồng và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Mông...

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng, mới lạ được hình thành như: Du lịch leo núi, du lịch trải nghiệm, lễ hội mùa Thu... Nhờ hoạt động xúc tiến thúc đẩy du lịch, lượng khách đến với Bát Xát tăng mạnh qua từng năm.

Thôn Choản Thèn, xã Y Tý đã được chọn để phát triển trở thành điểm du lịch cộng đồng. Đây là thôn có diện tích tự nhiên 236 ha, với 323 nhân khẩu; gần 97% là đồng bào người Hà Nhì sinh sống. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như các lễ hội, trò chơi dân gian, nghề đan lát thủ công và những ngôi nhà trình tường độc đáo cùng cảnh quan thiên nhiên đặc sắc...

Sản vật địa phương được bày bán tại các homestay cũng mang lại nguồn thu nhập cho bà con bản xứ.Sản vật địa phương được bày bán tại các homestay cũng mang lại nguồn thu nhập cho bà con bản xứ.

Để hỗ trợ bà con, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương đã giúp người dân kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng cách tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên.

Ly Xá Gơ ở Choản Thèn thôn kế bên Lào Chải cùng 5 cô gái khác thì thành lập đội văn nghệ biểu diễn mỗi khi có du khách. Ngoài hát, nhóm của Gơ dùng nhạc nền là các bài kéo nhị truyền thống để biểu diễn 5-6 tiết mục múa dân tộc, trong đó một số đã được làm mới để hấp dẫn hơn.

“Trong đội có 6 chị em từ 22-25 tuổi. Khi có khách, các homestay thường gọi sớm, có khi chỉ lao động buổi sáng, chúng em về chuẩn bị cho các tiết mục để tối biểu diễn. Chị em ở trên này đi lao động chân tay, làm nương, rẫy suốt nên khá vất vả nhưng mỗi tối chúng em dành chút thời gian 1-2 tiếng 8-10h đêm lên nhà văn hoá hoặc tập tại nhà tâm sự với nhau và cùng tập múa”, Gơ cho biết. Mỗi tháng nhóm múa của Gơ biểu diễn khoảng 4-5 show và mỗi người được khoảng 250 nghìn đồng tiền công, du khách có thể cho thêm.

Cây đương quy - dược liệu quý, nổi tiếng của Y Tý.

Cây đương quy - dược liệu quý, nổi tiếng của Y Tý.

Nhiều dư địa để phát triển

Được biết, từ năm 2019 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai triển khai Dự án “Bảo tồn thôn truyền thống dân tộc Hà Nhì tại thôn Choản Thèn” với kinh phí 2 tỷ đồng. Choẻn Thèn cũng được hưởng lợi từ Dự án “Du lịch cộng đồng do phụ nữ Hà Nhì làm chủ” do chính phủ Australia tài trợ với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Những dự án này giúp đồng bào Hà Nhì nơi đây nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch bền vững.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã lấy ý kiến tham vấn các sở, ngành liên quan về việc công nhận Choản Thèn là điểm du lịch cấp tỉnh. Từ mô hình của thôn Choản Thèn, thời gian tới sẽ được nhân rộng ra một số thôn, bản khác của xã Y Tý.

Homestay đẹp và tiện nghi mang lại cho gia đình anh Tráng Xá Mừ nguồn thu nhập ổn định.

Homestay đẹp và tiện nghi mang lại cho gia đình anh Tráng Xá Mừ nguồn thu nhập ổn định.

Để tạo động lực cho phát triển du lịch, năm 2019 và năm 2020, xã Y Tý đã vận động người dân cải tạo lại tuyến đường đá cổ kết nối giữa thôn Tả Gì Thàng với thôn Lao Chải phục vụ du khách đi bộ ngắm cảnh.

Một số công trình cũng được triển khai làm cho trung tâm xã thêm khang trang, sạch đẹp như bê tông hóa đoạn đường vào chợ phiên Y Tý, cải tạo lại chợ Y Tý; xây dựng rãnh thoát nước; lát gạch hành lang đường trước cổng UBND xã; cải tạo lại toàn bộ nhà văn hóa các thôn, bản; cấp hàng nghìn cây đào cho người dân trồng làm đẹp các tuyến đường thôn.

Việc phát triển du lịch cộng đồng ở Y Tý vừa giúp nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc địa phương.

Đọc thêm