Bệnh viện Phụ sản lớn nhất phía Nam mang tên vị Hoàng thái hậu nhân từ đức độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sài Gòn có Bệnh viện Phụ sản lớn nhất phía Nam được đặt tên là Từ Dũ. Tên gọi lấy từ tên của vị Hoàng thái hậu nổi tiếng của triều Nguyễn, tuy nhiên hậu thế nhiều người không biết rằng tên nguyên gốc của bà là Từ Dụ - tên hiệu được vua Tự Đức truyền di chiếu tấn tôn cho mẹ mình, mang ý nghĩa về lòng nhân từ, đức độ, bao dung.
Bệnh viện Từ Dũ ngày nay được đặt theo tên Hoàng thái hậu Từ Dụ.
Bệnh viện Từ Dũ ngày nay được đặt theo tên Hoàng thái hậu Từ Dụ.

Bệnh viện mang tên bà Từ Dụ

Bệnh viện Từ Dũ khởi nguyên là một khu chuyên khoa sản trực thuộc Bệnh viện Lalung Bonnaire (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy) ra đời vào năm 1923. Đến năm 1937, Chú Hoả - đại gia địa ốc lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ đã hiến mảnh đất riêng với diện tích 19.123m2 trên đường Arras cũ (nay là đường Cống Quỳnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) để xây bảo sanh viện mang tên Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương), do Giáo Sư Bác sĩ George Cartoux (người Pháp) làm giám đốc.

Do tình hình chiến tranh nên khi xây dựng xong, bảo sanh viện bị quân đội Pháp, sau đó là Nhật trưng dụng làm nơi đóng quân. Đến năm 1943, bảo sanh viện mới chính thức hoạt động với khoảng 100 giường bệnh. Năm 1944, bệnh viện đổi tên thành Việt Nam Bảo sanh viện. Đến năm 1946 được đổi thành Maternité George Béchamps, tuy nhiên người dân thường gọi là “Nhà sanh Chú Hoả”.

Năm 1948, người miền Nam lấy tên hoàng thái hậu Từ Dụ triều Nguyễn để đặt tên cho bệnh viện cho đến ngày đất nước thống nhất. Hai chữ “Từ Dụ” vốn là tên hiệu được vua Tự Đức truyền di chiếu tấn tôn cho mẹ mình năm 1883. Tên gọi này được các tài liệu, sử sách xưa đề cập khá nhiều, như bản dịch cuốn “Đại Nam thực lục chính biên” viết: “Con thứ hai vua Hiến tổ Nhân Tông hoàng đế… Mẹ là Từ Dụ, Bác huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu”.

Theo nghĩa chữ Hán, “Từ Dụ” ở đây là nhân từ và độ lượng, đây cũng là những đức tính tốt đẹp của thái hậu Từ Dụ lúc sinh thời, đặc biệt là trong việc chăm sóc, dạy bảo con cháu.

Sự nhân từ, hiền hòa của bà thể hiện qua câu chuyện ghi chép lại trong “Việt Nam sử lược”: “Một hôm rảnh việc nước, ngài (vua Tự Đức – PV) ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kỵ đức Hiến Tổ, mà ngài ngự chưa về. Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến”.

“Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ Dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ”.

Khu di tích Lăng mộ Hoàng thái hậu Từ Dụ ở Thừa Thiên - Huế.

Khu di tích Lăng mộ Hoàng thái hậu Từ Dụ ở Thừa Thiên - Huế.

Từ chữ “Từ Dụ” ban đầu, không rõ vì nguyên do gì, người miền Nam đã viết và đọc chệch thành “Từ Dũ”. Theo năm tháng, người ta quen thuộc với cách đọc, viết này và hiển nhiên sử dụng nó phổ biến như bây giờ.

Thậm chí, hàng loạt tác phẩm của các nhà nghiên cứu, nhà văn sau này khi viết về bà cũng ghi là thái hậu Từ Dũ. Ngày nay nhiều người lầm tưởng không biết về nguồn gốc và sự biến đổi tên gọi của vị hoàng thái hậu đáng kính.

Lý giải hiện tượng này, có ý kiến cho rằng có thể do người Huế - nơi nhà Nguyễn đóng đô, trong cách phát âm không phân biệt giữa Dụ và Dũ. Ý kiến khác, cũng có thể do âm của từ dụ đọc lên nghe không được thanh nên người Huế nói riêng, người miền Trung nói chung, đọc trại thành dũ để tỏ lòng tôn kính hoàng thái hậu mẹ vua Tự Đức.

Nổi tiếng trong việc dạy con

Hoàng Thái hậu Từ Dụ tên thật là Phạm Thị Hằng (1810-1902), sinh ra ở làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định. Bà là trưởng nữ của Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị. Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, nết na và rất xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, mẹ vua Minh Mạng triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) - con trai vua Minh Mạng.

Năm 1829, bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, sau đổi tên thành Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức sau này. Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Thiệu Trị và phong cho bà làm Cung tần. Bà là người đoan trang, đảm đang, nghiêm túc, cử chỉ độ lượng, lại thường khuyên răn các cung nhân chăm công việc nên sau được sung chức Thượng nghi, đồng thời nhiếp quản coi sóc Lục thượng.

Năm 1843, bà được phong Nhị giai Thành phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhị giai. Năm 1846, bà được phong làm Nhất giai Quý phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhất giai. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, thanh tao, giản dị, nhân từ khiến mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng.

Năm 1847, vua Triệu Trị băng hà, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, lấy niên hiệu Tự Đức và phong bà tôn hiệu Từ Dụ Hoàng Thái hậu nhưng bà đã từ chối. Là người bao dung, độ lượng, bà Từ Dụ nổi tiếng nhất trong việc để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con nên người, làm vị vua yêu nước thương dân, được người đời sau tôn kính, ngưỡng mộ.

Có nhiều câu chuyện lưu truyền về bà, trong đó nổi tiếng nhất là trong việc bà dạy con, tức vua Tự Đức về những đức tính tốt đẹp. Ngoài câu chuyện dạy con kinh điển trong lần vua Tự Đức đi săn trong rừng gặp nước lụt không về được, khiến quan đại thần Nguyễn Tri Phương và quân lính cực khổ đi đón, sử sách còn ghi chép nhiều nội dung về cách dạy con khéo léo của người mẹ hiền này.

Như với sở thích săn bắn của vua tự Đức, bà Từ Dụ từng nhắc nhở rằng: “Vật cũng như người, bắn chết con trống thời (thì) con mái thương nhớ, bắn con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn. Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật”.

Trong cuộc sống hàng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa, thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa phương. Có lần, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ xin tổ chức lễ mừng thọ, bà dụ rằng: “Ta đã được thiên hạ phụng sự, nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên”.

Ngoài đức tính tiết kiệm, bà nổi tiếng là thái hậu rất thương dân. Hàng năm đến lễ mừng thăng cấp, mừng thọ của bà, bà đều tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn, thực chất là sợ khổ dân. Bà cũng thường nhắc nhở vua Tự Đức phải cân nhắc, soi xét thật kỹ càng, khi bổ dụng các quan lại thì phải dùng những ông quan thanh liêm, có lòng nhân nghĩa để lương dân bớt khổ.

Khi người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu, bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết lá đơn xin quan Tây miễn thuế. Chính vì những đức tính tốt cũng như sự giáo dưỡng nghiêm khắc bà đã dành cho vua Tự Đức mà vua rất coi trọng ý kiến của thái hậu. Những lời mẹ dạy đều được nhà vua ghi vào cuốn sách “Từ huấn lục”.

Năm 1849, dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, để di chiếu tôn bà là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Vì tình thế rối ren, phải đến năm 1885, vua Hàm Nghi làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu. Năm 1887, vua Đồng Khánh tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu. Năm 1889, nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, bà được vua Thành Thái dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bác huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu.

Đọc thêm