Người dân bản Hưng Phong, xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hoạch chè.
Người dân bản Hưng Phong, xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hoạch chè.

Tam Đường khởi sắc từ màu xanh bát ngát của cây chè

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau nhiều năm bén rẽ trên đất Tam Đường (tỉnh Lai Châu), cây chè đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Những năm qua, để góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè. Sau nhiều năm bén rẽ trên đất Tam Đường, cây chè đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Tam Đường là huyện “cửa ngõ” của tỉnh Lai Châu, có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội như: diện tích đất rộng, bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa… Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, người dân chưa chú trọng tới việc chăm sóc nên nhiều loại cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm trở lại đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện Tam Đường định hướng cho nhân dân phát triển một số cây trồng như: chè, lúa chất lượng cao, mắc-ca, sơn tra, thảo quả, sa nhân, cây ăn quả ôn đới...

Đặc biệt, huyện Tam Đường đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn là cây chè, nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Màu xanh bát ngát, ấm no ở Tam Đường.

Màu xanh bát ngát, ấm no ở Tam Đường.

Không còn cảnh đất trống đồi trọc như trước đây, mà Tam Đường hôm nay đã thay da đổi thịt, trở nên ấm no, trù phú hơn bởi những nương chè bạt ngàn, xanh ngát trải dài ngút tầm mắt. Hiện nay, cây chè tập trung phát triển tại các xã như: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường… với các loại chè chủ yếu là chè shan tuyết và kim tuyên, PH8.

Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 1.836,1ha, trong đó chè kinh doanh 1.200 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Bản Bo một trong số những xã có diện tích trồng chè lớn của huyện Tam Đường. Theo chủ trương của tỉnh, huyện, từ năm 2008 đến nay, xã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Bản Bo đã tập trung chỉ đạo nhân dân đầu tư thâm canh, mở rộng vùng chè, trồng chè chất lượng cao với tổng diện tích 831,5ha, trong đó: chè kinh doanh 571ha, sản lượng ước đạt trên 4.500 tấn, từ trồng chè mỗi năm đem lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn xã từ 50 - 60 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàn – Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Đường cho biết: “Hàng năm, xã phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành rà soát quy hoạch vùng chè, tổng hợp nhu cầu trồng mới của nhân dân; đồng thời chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè cho bà con nhân dân. Cùng với đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân liên doanh, liên kết chặt chẽ với công ty trong chuyển giao kĩ thuật và bao tiêu sản phẩm; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh theo quy chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, xã đã đầu tư xây dựng 25,4km đường sản xuất vùng chè, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, vận chuyển cây giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch chè thuận tiện hơn. Nhờ phát triển cây chè đã đem lại nguồn thu ổn định cho người dân, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm (năm 2020), đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt”.

Là một trong số những hộ gia đình có diện tích trồng chè lớn của bản Hưng Phong, nhờ trồng chè đã đem lại cho gia đình chị Phạm Thị Lý mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chị Phạm Thị Lý (bản Hưng Phong) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 2ha chè kim tuyên, mỗi lứa thu được từ 5 - 6 tấn chè, giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Để chè cho năng suất, chất lượng cao, gia đình tôi chú trọng vào việc chăm sóc, tuân thủ đúng các yêu cầu kĩ thuật từ việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tỉa tán, thu hoạch…

Những năm gần đây, gia đình tôi không hái chè bằng tay nữa mà sử dụng máy cắt chè mini để thu hoạch chè, không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức mà còn nâng cao năng suất. Chè hái đến đâu, công ty thu mua hết tới đó, nhờ trồng chè mỗi năm đem lại cho gia đình tôi thu nhập từ 250 - 280 triệu đồng/năm, từ cây chè đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn”.

Thời gian gần đây, chè búp rất được ưa chuộng, người trồng chè xã Bản Bo vui mừng, phấn khởi vì nhiều năm nay chè được mùa, có đầu ra ổn định. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 công ty thu mua chè, thuận lợi cho quá trình thu hái và bảo quản chè. Bên cạnh đó, các gia đình trồng chè tại xã Bản Bo cũng đã đầu tư máy cắt chè, máy cắt cỏ chè để tiết kiệm thời gian và công sức khi thu hoạch, giải phóng sức lao động cho người dân.

Cây chè không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân trồng chè mà còn tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Sau khi thu hoạch xong diện chè của gia đình mình, anh Má A Dũng ở bản Nậm Phát lại đi cắt chè thuê cho các hộ trồng chè trên địa bàn xã, công việc đó đem lại thu nhập thêm cho anh từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Má A Dũng (bản Nậm Phát, xã Bản Bo) chia sẻ: “Những năm trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa, trồng ngô nhưng năng suất, chất lượng thấp, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè.

Đến nay, chè cho thu hoạch đều đặn, kinh tế gia đình tôi phát triển hơn trước. Để có thêm nguồn thu nhập, sau khi thu hoạch xong diện tích chè của gia đình mình, tôi đi cắt chè thuê cho các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn. Giá cắt thuê là 2.000 đồng/kg, nhờ cắt chè thuê cũng giúp tôi có thêm nguồn thu nhập, trung bình mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng, giúp cho gia đình tôi có cuộc sống no ấm hơn”.

Nhằm phát triển vùng chè theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, huyện Tam Đường chú trọng đưa giống chè chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng chè. Bên cạnh đó, huyện tăng cường liên doanh, liên kết giữa người trồng chè với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển cây chè, cũng như vai trò, giá trị kinh tế của cây chè mang lại tới nhân dân. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức quản lý thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất; chỉ đạo Nhân dân bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích hiện có, mở rộng diện tích chè, xây dựng thêm các vùng chè tập trung.

Ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đường cho biết: “Huyện Tam Đường nằm ở độ cao từ 700 - 1200 m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây chè. Để cây chè cho năng suất, chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chú trọng khâu chăm sóc chè.

Ngay từ cuối năm, các hộ trồng chè phải tiến hành đốn chè, đồng thời sử dụng các loại phân bón để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây chè, đặc biệt khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè sạch, giúp cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích chè, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thu hút, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết với người dân trong chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm”.

Với định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Tam Đường. Tin tưởng rằng, với những hướng đi vững chắc, những chính sách thu hút, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả sẽ giúp cho Tam Đường trở thành vùng sản xuất chè tập trung lớn nhất tỉnh Lai Châu, góp phần xây dựng huyện Tam Đường ngày một phát triển.

Đọc thêm